Tham dự chương trình có ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Tham dự chương trình còn có lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hội đồng cố vấn của Reatimes và VIRES gồm các chuyên gia hàng đầu Việt Nam; lãnh đạo, đại diện các doanh nghiệp được vinh danh cùng sự góp mặt của nhiều cơ quan thông tấn, báo chí...
Được tổ chức lần đầu vào năm 2021, Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân là sự kiện thường niên do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức, dưới sự chỉ đạo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.
Diễn đàn là không gian thảo luận, trao đổi khách quan, đa chiều, được tổ chức vào mùa Xuân hằng năm để nhìn lại thị trường một năm đã qua và có những nhận định, phân tích, dự báo về tình hình, diễn biến thị trường trong năm mới. Qua đó, đóng góp những kiến giải, đề xuất đối với các vấn đề còn tồn đọng của thị trường, góp tiếng nói giúp hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển thị trường bất động sản Việt Nam an toàn, lành mạnh và bền vững hơn.
Khai mạc Diễn đàn, Nhà báo Phạm Nguyễn Toan - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam - cho biết:
Theo khảo sát mới nhất của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường bất động sản Việt Nam đang dần trở lại, năng lượng tích cực và những điểm sáng đã hiện diện.
Nhưng, để phục hồi và phát triển thị trường bất động sản thì nguồn lực tài chính là rất quan trọng. Và điều còn quan trọng hơn, đó là thể chế. Thể chế tốt sẽ khai thông nguồn lực và giúp "tiền đẻ ra tiền". "Chiếc áo" pháp lý được nới rộng, dư địa phát triển sẽ mở ra.
Nhà báo Phạm Nguyễn Toan - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam
Ông nhận định: Thị trường bất động sản Việt Nam hiện đang ở đáy của hình "chữ U". Dự kiến, chu kỳ sẽ tiếp tục "đi ngang" và dù rất chậm, nhưng có xu hướng nhích dần lên. Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, thị trường sẽ chính thức phục hồi từ cuối Quý II/2024. Tuy nhiên, xu hướng tốc độ đi lên khá chậm và phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cả khách quan và chủ quan. Có thể thấy, dù đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, nhưng thị trường bất động sản vẫn còn đó những khó khăn và để tháo gỡ, rất cần sự dũng cảm dám nhìn thẳng vào sự thật.
Cả thị trường vẫn phải đối diện và xử lý hàng loạt vấn đề như: Sự suy giảm tổng cầu; Các vướng mắc về chính sách, pháp lý chưa được xử lý triệt để ảnh hưởng đến nguồn cung; Trở ngại về dòng vốn gây khó khăn cho cả doanh nghiệp và người mua nhà; Thủ tục hành chính và quá trình thực thi chính sách, sự đồng hành cùng doanh nghiệp tại một số địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển…
Về Chương trình bình chọn Thương hiệu bất động sản dẫn đầu , ông Toan cho biết: từ 1.000.000 độc giả trên hệ thống Reatimes.vn và Hội đồng bình chọn trực tiếp, bao gồm: 100 nhà báo theo dõi lĩnh vực kinh tế - xây dựng - bất động sản; 30 chuyên gia kinh tế - luật - quy hoạch - kiến trúc - xây dựng - bất động sản hàng đầu của Việt Nam.
Lễ vinh danh thương hiệu Bất động sản dẫn đầu năm 2023 – 2024, nhằm tôn vinh những thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu nhất của thị trường bất động sản Việt Nam trên 11 hạng mục. Đây là hoạt động mang tính thường niên, với kỳ vọng tạo ra sự biểu dương, khích lệ kịp thời trước những nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.
"Chúng tôi hiểu rằng, mọi hoạt động bình chọn, vinh danh đều chỉ mang tính chất tương đối và không thể đánh giá hết được tất cả các thương hiệu trên thị trường bất động sản Việt Nam. Tuy nhiên, trên tinh thần khách quan, minh bạch, hội đồng cố vấn, bình chọn và Ban Tổ chức tin tưởng rằng, các thương hiệu được vinh danh hôm nay hoàn toàn xứng đáng, bởi đó là những thương hiệu xuất sắc nổi bật trong bối cảnh khó khăn, thách thức bao trùm thị trường bất động sản Việt Nam." - ông Toan nói.
Với vai trò điều phối diễn đàn, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, thương hiệu và cạnh tranh nhận định:
"Đây là giai đoạn rất khó khăn đối với thị trường bất động sản, vì vậy những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành trong thời gian qua là rất lớn, lớn hơn nhiều so với giai đoạn khủng hoảng năm 2013.
Có thể nói, đây là những nỗ lực chưa từng có của Chính phủ đối với thị trường. Đã có rất nhiều hội nghị, cuộc họp của Chính phủ, Thủ tướng được tổ chức để bàn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường. Trong đó, các giải pháp hướng tới tái cấu trúc thị trường, hoàn thiện chính sách để giải quyết các điểm nghẽn của thị trường được quan tâm rất lớn, đơn cử như điểm nghẽn về nhà ở đáp ứng nhu cầu ở thực."
Tại Diễn đàn, các khách mời cùng nhau phân tích, đánh giá, thảo luận về những chủ đề đang nhận được nhiều sự quan tâm và đóng vai trò then chốt, gần như mang tính quyết định đối với sự phục hồi của thị trường bất động sản trong giai đoạn tới.
Đó là câu chuyện về nền tảng pháp lý tạo động lực cho giai đoạn chuyển mình mới của thị trường bất động sản, đặc biệt quan trọng là việc tổ chức thực hiện 3 bộ luật "xương sống" của thị trường và tháo gỡ vướng mắc trong các nghị định, thông tư có kịp thời hay không.
