Suthiphong Pheunphiphop, Chủ tịch Hiệp hội Đại lý Du lịch Thái Lan (TTAA), cho biết, ngay cả khi dân Thái Lan có thể thực hiện các chuyến đi nước ngoài trong quý IV thì có thể cũng chỉ đạt được ít hơn 10.000 người vì tiến độ tiêm vaccine còn chậm. Đây chính là một trở ngại để khôi phục hoạt động du lịch.
Ông cho biết lượng ca COVID-19 tăng cao đã khiến các quốc gia áp đặt các quy định nghiêm ngặt đối với công dân Thái Lan, trong khi các tuyến du lịch ngắn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi biến thể Delta và nhiều điểm đến gần đã ngừng thiết lập các thỏa thuận "bong bóng du lịch" với Thái Lan.
Trước đại dịch, người Thái Lan đi du lịch nước ngoài đạt 11 triệu người mỗi năm, với chi tiêu 430 tỷ baht. Theo TTAA, con số này đã giảm xuống 1 triệu người với tổng chi tiêu là 50 tỷ baht vào năm 2020.
Ông Chotechuang Soorangura, Giám đốc điều hành của NS Travel and Tours, cho biết: “Tốc độ tiêm chủng chậm chạp và yêu cầu tiêm nhắc lại sẽ tạo ra nhiều nhu cầu hơn đối với du lịch tiêm vaccine”.
Ngoài thị trường Mỹ, Công ty có kế hoạch cung cấp các gói xuất ngoại đến các điểm đến như Hồng Kông (Trung Quốc), nới lỏng các quy định nhập cảnh cho khách du lịch được tiêm chủng từ ngày 9/8, ngoại trừ khách đến từ 10 quốc gia được coi là có nguy cơ cao.
Ông Soorangura cho biết, Singapore có thể là một lựa chọn khác khi quốc gia này có vẻ sẽ mở cửa trở lại cho du lịch vào tháng 9, cho dù đến bây giờ chưa có kế hoạch du lịch vaccine và các công ty du lịch đang chờ Chính phủ "bật đèn xanh".
Ông cho biết sự hồi sinh của du lịch nước ngoài phụ thuộc vào các hạn chế đi lại đối với từng điểm đến và các yêu cầu cách ly ở Thái Lan. Ông Chotechuang cho biết, nếu thời hạn cách ly bắt buộc khi trở về có thể giảm xuống còn bảy ngày, thì sẽ khiến nhiều người Thái đi nước ngoài hơn.
Những người làm việc tự do và nhân viên văn phòng cho các công ty đa quốc gia được coi là thị trường trọng điểm khách du lịch tiêm vaccine, sau khi nhiều người ở phân khúc cao cấp đã đi ra nước ngoài để tiêm phòng.