Theo AFP, khi được hỏi về vụ việc, bác sỹ nội trú Joseph Herold cho biết anh lấy làm tiếc về cái chết của thai phụ nói trên. Tuy nhiên, anh này cho rằng phần lỗi thuộc về chính phủ khi đã để hệ thống y tế lâm vào tình trạng thiếu thốn nghiêm trọng các nguồn quỹ và những khoản hỗ trợ cần thiết.
Theo bác sỹ phẫu thuật này, bản thân anh đã phải chịu đựng điều kiện làm việc khó khăn trong một thời gian quá dài. “Anh thử tưởng tượng xem, khi anh đang thực hiện dở ca phẫu thuật thì điện vụt tắt. Các bác sỹ phải hoàn thiện nốt ca mổ bằng ánh sáng từ điện thoại di động. Trong khi đó, máy gây tê lại mất áp suất, khiến bệnh nhân tỉnh dậy. Vì thuốc không có tác dụng nữa nên bệnh nhân giãy giụa trong đau đớn và ê kíp mổ sẽ phải chật vật giữ bệnh nhân trên bàn mổ để thực hiện nốt công việc của mình” – anh Herold than vãn.
Túm tụm trong một văn phòng nhỏ ở Bệnh viện Đại học Port-au-Prince, Herold và những đồng nghiệp đang tham gia đình công, bao gồm cả các bác sỹ nội trú và bác sỹ thực tập, thay nhau kể ra những bất bình mà họ đã kìm nén bấy lâu. Họ thậm chí cũng chẳng nhíu mày khi thấy một chú chuột chạy qua chân. “Điều đó cũng bình thường thôi. Trong khu nhà chúng tôi ở có rất nhiều chuột còn phòng phẫu thuật thì vẫn có ruồi” – anh này nói.
Bất bình với việc mà họ cho rằng thiếu thốn nghiêm trọng các vật tư cơ bản và điều kiện làm việc không an toàn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh, 2 tháng trước, các bác sỹ tại nhiều bệnh viện công ở Haiti đã đồng loạt đình công. Cho đến nay, 5 bệnh viện công của nước này đã lâm vào tình trạng hoang vắng “gần như sa mạc”, không thể cung cấp dịch vụ cấp cứu.
“Làm sao chúng tôi có thể nghĩ đến việc cấp cứu trong khi không có nổi một đôi găng tay phẫu thuật. Gia đình các bệnh nhân phải mua tất cả mọi thứ nhưng có nhiều người khó khăn đến nỗi không thể mua được thuốc. Họ thường quay ra chỉ trích chúng tôi và quấy rối chúng tôi cả ngày” – Herold nói thêm.
Chính quyền bất lực
Tình hình vệ sinh kém là một trong những vấn đề mà giới chức y tế Haiti từ lâu đã nhận thức được. Song, họ nói rằng họ không thể giúp cải thiện tình hình. “Vấn đề xuất phát từ các khu vực xung quanh các bệnh viện: người dân xả rác ra gần những trung tâm y tế và những người có trách nhiệm cũng không thực hiện việc dọn dẹp” – người đứng đầu Bộ Y tế Haiti Gabriel Thimote nói.
Ngoài yêu cầu cải thiện điều kiện vệ sinh và trang thiết bị y tế, các bác sỹ ở Haiti cũng yêu cầu tăng lương với lý do tỉ lệ lạm phát ở nước này trong thời gian qua tăng nhanh nhưng lương của họ vẫn không tăng kể từ năm 1990 cho đến nay. “Người ta nghĩ rằng các bác sỹ có nhiều đặc ân nhưng thu nhập của chúng tôi thậm chí còn thấp hơn các công nhân” - Herold phàn nàn.
Theo anh này, sau 6 năm học đại học, các bác sỹ thực tập chỉ nhận được khoảng 3,8 USD cho 8 giờ làm việc. Các bác sỹ chính thức nhận được khoảng 390 USD/tháng. Về vấn đề này, ông Thimote thừa nhận mức lương của các bác sỹ hiện không tương xứng với kỹ năng và thời gian học tập của họ.
Song, ông cho biết không thể làm khác trong bối cảnh Haiti trong suốt hơn 1 thập kỷ qua thường xuyên phải cắt giảm ngân sách cộng thêm những tác động nghiêm trọng tới cơ sở hạ tầng do trận động đất năm 2010. Bệnh viện Port-au-Prince hiện cũng vẫn trong quá trình xây dựng sau khi trận động đất 6 năm trước san bằng 1/3 số tòa nhà của bệnh viện.
Và, trong lúc tranh cãi giữa các bác sỹ và nhà chức trách vẫn chưa đi đến hồi kết thì các nạn nhân trực tiếp chính là 60% người dân Haiti hiện sống dưới mức nghèo đói, không có bảo hiểm và cũng không có đủ điều kiện để khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế tư nhân.