Thay mặt cơ quan soạn thảo, Thượng tướng Bùi Văn Nam - Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã báo cáo quá trình xây dựng 2 dự án Luật; Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng - Ủy viên Thường trực Ủy ban QP-AN báo cáo tóm tắt những nội dung trong tờ trình của Chính phủ và ý kiến của Thường trực Ủy ban QP-AN về hai dự án Luật Cảnh vệ và dự án Luật CAX.
Các ý kiến phát biểu trong phiên họp đều đóng góp trên tất cả các nội dung của cả hai dự án Luật như: sự cần thiết ban hành Luật, tính hợp hiến, sự phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, về hồ sơ dự án Luật và các nội dung cụ thể của từng dự án Luật.
Theo đó, cơ bản các ý kiến đóng góp đều tán thành về sự cần thiết ban hành như tờ trình của Chính phủ về hai dự án Luật bởi ban hành hai luật này là thực hiện quy định của Hiến pháp năm 2013 về “hạn chế quyền con người, quyền công dân là phải do luật định”. Với dự án Luật Cảnh vệ, nhiều ý kiến phân tích làm rõ, trong 10 năm qua, có nhiều yếu tố mới liên quan đến công tác cảnh vệ mà Pháp lệnh Cảnh vệ đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần phải được hoàn thiện.
Việc xây dựng Luật CAX cũng rất cần thiết để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các luật mới được ban hành. Đặc biệt có ý kiến nhấn mạnh rằng, hiện nay việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở của hơn 80% địa bàn trên cả nước do lực lượng CAX thực hiện. Do đó, hoạt động của lực lượng CAX có tác động lớn đến toàn xã hội, rất cần thiết phải điều chỉnh bằng Luật.
Về đối tượng trong các dự án Luật cũng được các đại biểu thảo luận khá sôi nổi. Dự án Luật Cảnh vệ bổ sung đối tượng cảnh vệ là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đối tượng cảnh vệ nên giữ nguyên như trong Pháp lệnh Cảnh vệ để bảo đảm thống nhất, tập trung, bởi trên thực tế có nhiều đối tượng khác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ còn bị nhiều nguy hiểm khác đe dọa hơn. Mặt khác cũng cần bảo đảm tính công bằng và sự thống nhất về quyền lợi đối với các chức vụ khác trong hệ thống chính trị.
Đối với dự án Luật CAX, các ý kiến cũng cho rằng nên áp dụng mô hình kết hợp giữa công an chính quy và lực lượng bán chuyên trách để bảo đảm sự thống nhất trong quản lý, hạn chế sự chồng chéo trong quy định của các luật hiện hành như Luật Công chức, Luật Công an nhân dân.
Phát biểu chỉ đạo phiên họp, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ yêu cầu cơ quan soạn thảo, các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan và Ủy ban QP-AN cần lắng nghe, tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các đại biểu tham gia phiên họp để hoàn chỉnh, bảo đảm cho hai dự án Luật đạt kết quả tốt nhất, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nghiên cứu, trình Quốc hội quyết định theo đúng chương trình đã xác định.
Kết luận phiên họp, Thượng tướng Võ Trọng Việt khẳng định: Các dự án luật đề cơ bản đáp ứng được các yêu cầu đề ra, sau cuộc họp này có thể bổ sung, hoàn thiện để trình lên UBTVQH xem xét, cho ý kiến. Đối với sự cần thiết ban hành Luật Cảnh vệ và Luật CAX, Thượng tướng Võ Trọng Việt nhấn mạnh: đa số ý kiến đồng ý cần ban hành Luật song lưu ý Ban soạn thảo cần tiếp thu các ý kiến để diễn giải đầy đủ sự cần thiết việc ban hành phải thuyết phục hơn.
Cơ quan soạn thảo hai dự án luật cần tiếp tục có các nghiên cứu đánh giá tác động của Luật với các dẫn chứng, số liệu cụ thể để bổ sung vào các báo cáo trình Quốc hội. Chủ nhiệm Ủy ban QP-AN cũng lưu ý, việc quy định quyền hạn, phạm vi sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ trong hai dự án Luật phải được nghiên cứu kỹ lưỡng theo hướng phát huy được quyền chủ động của lực lượng chức năng nhưng không được lạm dụng việc sử dụng vũ khí và công cụ hỗ trợ.
Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban QP-AN cũng cho rằng, quá trình hoàn thiện dự án Luật cũng cần bổ sung trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng liên quan vào Luật.