Trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT) trước phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hôm qua, Chính phủ đề nghị bổ sung các loại hình sản phẩm bảo hiểm liên quan đến con người, bảo hiểm nông nghiệp và bảo hiểm an ngư vào đối tượng không chịu thuế. Cùng với Luật thuế giá trị gia tăng, các dự án Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí và Luật Luật thuế thu nhập doanh nghiệp cũng đã được UBTVQH cho ý kiến.
Cần quy định chặt điều kiện hoàn thuế
Liên quan đến đối tượng không chịu thuế, Dự thảo luật quy định “Hàng hóa, dịch vụ của cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm thấp hơn 100 triệu đồng” thuộc đối tượng không chịu thuế. Tuy nhiên, theo thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội thì căn cứ để xác định mức doanh thu quy định trong Dự thảo luật chưa được Chính phủ lý giải cụ thể dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Vì vậy, đề nghị Chính phủ làm rõ căn cứ, tiêu chí để xác định mức doanh thu này.
Bên cạnh đó, Dự thảo luật bổ sung quy định cho phép khấu trừ đối với thuế GTGT đầu vào không được bồi thường của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT bị tổn thất. Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách nhất trí với nội dung sửa đổi, bổ sung nhằm thể hiện đúng bản chất của thuế GTGT: Hàng hóa, dịch vụ mua vào sử dụng để sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT được kê khai, khấu trừ.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Tài chính ngân sách, để bảo đảm chặt chẽ, tránh lợi dụng, kê khai khấu trừ khống, đề nghị quy định cụ thể hơn về điều kiện, trình tự, thủ tục xác nhận hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT bị tổn thất trong Dự thảo luật.
Về hoàn thuế GTGT, Dự thảo luật sửa đổi theo hướng nâng mức tiền thuế đầu vào tối thiểu để được hoàn thuế đối với đầu tư và xuất khẩu từ 200 triệu đồng lên 500 triệu đồng.Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách tán thành với quy định của Dự thảo luật. Tuy nhiên, cần quy định chặt chẽ hơn về điều kiện được hoàn thuế nhằm góp phần khắc phục tình trạng lợi dụng kẽ hở trong hoàn thuế, gây thất thu cho NSNN.
Thảo luận về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng "Linh hồn của sắc thuế là thuế suất thì vẫn giữ nguyên, trong khi một số vấn đề quan trọng lại chưa được làm rõ". Nhiều ủy viên UBTVQH cũng không bằng lòng khi quá nhiều nội dung sửa đổi được giao cho Chính phủ hướng dẫn.
Địa bàn khó khăn cần được ưu đãi hơn
Một trong những điểm đáng lưu ý trong dự án Luật sửa đổi bổ sung Luật thuế thu nhập doanh nghiệp là Dự thảo luật giảm mức thuế suất phổ thông từ 25% xuống còn 23%. Đối với doanh nghiệp sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng áp dụng thuế suất 20%.
Theo tính toán của Chính phủ tại thì năm 2014 nếu điều chỉnh thuế suất từ 25% xuống 23% dự kiến giảm thu ngân sách khoảng 12.064 tỷ đồng, nếu áp dụng thuế suất 20% đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa thì dự kiến giảm thu ngân sách năm 2014 thêm khoảng trên 2.000 tỷ đồng
Thẩm tra dự án Luật này, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách nhất trí với chủ trương giảm thuế suất nhằm bảo đảm tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư và đề nghị nghiên cứu, quy định ngay trong Luật về lộ trình giảm thuế suất đến năm 2020, bảo đảm phù hợp với Chiến lược cải cách thuế. Cụ thể: Giai đoạn 2014-2015 thuế suất 23%, đối với doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ áp dụng thuế suất 20%; Giai đoạn 2016 - 2020 áp dụng thống nhất một mức thuế suất 20%; đối với địa bàn đặc biệt khó khăn, cần được ưu đãi ở mức cao hơn, có thể quy định mức thuế suất 15%.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gợi ý có thể đưa xuống mức 20%. "Không nên tính toán đơn thuần là giảm bao nhiêu phần trăm thì mất bao nhiêu nghìn tỷ, mà phải tính được tác động vào sản xuất kinh doanh thế nào". Chủ tịch nói và yêu cầu cơ quan soạn thảo phải tính toán, cân nhắc thận trọng vấn đề này trước khi dự thảo được đưa ra Quốc hội.
Thu Hằng