Những “báu vật” xưa trong lòng thành phố
Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu Kiến trúc (thuộc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP Hồ Chí Minh) đã có báo cáo sơ kết công tác kiểm kê, phân loại biệt thự cũ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Theo đó, TP mang tên Bác đã kiểm kê 1.253 biệt thự cũ theo danh mục giao từ UBND TP và 327 căn phát sinh mới đến tháng 10/2023. Trong gần 1.300 biệt thự xây dựng trước năm 1975, Hội đồng phân loại biệt thự đã tham mưu cho UBND TP quyết định công nhận 13 biệt thự cổ thuộc nhóm 1, gồm các căn biệt thự có giá trị điển hình về kiến trúc, nhà cổ, nhiều biệt thự còn là chứng nhân lịch sử, góp phần làm giàu bản sắc đô thị, còn được gọi là “biệt thự độc bản”. Đó là các căn biệt thự được nhiều người biết đến như 60 Võ Văn Tần (tòa nhà trụ sở du lịch Hòa Bình), số 110 - 112 Võ Văn Tần, 124 Cách Mạng Tháng Tám, 169 Nam Kỳ Khởi Nghĩa…
Theo quy định, các căn biệt thự này được giữ gìn nguyên trạng hình dáng kiến trúc bên ngoài, cấu trúc bên trong cũng như mật độ xây dựng tầng cao. Ngoài ra, Hội đồng phân loại biệt thự TP Hồ Chí Minh còn tham mưu xếp loại 226 căn biệt thự nhóm 2, chủ sở hữu các biệt thự này phải giữ nguyên kiến trúc bên ngoài. Trong quá trình kiểm kê, phát hiện thêm 327 căn biệt thự chưa có trong danh mục từ trước đến nay. Số biệt thự này sẽ được Hội đồng phân loại biệt thự tiếp tục kiểm kê, phân loại để trình UBND TP ra quyết định công nhận.
Về công tác bảo tồn này của TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Nhã cho biết: "Không thể chấp nhận một đô thị chỉ có những nhà hộp mới, những công trình mới mà song song đó phải có các yếu tố được bảo tồn từ lịch sử, ký ức. Thành phố hòa mình cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới và ngành kiến trúc phải làm sao để người ta thấy những công trình nhỏ bé nhưng rất có ý nghĩa. Sở rất tâm huyết và đặt kỳ vọng vào việc bảo tồn các công trình này".
Đây là tin vui cho người dân TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là những người quan tâm đến công tác bảo tồn văn hóa của thành phố. Bởi lẽ, nhiều năm qua, mối lo canh cánh về việc các biệt thự cổ dần “biến mất” khỏi đời sống đô thị đã hiện hữu. Tại Hội thảo khoa học “Di sản đô thị ở TP Hồ Chí Minh trong quá trình hiện đại hóa: Bảo tồn để phát triển bền vững” tổ chức cách đây vài năm, Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa từng đưa ra một danh sách gồm 18 công trình quan trọng đã biến mất trong quá trình xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh khiến nhiều người phải “giật mình”. Có thể kể ra những cái tên quen thuộc một thời như địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại khu vực Ba Son; ụ tàu, cầu sắt trong Thảo Cầm Viên; cầu Ba Cẳng độc nhất vô nhị ở Đông Nam Á trên kênh Hàng Bàng, quận 6; tháp quan sát phòng cháy, chữa cháy đầu tiên của TP Hồ Chí Minh; trại Davis trong sân bay Tân Sơn Nhất; công viên Chi Lăng; quán cà phê Givral; Nhà đèn Chợ Quán; cầu Nhị Thiên Đường; vòng xoay Quách Thị Trang cùng tượng Trần Nguyên Hãn...
Đó là chưa kể đến hàng trăm biệt thự cổ đã được hoặc chưa kịp xếp hạng di tích văn hóa bị quá trình đô thị hóa “xóa sổ”. Như trường hợp hai căn biệt thự cổ ở địa chỉ 243 Cách Mạng Tháng Tám, phường 4, quận 3, mặc dù từ nhiều năm trước Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi UBND quận 3 đề nghị ngưng việc tháo dỡ để Sở này và Trung tâm Nghiên cứu Kiến trúc kiểm kê, đánh giá, tuy nhiên, bất chấp mọi nỗ lực, hai căn biệt thự cổ tuyệt đẹp đã bị thay thế bởi tòa nhà 7 tầng hoành tráng. Còn có biệt thự 237 Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh) với tuổi đời 100 năm cùng kiến trúc độc đáo, khi bị phá hủy mang theo nhiều tiếc nuối cho giới kiến trúc. Hay như trường hợp Thương xá Tax, một công trình cổ đẹp nổi tiếng với nhiều giá trị về kiến trúc, nội thất xưa, bị đập bỏ cho dự án trung tâm thương mại hiện đại, dù cho có nhiều phản đối từ các kiến trúc sư, các nhà nghiên cứu. Cho đến nay, dự án này vẫn chưa được triển khai.
