Năm 2024, ngành y tế tỉnh Thanh Hóa xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Các đơn vị y tế trong toàn tỉnh đã tích cực triển khai, đưa ra nhiều giải pháp trong chuyển đổi số nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng khám chữa bệnh.
Trong đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa là đơn vị tiên phong triển khai hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong khám, chữa bệnh và đã được Cục CNTT – Bộ Y tế công bố triển khai Bệnh án điện tử (BAĐT) thay thế bệnh án giấy vào ngày 25/7/2022, là một trong 34 cơ sở khám, chữa bệnh đầu tiên trên toàn quốc công bố triển khai BAĐT.
Bệnh viện đã đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, hoàn thiện các hệ thống phần mềm, ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, KCB, quan tâm chú trọng nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ chuyên môn để đáp ứng sự đổi mới, không ngừng nỗ lực đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, ứng dụng CNTT trong nhiều lĩnh vực hoạt động.
Cùng với các bệnh viện tuyến tỉnh, nhiều bệnh viện tuyến huyện cũng đã tăng cường đầu tư máy móc, nâng cấp hạ tầng CNTT, triển khai hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện, hệ thống lấy số tự động, bệnh án điện tử. Đặc biệt, đã áp dụng triệt để việc chuyển đổi số trong kết nối trực tuyến để đào tạo nâng cao nghiệp vụ, chuyển giao kỹ thuật, theo kiểu cầm tay chỉ việc, đặc biệt là hội chẩn từ xa với các chuyên gia tuyến Trung ương để xử lý những ca bệnh khó, thay cho việc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.
Tại tuyến xã, bên cạnh việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hầu hết các trạm y tế đã có sự đầu tư về máy móc, trang thiết bị, ứng dụng CNTT và từng bước số hóa trong hoạt động, đã tạo điều kiện giúp các trạm y tế chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Đến thời điểm hiện tại, số nhân khẩu trên địa bàn toàn tỉnh đã được tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 94,5%
Sở Y tế Thanh Hóa đã kết hợp chặt chẽ ứng dụng CNTT với nhiệm vụ cải cách hành chính; triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng quản lý, điều hành tại Sở, quản lý tổng thể tại cơ sở khám, chữa bệnh và các đơn vị trong ngành; triển khai các phần mềm quản lý bệnh viện, các phần mềm chuyên ngành trong lĩnh vực y tế; triển khai các ứng dụng thông minh trong chẩn đoán hình ảnh (xây dựng hệ thống PACS) kết nối với hệ thống quản lý bệnh viện (phần mềm HIS).
100% các bệnh viện thực hiện việc kết xuất dữ liệu phục vụ công tác thanh, quyết toán chi phí KCB BHYT. 100% văn bản đến và đi (trừ văn bản mật) được thực hiện trên môi trường mạng. Tỷ lệ văn bản điện tử có ký số đạt 100%, văn bản điện tử đã thay thế hoàn toàn văn bản giấy tại cơ quan Sở Y tế. 100% cán bộ, công chức tại cơ quan Sở Y tế sử dụng thư điện tử công vụ trong công việc. 100% đơn vị trực thuộc sở đều đã có hộp thư điện tử và triển khai thực hiện việc trao đổi thông tin qua môi trường mạng. Sở Y tế duy trì sử dụng hộp thư điện tử công vụ của sở dễ tiếp nhận và gửi văn bản thông qua hệ thống thư điện tử của tỉnh.
Ngành cũng đã tích cực triển khai ứng dụng VSSID - bảo hiểm xã hội số với thẻ bảo hiểm y tế đã được tích hợp vào căn cước công dân để đăng ký KCB, qua đó, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, hướng đến xây dựng nền y tế hiện đại, hiệu quả. Kết quả đạt được từ ngày 01/01/2024: 676 cơ sở y tế có khám chữa bệnh
BHYT đã triển khai việc sử dụng thẻ CCCD gắn chíp thay thế thẻ BHYT trong khám bệnh, chữa bệnh; đã có 2.740.041 lượt tra cứu, trong đó lượt tra cứu thành công là 2.420.327 lượt, đạt tỷ lệ 88,3%. Số lượng CCCD được đồng bộ với thẻ BHYT còn hiệu lực để đi khám chữa bệnh bằng CCCD là 3.187.092.
BHYT đã triển khai việc sử dụng thẻ CCCD gắn chíp thay thế thẻ BHYT trong khám bệnh, chữa bệnh. |
Sở Y tế Thanh Hóa đã tiến hành rà soát toàn bộ TTHC thuộc thẩm quyền quản lý và giải quyết của Sở; kết quả đã trình UBND tỉnh đưa 54 TTHC đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 72 TTHC thực hiện dịch vụ công trực tuyến một phần, 53 TTHC đặc thù không là dịch vụ công trực tuyến; Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến tiếp nhận và giải quyết tại Sở Y tế luôn đạt trên 99% trên tổng số hồ sơ tiếp nhận.
Chuyển đổi số đã tác động trực tiếp đến các đối tượng và các dịch vụ cung cấp của ngành y tế, thay đổi cách tiếp nhận các dịch vụ y tế truyền thống sang các dịch vụ y tế số mà nền tảng là dữ liệu số. Hiện nay, sau nhiều nỗ lực, tập trung nhiều giải pháp, công tác chuyển đổi số trong ngành y tế tỉnh đã và đang gặt hái được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đến thời điểm hiện tại, số nhân khẩu trên địa bàn toàn tỉnh đã được tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 94,5%.
671 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh được Sở Y tế cấp mã liên thông cơ sở; 4.038 bác sỹ được cấp mã liên thông bác sỹ; 524 cơ sở đã tiến hành liên thông đơn thuốc lên hệ thống đơn thuốc Quốc gia; tổng số đơn thuốc được liên thông đến thời điểm hiện tại là 7.941.027.
Tại Thanh Hoá, 100% bệnh viện tuyến huyện đã kết nối hệ thống khám chữa bệnh từ xa với các bệnh viện tuyến Trung ương, 669/669 cơ sở y tế triển khai sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp thay thế thẻ bảo hiểm y tế trong khám bệnh, chữa bệnh; 42 cơ sở y tế thực hiện liên thông giấy khám sức khỏe cho lái xe, 57 cơ sở y tế liên thông giấy chứng sinh, 17 cơ sở y tế liên thông giấy chứng tử…
Ở từng cơ sở y tế, công tác chuyển đổi số đã được ứng dụng phù hợp với thực tiễn từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Với quan điểm khó ở khâu nào, gỡ vướng ở khâu đó, và thực hiện theo lộ trình, ngành y tế Thanh Hóa đang nỗ lực triển khai thực hiện nhiều giải pháp, cách làm mới, phấn đấu hoàn thành mục tiêu của chương trình chuyển đổi số y tế quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.