Trong đó, phiên Đối thoại Cấp cao thảo luận về 2 vấn đề nổi cộm trên thị trường hiện nay. Một là câu chuyện thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác.
Hai là vấn đề cơ cấu lại sản phẩm trên thị trường bất động sản hướng đến nhu cầu thực gắn với không chỉ phát triển nhà ở xã hội, mà còn cả nhà ở thương mại giá bình bình dân… Các chuyên gia, khách mời thảo luận về chính sách phát triển nhà ở xã hội trong Luật Đất đai 2024 và những vấn đề đặt ra; kinh nghiệm quốc tế, đề xuất mô hình phát triển nhà ở thương mại giá bình dân. Qua đó, đề xuất chính sách, giải pháp thiết thực để phát triển 2 phân khúc sản phẩm này, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững./.
Trình bày tham luận tại diễn đàn, PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến - Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội - đã nêu một số điểm mới của Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật đất đai.
"Có thể nói, việc hoàn thiện 3 bộ luật liên quan đến thị trường bất động sản là thành quả chung, là sự nỗ lực rất lớn của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành, toàn dân trong gần 2 năm góp ý, chỉnh sửa hoàn thiện việc xây dựng luật.
Đến nay, thể chế đã hoàn thiện và được xác định rõ ràng, giờ quan trọng là khâu thực hiện ra sao để tháo gỡ được những tồn tại trên thị trường đất đai, bất động sản. Để có thể bắt đầu thi hành từ 1/1/2025, hiện nay, các Bộ ngành đang khẩn trương xây dựng các nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, vẫn có một số điều không đợi đến đầu năm 2025 mà được áp dụng ngay từ 1/4/2024." - ông nhận định.
PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến kỳ vọng những tháo gỡ về pháp lý sẽ nhanh chóng được thực hiện, phát huy tác dụng giúp cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong năm 2024 và những năm sau sẽ khởi sắc, mang lại hiệu quả, lợi ích thiết thực hơn, không chỉ cho các doanh nghiệp mà còn cho người dân, quốc gia cùng được thụ hưởng từ những chính sách đã ban hành.
LS. TS. Đoàn Văn Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn CEO - đã đưa ý kiến về "nhà ở vừa túi tiền". Dẫn chứng một số quốc gia lớn trên thế giới, ông Bình khẳng định: "Phát triển nhà ở vừa túi tiền càng ngày càng nhận được sự quan tâm mạnh mẽ hơn từ chính phủ các nước. Vấn đề nhà ở vừa túi tiền là vấn đề nóng bỏng mà chúng ta cần giải quyết.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định giới bất động sản dường như đã vượt qua giai đoạn "ngập lụt" trong khó khăn, có thể nói khó khăn đã ở lại phía sau.
Ông cho rằng phân khúc NƠXH, bất động sản du lịch và bất động sản khu công nghiệp sẽ phục hồi sớm.
Tuy nhiên ông nhận định: Thị trường chắc chắn vẫn còn thách thức, một là tính hai mặt của các luật liên quan đến thị trường bất động sản đã được thông qua. Đơn cử, bỏ khung giá đất, trong bối cảnh chi phí vật liệu, nhân công tăng lên thì giá nhà sẽ tăng.
Hai là thu nhập người lao động chưa được cải thiện nhiều.
Ba là ngân sách nhà nước hỗ trợ các dự án phát triển NƠXH như thế nào để hài hòa giữa các bên. Cuối cùng cơ chế phân phối NƠXH như thế nào để tránh tình trạng "đi ô tô mua NƠXH.
"Vấn đề pháp lý đã được giải, hiệu ứng tâm lý cũng tốt hơn, vấn đề quy hoạch nếu được giải thì hơn 1.200 dự án cũng được "giải thoát"." - ông khẳng định...
Cũng tại diễn đàn hôm nay, Nhà báo Nguyễn Thành Công, Phó Tổng biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam công bố Quyết định của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam về việc Giao nhiệm vụ thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và hội thảo khoa học: “Tạo lập thị trường nhà ở thương mại vừa túi tiền: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất chính sách cho Việt Nam”.
Đơn vị chủ trì đề tài là Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và Trường Đại học Luật Hà Nội;
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam giao TS. LS. Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội, Chủ nhiệm đề tài chủ động xây dựng kế hoạch thành lập Ban Chủ nhiệm, tổ chức thực hiện nghiên cứu và công bố kết quả đề tài; tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế phù hợp với tình hình thực tế.
Diễn đàn khép lại với Lễ Vinh danh thương hiệu Bất động sản dẫn đầu năm 2023 - 2024:
Top 5 Dự án đô thị và nhà ở chất lượng nhất năm 2023; Vinh danh Top 10 Khu nghỉ dưỡng tốt nhất năm 2023; Top 5 Ngân hàng cho vay bất động sản minh bạch và hiệu quả nhất năm 2023; Top 10 Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bất động sản tốt nhất năm 2023; Top 5 Dự án nhà ở xã hội, nhà ở đại chúng tiềm năng nhất năm 2024 Top 10 Dự án bất động sản khu công nghiệp tiềm năng nhất năm 2024;Vinh danh Top 5 Dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tiềm năng nhất năm 2024; Top 10 Dự án đô thị và nhà ở tiềm năng nhất năm 2024, Top 10 Sàn giao dịch bất động sản triển vọng nhất năm 2024, Top 10 Doanh nghiệp bất động sản triển vọng nhất năm 2024.