Theo thống kê mới nhất của TANDTC, hiện toàn ngành còn gần 900 vụ án để quá hạn giải quyết. “Mặc dù số lượng các vụ án để quá thời hạn giải quyết đã giảm nhưng tình trạng này vẫn chưa được khắc phục triệt để”, TANDTC thừa nhận. Một trong những giải pháp được đưa ra là sẽ xử lý đối với cá nhân thẩm phán và chánh án TAND cấp tỉnh nếu để các vụ án quá hạn do nguyên nhân chủ quan.
Ảnh chỉ mang tính minh họa |
Áp lực vì án nhiều!
Trong số án quá hạn chủ yếu là án dân sự và tập trung tại các tòa án địa phương nơi có số lượng án phải giải quyết rất lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Phước… Án tăng đột biến tại nhiều địa phương cũng là nguyên nhân để quá hạn. Bên cạnh đó, theo TANDTC nhiều vụ án rất phức tạp, đông người tham gia tố tụng và lại cư trú trên nhiều địa bàn khác nhau, trong khi số lượng cán bộ, thẩm phán chưa đủ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Thêm vào đó, thực tế là trong nhiều vụ án, tòa án ‘vấp” phải sự không hợp tác của đương sự, đương sự cố tình né tránh, gây khó khăn nhằm kéo dài vụ án để chậm thực hiện nghĩa vụ. Một số đương sự không thực hiện nghĩa vụ cung cấp chứng cứ; không cung cấp địa chỉ mới của bị đơn hoặc người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan; không có mặt klhi đo đạc, định giá, nhiều trường hợp còn cản trở khi tòa án tiến hành thẩm định tại chỗ…
Sự phối hợp của một số cơ quan, tổ chức trong việc cung cấp văn bản, tài liệu; tham gia hội đồng định giá, tham gia thẩm định tại chỗ, thực hiện giám định..thực hiện chưa tốt. Việc thực hiện ủy thác tư pháp ở nước ngoài thường gặp rất nhiều khó khăn và chậm có kết quả.
Về nguyên nhân chủ quan, TANDTC chỉ ra rằng, do thiếu kiểm tra đôn đốc việc thực hiện công vụ của cán bộ, thẩm phán và chưa kịp thời đề ra những biện pháp khắc phục khi phát sinh án quá hạn ở địa phương, đơn vị mình. Ngoài ra, quá trình giải quyết vụ án, nhiều thẩm phán thường lựa chọn những vụ đơn giản để giải quyết trước nhằm đạt chỉ tiêu công tác. Những vụ án phức tạp thì chưa chủ động, tích cực để tìm biện pháp giải quyết. Với những vụ đương sự cố tình gây khó khăn, không hợp tác hay những vụ phải ủy thác ra nước ngoài thì lúng túng, chậm xử lý cũng là nguyên nhân để án quá hạn.
Kiên quyết với án quá hạn
Khắc phục tình trạng án quá hạn, TANDTC cho rằng biện pháp hữu hiệu nhất là bổ sung biên chế cán bộ, thẩm phán cho các tòa án, đặc biệt là các địa bàn có lượng án lớn. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, hiện nay, trong bối cảnh ngành nào cũng thiếu biên chế thì cần phải chủ động khắc phục khó khăn bằng các giải pháp khác như luân chuyển, điều động cán bộ từ nơi ít án đến nơi án nhiều; nếu khó khăn về nghiệp vụ thì cần trao đổi, xin ý kiến cấp trên để tìm cách tháo gỡ.
Tăng cường công tác kiểm tra cũng là một giải pháp được TANDTC chỉ ra để giải quyết tình trạng án quá hạn. Muốn đẩy nhanh tiến độ phải có kế hoạch giải quyết, đổi mới các thủ tục hành chính tư pháp; tổ chức rà soát, thống kê chính xác số lượng án quá hạn để tập trung nhân lực giải quyết.
Bên cạnh đó, một trong những giải pháp quan trọng được đề cao đó là xác định trách nhiệm và có biện pháp xử lý đối với cá nhân thẩm phán cũng như chánh án TAND cấp tỉnh trong việc để các vụ án quá hạn do nguyên nhân chủ quan. Rõ hơn vấn đề này, theo Ban Thanh tra - TANDTC thì cần xem xét làm rõ trách nhiệm đối với các thẩm phán để án quá hạn luật định trên 1 năm mà không có lý do chính đáng.
Tuy nhiên, các giải pháp được thực hiện hay không và hiệu quả ra sao phụ thuộc vào chính những người làm công tác xét xử và cơ quan có trách nhiệm quản lý. Để án quá hạn không chỉ đơn giản là vi phạm tố tụng mà quyền lợi của các bên liên quan sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, do đó ngành Tòa án cần quyết liệt hơn trong vấn đề này.
Theo thống kê của TANDTC, năm 2012 vẫn còn đến 62 trường hợp cho bị cáo hưởng án treo thiếu căn cứ, cá biệt có trường hợp cho bị cáo phạm tội về tham nhũng được hưởng án treo không đúng quy định của pháp luật. Việc tổng hợp hình phạt trong một số trường hợp không chính xác… |
Bình An