Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trong đó hạ tầng giao thông được xác định là một trong những khâu đột phá có vai trò “mở đường”, Thái Nguyên đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án, công trình trọng điểm, mang tính liên kết vùng.
Theo đó, nhằm tăng cường tính kết nối giao thông giữa tỉnh Thái Nguyên với tỉnh Bắc Giang nói chung và kết nối huyện Võ Nhai với huyện Yên Thế nói riêng. Đồng thời thúc đẩy lưu thông hàng hóa, phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch, tháng 7/2024, UBND tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt dự án đường kết nối ĐT.265 xã Bình Long (Võ Nhai) đi Bắc Giang với tổng kinh phí trên 291 tỷ đồng.
Nhiều dự án giao thông trọng điểm của tỉnh Thái Nguyên đang nhanh chóng triển khai để về đích đúng tiến độ (Ảnh: Lê Hanh) |
Tuyến đường có tổng chiều dài 6,2km, điểm đầu giao với đường ĐT.265 tại Km21+500 thuộc địa phận xã Bình Long, huyện Võ Nhai, điểm cuối giao với điểm cuối dự án đường quốc lộ 37 – quốc lộ 17 – Võ Nhai của tỉnh Bắc Giang. Đường ô tô cấp III, vận tốc thiết kế 60km/h. Dự án dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2025.
Tháng 8/2024, UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt dự án đường Vành đai I (đoạn Bờ Đậu, huyện Phú Lương - Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ) và tuyến tránh đô thị Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ với tổng kinh phí trên 923 tỷ đồng. Dự án góp phần phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong khu vực, đảm bảo tính liên kết vùng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội cho các huyện Phú Lương và Đồng Hỷ. Dự án được phê duyệt cũng góp phần khai thác hiệu quả quỹ đất hai bên đường, đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển các khu cụm công nghiệp, khu đô thị, dịch vụ.
Dự án có tổng chiều dài tuyến 8.779,09m, điểm đầu dự án tại ngã ba Bờ Đậu thuộc địa phận xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, điểm cuối giao với quốc lộ 1B tại địa phận xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ. Đường ô tô cấp III, vận tốc thiết kế 80km/h và 60km/h. Dự án dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2025.
Trong giai đoạn 2024-2027, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên cũng sẽ khởi công và hoàn thành tuyến đường kết nối từ đường Bắc Sơn đến Khu thể thao tỉnh Thái Nguyên với tổng kinh phí trên 489 tỷ đồng và đường nối Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc đến đường Triệu Quang Phục, TP. Phổ Yên với tổng mức đầu tư trên 137 tỷ đồng.
Ngoài 4 dự án trên, năm 2024, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh thực hiện 5 dự án chuyển tiếp với tổng kinh phí trên 6.164 tỷ đồng. Thời điểm cuối năm, tranh thủ thời tiết thuận lợi, chủ đầu tư đang tích cực đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo hoàn thành công trình chất lượng, đúng tiến độ đã cam kết.
Để đạt mục tiêu phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng chỉ đạo các đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu tập trung công tác giải phóng mặt bằng, phấn đấu bàn giao mặt bằng sạch để xây dựng hạ tầng KCN, CCN, hạ tầng giao thông... nhất là đối với các dự án giao thông kết nối liên vùng, liên huyện, giao thông đối ngoại. Các dự án hạ tầng giao thông được phê duyệt, xây dựng là giải pháp hiệu quả để tiếp tục tạo nên diện mạo mới cho hạ tầng giao thông địa phương, đồng thời mở ra không gian mới để phát triển các dự án hạ tầng khu, cụm công nghiệp; hạ tầng thương mại, dịch vụ, khu đô thị.
Thực tế cho thấy, điều kiện hạ tầng giao thông thuận lợi, cùng các chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, minh bạch đã đưa Thái Nguyên thành điểm sáng của khu vực trung du, miền núi phía Bắc với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và là điểm đến của nhiều nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài có tiềm lực. Phát triển các tuyến đường giao thông trọng điểm thể hiện tầm nhìn xa của Thái Nguyên trong chính sách thu hút đầu tư giai đoạn tới, giúp tỉnh nhanh chóng đạt được các mục tiêu của Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đặt ra.