Ưu tiên cải cách thuế
Theo tờ Le Figaro, trong phát biểu nhậm chức, tân Thủ tướng Pakistan đặt ra 3 ưu tiên mà ông sẽ bắt tay vào thực hiện trong thời gian tới, bao gồm chống gian lận thuế, chống tham nhũng và giảm lãng phí chi tiêu nhà nước. Các nhà phân tích cho rằng, đây thực chất là điều mà ông Khan bắt buộc phải làm, nhất là trong bối cảnh Pakistan đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế với tổng số nợ của nước này đã lên 28.000 tỷ rupi (tương đương với 227,5 tỉ USD), chiếm đến 80% GDP. Dự trữ ngoại tệ trong khi đó chỉ đủ dùng cho 2 tháng.
Bên cạnh việc hứa hẹn làm trong sạch tài chính công, tân Thủ tướng Pakistan còn cam kết nâng cao trình độ học vấn các trường công, tạo điều kiện cho 22,5 triệu trẻ em đến trường học và thiết lập một hệ thống bảo hiểm y tế cho người nghèo, đồng thời xây thêm 5 triệu nhà xã hội. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng, việc nói thì bao giờ cũng dễ hơn làm và trường hợp của ông Khan không phải ngoại lệ. Theo tờ Le Figaro, khó khăn đầu tiên mà Thủ tướng mới nhậm chức của Pakistan sẽ phải đối mặt là cải cách thuế. Theo thống kê, hiện chỉ có 800.000 người trong tổng số 200 triệu dân của Pakistan phải nộp thuế. Đặc biệt, việc gian lận thuế xảy ra ngay ở nhóm các chính trị gia của nước này. Tổ chức nhà báo điều tra Pakistan cho rằng có đến 60% các ứng viên bầu cử lập pháp và 3 trong số 16 bộ trưởng hiện nay không nộp thuế.
Công cuộc cải cách thuế của Chính phủ mới tại Pakistan được dự báo sẽ còn khó khăn hơn khi ông Imran Khan để giành thắng lợi tại cuộc bầu cử này đã phải thành lập một liên minh với nhiều chính trị gia lão luyện. Tờ Le Figaro cho biết, trong số 16 tân bộ trưởng trong Chính phủ mới được thành lập có đến 12 người từng làm việc dưới thời ông Musharraf trong những năm 2000. Tình huống này khiến những ý tưởng đổi mới, bắt đầu từ chính đội ngũ các chính trị gia phục vụ trong Chính phủ, trở nên khó khăn hơn nhiều. Truyền thông Pakistan cũng đã lên tiếng chỉ trích ông Imran Khan về việc đưa ra nhiều dự án cải cách đầy tham vọng nhưng lại chọn các nhân vật vốn bị nhiều người xem là biểu tượng cho sức ỳ vào bộ máy của mình.
Các nhà quan sát cho rằng, để tránh nguy cơ lâm vào khủng hoảng kinh tế, tới đây, Thủ tướng Pakistan sẽ phải chọn 1 trong 3 giải pháp là sử dụng nguồn trợ giúp từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nguồn tài trợ từ các ngân hàng phát triển đa phương hoặc sự hỗ trợ từ Trung Quốc. Và dù sử dụng đến kịch bản nào thì chắc chắn bên cho vay sẽ đều yêu cầu Pakistan phải thực hiện các chương trình cải cách. Do đó, dù khó khăn nhưng ông Khan chắc chắn không thể chậm trễ bắt tay vào thực hiện những ý tưởng mà ông đã đưa ra.
Thách thức đối ngoại
Trong lĩnh vực đối ngoại, theo Le Figaro, việc ông Khan trở thành Thủ tướng Pakistan sẽ khiến cho mối quan hệ vốn đã sóng gió giữa Mỹ và Pakistan trở nên bất định. Mối quan hệ này trở nên trục trặc từ đầu năm nay, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tố Pakistan “lừa dối”, không tích cực trong cuộc chiến chống khủng bố. Quốc hội Mỹ với lý do Pakistan không mạnh mẽ trong cuộc chiến chống Taliban cũng đã giảm viện trợ cho Pakistan xuống còn ở mức 150 triệu USD cho năm tài khóa 2019. Mới đây nhất, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã ngăn chặn IMF hỗ trợ Pakistan lấp khoảng sụt giảm nguồn dự trữ ngoại tệ.
Về phía Pakistan, ông Imran Khan trong bài phát biểu mừng chiến thắng bầu cử cũng đã lên tiếng chỉ trích Mỹ và tuyên bố cũng như Mỹ, chính sách của nước này phải là
“Pakistan trên hết” như tuyên bố của tân Ngoại trưởng Shah Mahmood Qureshi. Kể từ năm 2011, Pakistan cũng đã chuyển hướng thắt chặt hợp tác quân sự với Trung Quốc. Trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2017, Bắc Kinh trở thành nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Islamabad. Đầu tư kinh tế từ Trung Quốc vào Pakistan cũng đã gia tăng cùng với dự án “Vành đai, con đường”.
Mới đây nhất, ngày 23/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có cuộc điện đàm với ông Khan. Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert, tại cuộc điện đàm, ông Pompeo đã chúc ông Khan điều hành đất nước thành công, đồng thời bày tỏ sẵn sàng hợp tác với chính phủ mới của Pakistan hướng tới một mối quan hệ song phương “hiệu quả”. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết Ngoại trưởng Pompeo đã kêu gọi tân Thủ tướng Pakistan “hành động kiên quyết” chống các phần tử khủng bố đang hoạt động bên trong lãnh thổ Pakistan.
Tuy nhiên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pakistan Mohammad Faisal ngay sau đó đã lên tiếng bác bỏ tuyên bố “không chính xác” của Bộ Ngoại giao Mỹ về cuộc điện đàm. Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pakistan, 2 bên không hề có thảo luận về các phần tử khủng bố đang hoạt động tại Pakistan. Ngoại trưởng Pakistan Shah Mehmood Qureshi sau đó cũng đã lên tiếng tố tuyên bố của Mỹ “đi ngược lại sự thật”. Theo tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Pakistan, ông Imran Khan đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy quan hệ song phương dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau và đôi bên cùng có lợi. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Pakistan còn khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và ổn định tại khu vực, cho biết hai bên đã nhất trí rằng hòa bình tại Afghanistan là ưu tiên của cả hai nước. Những tranh cãi qua lại này báo hiệu một mối quan hệ có thể không mấy suôn sẻ trong nhiệm kỳ của Thủ tướng mới của Pakistan dù ông Khan trước đó được nhiều người ví là “Donald Trump của Pakistan”.
Các quan chức Mỹ gần đây cũng tiết lộ Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã lặng lẽ cắt giảm số sĩ quan Pakistan được tham gia các chương trình đào tạo và huấn luyện vốn là một trong những điểm sáng trong quan hệ song phương Mỹ - Pakistan hơn 1 thập kỷ qua. Đây là lần đầu tiên động thái này được báo cáo. Nó được xem là một trong những tác động đầu tiên của quyết định đình chỉ sự hỗ trợ an ninh của Mỹ đối với Pakistan để buộc nước này phải mạnh tay trấn áp các chiến binh Hồi giáo đã được ông Trump công bố hồi đầu năm.