Tại Quyết định số 02/2023/QĐ-UBND ngày 02/3 quy định về việc phân cấp lập, điều chỉnh danh mục công trình kiến trúc có giá trị; lập quy chế quản lý kiến trúc; phê duyệt, ban hành quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn trên địa bàn, UBND tỉnh Thái Nguyên cho phép UBND cấp huyện lập quy chế quản lý kiến trúc thuộc phạm vi quản lý; phê duyệt, ban hành quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn sau khi HĐND cùng cấp thông qua.
Theo đó, Sở Xây dựng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tổ chức và hướng dẫn UBND cấp huyện thực hiện; đồng thời theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện và tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
Đồng thời, UBND cấp huyện có tránh nhiệm: Thực hiện lập, điều chỉnh danh mục công trình kiến trúc có giá trị; lập quy chế quản lý kiến trúc; phê duyệt, ban hành quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn theo phân cấp, bảo đảm kịp thời, hiệu quả; chủ động cân đối nguồn kinh phí ngân sách địa phương hàng năm để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp nhằm phát huy, quyền tự chủ của chính quyền địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, UBND cấp huyện chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc trình HĐND cùng cấp thông qua quy chế quản lý kiến trúc. Hằng năm, báo cáo Sở Xây dựng về tình hình thực hiện nhiệm vụ của cơ quan được phân cấp.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Thái Nguyên, việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng và hiệu quả, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, hạ tầng, cảnh quan, môi trường nông thôn ngày càng thay đổi rõ nét, liên kết, hợp tác phát triển sản xuất có nhiều chuyển biến tích cực, số hợp tác xã tăng lên, quy mô lớn hơn, hiệu quả hoạt động cao hơn, hệ thống chính trị, an ninh trật tự nông thôn được ổn định, giữ vững.