Giữ di tích là giữ cội nguồn
Trong số 13 biệt thự “độc bản” mới được công nhận gần đây, người dân TP biết nhiều đến căn biệt thự gần 100 tuổi tại 110 - 112 Võ Văn Tần, quận 3 nằm ở góc đường 3 mặt tiền Võ Văn Tần - Bà Huyện Thanh Quan - Nguyễn Thị Diệu với diện tích hơn 2.800m2, thường được gọi là biệt thự Phương Nam. Đây là công trình độc nhất vô nhị và hiếm hoi còn tồn tại ở TP Hồ Chí Minh, từ kiến trúc đến các bức tranh được vẽ trong từng căn phòng. Căn biệt thự được xây dựng vào những năm 1920 - 1930 do cụ Đặng Kim Chi (sinh năm 1938) và cụ Nguyen Kim Sa Dang (sinh năm 1934, định cư tại Mỹ) là chủ sở hữu. Năm 2015, cụ Chi và cụ Dang chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất và toàn bộ nội thất bên trong cho Công ty Cổ phần Minerva với giá 35 triệu USD. Hiện tại, Công ty CP Minerva đang trùng tu biệt thự cổ này.
Kiến trúc sư (KTS) người Pháp Nicolas Viste - Trưởng nhóm trùng tu căn biệt thự 110 - 112 Võ Văn Tần đã phân tích, biệt thự này được xem là báu vật quốc gia nhờ vào các thiết kế mô phỏng một cách đặc biệt về văn hóa Việt Nam mà đã bị bỏ quên theo thời gian. Nghiên cứu cũng khẳng định rằng, biệt thự đã được sử dụng một phần làm trường dạy ngoại ngữ vào những năm 1960 - 1970. Khi đó, do nhu cầu gia tăng diện tích các phòng học, khối công trình mới nhất ở mặt đường Bà Huyện Thanh Quan đã được xây dựng thêm.
Một căn biệt thự khác cũng nổi tiếng không kém, là một chứng nhân của nhiều giai đoạn lịch sử của thành phố, là biệt thự 169 Nam kỳ khởi nghĩa. Tòa nhà này được bà de la Souchère (Madame de la Souchère), chủ đồn điền cao su, cho xây vào năm 1927. Không lâu sau đó khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra năm 1929. Trong những năm đầu thập niên 1930, cao su rớt giá làm nhiều đồn điền phá sản, trong đó có bà de la Souchère. Từ năm 1933, bà phải cho một số nhân vật và đoàn thể mướn tòa biệt thự. Đến năm 1936, tòa nhà trở thành nơi Giám đốc Ngân hàng Đông Dương (Banque de l'Indochine) trú ngụ. Từ năm 1945 đến năm 1954, tòa nhà được quân đội Pháp trưng dụng, lúc đầu là nhà ở của tướng Philippe Leclerc (1945 - 1946), chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương, theo chân quân đội Anh có nhiệm vụ giải giới quân đội Nhật sau khi thế chiến thứ hai chấm dứt. Sau khi Pháp bại trận và rời Đông Dương, vào thập niên 1960, tòa nhà được dùng làm Phân khoa Y Dược của Đại học Sài Gòn. Sau đó là nhà của Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Sau khi đất nước thống nhất, tòa nhà được dùng làm Nhà Văn hóa Thiếu nhi, nay là Nhà Thiếu nhi Thành phố.
Căn biệt thự gần 100 tuổi tại 110-112 Võ Văn Tần, công trình cổ giá trị hiếm hoi tại TP Hồ Chí Minh mới được xếp vào nhóm 13 biệt thự “độc bản”. (Ảnh TL) |
TP Hồ Chí Minh còn nhiều căn biệt thự nổi tiếng, tồn tại trong kí ức và giai thoại của người dân như các biệt thự của gia đình chú Hỏa; Dinh Gia Long hiện là tòa nhà Bảo tàng TP Hồ Chí Minh, nơi gắn với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của thành phố; Dinh Norodom - biểu tượng cho sức mạnh và sự hiện diện của người Pháp ở Nam Kỳ, hiện nằm trong khuôn viên Dinh Độc lập... và nhiều căn biệt thự tuyệt đẹp nằm ẩn mình trong những con đường, góc phố rất thơ mộng, góp phần tạo dáng vẻ trầm mặc, cổ điển của một thành phố hiện đại. Các biệt thự và di tích này rất cần sự trân trọng, chung tay bảo tồn để không bị “biến mất” một ngày nào đó, như nhiều công trình biệt thự cổ giá trị trước đây.
Bảo tồn di tích không đơn thuần là giữ lại những công trình xưa cũ, mà là cách thành phố nhắc nhở về cội nguồn, về những giá trị đã tạo nên nền tảng cho sự phát triển hôm nay. Đó là trách nhiệm không chỉ với lịch sử mà còn với tương lai, bởi mỗi viên gạch, mỗi bức tường đều ẩn chứa trong mình những câu chuyện, bài học và khát vọng về một đất nước trường tồn.
Giữa những biến đổi chóng mặt của đô thị hóa, TP Hồ Chí Minh vẫn dành chỗ cho lịch sử “cất tiếng nói”. Đó là hình ảnh của một thành phố biết lắng nghe quá khứ để xây dựng tương lai - nơi văn hóa, lịch sử và hiện đại cùng hòa quyện, tạo nên bản sắc riêng. Những nỗ lực bảo tồn không chỉ gìn giữ linh hồn của thành phố mà còn nuôi dưỡng niềm tự hào và tình yêu quê hương trong lòng mỗi người dân.