Tết vui tươi ở các nước ASEAN

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
(PLVN) - Trong những ngày giữa tháng 2 này, người Việt Nam và một số nước khác trong khu vực và trên thế giới rộn ràng đón mừng ngày Tết Nguyên Đán với hàng loạt những hoạt động đậm chất truyền thống.

Do sự gần gũi về địa lý và văn hóa nên nhìn chung Tết cổ truyền của các nước ASEAN cũng có nhiều nét tương đồng.

Philippines

Tết của người Philippines được tổ chức vào ngày 1/1 Dương lịch. Tuy nhiên, trong ngày 31/12, người dân ở nước này đã quây quần về bên gia đình để đón Giao thừa, cùng nhau ăn bữa lúc nửa đêm có tên Media Noche và cùng thức đón chờ những thời khắc đầu tiên của Năm mới. Vào thời khắc đầu năm, nhiều người Philippines đốt pháo hoa hay rung chuông với niềm tin những tiếng ồn có thể giúp xua đuổi tà ma.

Trong thời gian chuyển giao giữa các năm, người già ở Philippines có thói quen giục trẻ nhỏ nhảy thật cao để chúng có thể cao lớn hơn. Người Philippines có thói quen đặt 12 loại quả có hình tròn hoặc gần tròn - tượng trưng cho 12 tháng trong năm – trong nhà, mặc quần áo chấm bi, chuẩn bị và bày biện đồ ăn theo hình tròn với niềm tin rằng việc này sẽ đem đến cho họ tiền bạc và sự giàu có trong năm mới.

Việc mở tất cả cửa và cửa sổ vào giữa đêm cũng khá phổ biến do nhiều người cho rằng việc này có thể giúp may mắn “lọt” vào nhà họ. Nhiều gia đình Philippines đọc Kinh Thánh và dự lễ cầu nguyện ở các nhà thờ. 

Mâm quả của người Philippines.
Mâm quả của người Philippines.

Ngày Tết ở Philippines chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng được tổ chức khắp cả nước. Đây cũng là dịp để những gia đình ở nước này quân quần bên nhau, ăn uống và thắt chặt tình cảm với nhau. 

Ở các nước khác, Tết Dương lịch cũng được tổ chức và trở thành ngày nghỉ toàn quốc. Tuy nhiên, ngày Tết này sẽ không được tổ chức lớn như ngày Tết truyền thống của họ.

Việt Nam 

Tết Nguyên Đán là dịp lễ lớn nhất trong năm với người Việt Nam, là dịp để mọi người từ khắp nơi hướng về quê hương, nguồn cội. Trước Tết, tất cả người dân trên khắp mọi miền, mọi dân tộc đều rộn ràng trang hoàng lại nhà cửa, mua sắm và chuẩn bị các đồ dùng cần thiết cho cả dịp Tết. Những người ở xa đều cố gắng thu xếp công việc để có thể trở về với gia đình, cùng nhau quân quần bên mâm cơm Tất niên và đón Giao thừa cùng người thân.

Bánh chưng, bánh tét - món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của người Việt.
Bánh chưng, bánh tét - món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của người Việt.

Trong những ngày đầu năm mới, người Việt Nam sẽ dâng cơm canh, các món ăn truyền thống, hương hoa và lễ vật lên tổ tiên. Tết cũng là dịp để người Việt Nam bày tỏ lòng thành kính và biết ơn đến ông bà, cha mẹ, thăm hỏi người thân, họ hàng làng xóm và cùng chúc nhau những điều may mắn. Trong dịp này, các hoạt động văn hóa – văn nghệ truyền thống cũng được tổ chức hết sức sôi nổi.

Singapore

Tương tự người Việt, việc đón Tết cổ truyền của người Singapore cũng được bắt đầu với việc dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa để chào đón những may mắn trong năm mới. Dịp Tết của người Singapore diễn ra với 3 sự kiện nổi bật: Lễ hội hoa đăng, Lễ hội River Hongbao và Lễ hội đường phố Chingay. Tết Nguyên Đán của người Singapore cũng bao gồm các phong tục tương tự như người Việt, như quây quần bên mâm cơm cuối năm, chúc Tết các thành viên trong gia đình, họ hàng, mừng tuổi cho người già và trẻ nhỏ… 

Đón năm mới với Lễ hội River Hongbao ở Singapore.
Đón năm mới với Lễ hội River Hongbao ở Singapore.

Tuy nhiên, các hoạt động ngoài trời ở nước này vào dịp Tết diễn ra rất hoành tráng. Các đường phố được trang trí rực rỡ sắc màu. Nhiều gian hàng trưng bày được dựng lên trong khi các hoạt động biểu diễn cũng được tổ chức rất quy mô và bài bản, thu hút đông đảo người dân ở địa phương và du khách. 

Lào 

Tại Lào, Tết truyền thống còn có tên là Bunpimay (Tết Té nước) và được tổ chức từ ngày 13 đến 16/4 hàng năm. Người Lào vốn coi đạo Phật là Quốc đạo nên vào ngày Tết, tất cả mọi người không phân biệt địa vị, sang – hèn đều đổ đến những ngôi chùa để làm lễ cúng Phật, nghe giảng đạo và cầu nguyện. Sau phần lễ sẽ là phần tắm cho các tượng Phật. Nước thơm hứng lại trong quá trình này sẽ được người dân té lên người các nhà sư, chùa chiền, bạn bè và người thân.

Tắm Phật ở Lào.
Tắm Phật ở Lào.

Sau phần nghi lễ ở chùa, mọi người bắt đầu tụ tập trên đường phố và té nước người đi đường. Theo quan niệm của người Lào, nước sẽ gột rửa hết những điều xấu xa, phiền muộn; đem đến sự hồi sinh cho vạn vật, sự may mắn, ấm no, hạnh phúc cho con người. 

Cũng trong dịp lễ này, người Lào có phong tục chúc Tết bằng cách buộc chỉ vào cổ tay, với quan niệm trong những ngày Tết này, ai càng nhận được nhiều sợi chỉ thì sẽ càng gặp may mắn trong năm tới. Ngoài ra, nhiều người ở Lào cũng thả chim, cá phóng sinh, coi đây là việc thiện đầu năm.

Campuchia 

Tương tự Lào, Tết của người Campuchia cũng theo Phật lịch, diễn ra vào tháng 4 và được gọi là Chaul Chnam Thmey. Để chuẩn bị cho ngày Tết, người Campuchia dừng hết các công việc lại để dọn dẹp và trang hoàng nhà cửa, mua sắm các loại thực phẩm cần thiết cho những ngày lễ. Trước năm mới, mọi nhà đều đặt lên bàn thờ 5 nén nhang, 5 cây nên và một số đồ cúng tế khác để dâng lên tổ tiên.

Người Campuchia biểu diễn trong dịp Tết.
Người Campuchia biểu diễn trong dịp Tết.

Dịp Tết của người Campuchia thường diễn ra trong 3 ngày. Ngày đầu tiên là “Moha Sangkran”. Trong ngày này, người dân sẽ chọn một thời điểm nào đó để tắm rửa, sau đó vận những bộ đồ đẹp nhất và mang hương, hoa, lễ vật lên chùa để làm lễ, cầu nguyện cho một năm mới hạnh phúc rồi tham gia các hoạt động vui chơi.

Trong ngày thứ 2 của dịp Tết có tên “Vornborth”, họ cũng dâng cơm vào chùa, làm lễ đắp 9 ngọn núi tượng trưng cho vũ trụ để cầu mong hạnh phúc và may mắn. 

Trong ngày thứ 3 “Thngai Lieng Sak”, sau khi dâng cơm lên cho các nhà sư và nghe giáo lý Phật giáo, người dân nước bạn sẽ thắp hương, dâng lễ và tưới nước thơm vào tượng Phật.

Sau đó, người dân về nhà tắm cho tượng Phật ở nhà, dâng các món ăn, bánh ngon và hoa quả lên ông bà, cha mẹ để chúc thọ và báo hiếu. Trong những ngày này, người dân Campuchia cũng đến thăm lẫn nhau, chúc nhau sức khỏe, may mắn và sự giàu có.

Thái Lan

Tết cổ truyền của người Thái Lan được gọi là Songkran. Trước Tết, người dân Thái Lan dành hẳn một ngày để dọn dẹp nhà cửa với hàm ý rũ bỏ những cái cũ, chào đón những cái mới và chuẩn bị đồ ăn cho những ngày lễ tiếp theo. Cũng trong ngày này, người dân sẽ tới bờ sông và thi nhau dựng các ngôi chùa bằng cát, mỗi hạt cát sẽ cuốn đi một tội lỗi.

Tết Té nước ở Thái Lan.
Tết Té nước ở Thái Lan.

Trong ngày đầu tiên của năm mới, người Thái Lan cũng lên chùa vào sáng sớm để thực hiện các nghi lễ cúng đồ ăn, quần áo và cầu nguyện trước khi tiến hành lễ Té nước.

Vào dịp Tết, người Thái Lan cũng thực hiện các nghi lễ như dâng đồ ăn cho các nhà sư, đổ nước lên tay nhà sư và người lớn tuổi để bày tỏ lòng thành kính, tưới nước thơm cho tượng Phật và thả rùa, chim, cá để phóng sinh. Ngoài ra, họ còn chuẩn bị những bữa ăn thịnh soạn và những đồ vật như cây tiền, tiền giấy và đồ lễ khác để dâng lên tổ tiên và người thân ở thế giới bên kia. 

Myanmar

Tết của người Myanmar cũng được tổ chức theo Phật lịch. Ngày đầu tiên của dịp Lễ bắt đầu bằng hàng loạt các hoạt động tôn giáo. Các Phật tử được khuyên tuân theo Bát giới, trong đó có việc chỉ ăn một bữa trước chính Ngọ. Người dân cũng dâng lễ vật lên các nhà sư trong các nơi thờ tự và tặng đồ ăn cho những người đi khất thực. Đến tối cùng ngày là các hoạt động múa hát, văn nghệ…ư

Các cô gái Myanmar biểu diễn điệu nhảy truyền thống trong dịp năm mới.
Các cô gái Myanmar biểu diễn điệu nhảy truyền thống trong dịp năm mới.

Cũng giống như những nước khác tổ chức Tết vào tháng 4, Tết của người Myanmar cũng được bắt đầu với nghi lễ Té nước – gọi là Thingyan. Theo người Myanmar, dòng nước sẽ rửa trôi đi những tội lỗi và xui xẻo của năm trước để mọi người có thể chào đón một năm mới với thể chất và tâm hồn trong sạch.

Trong thời gian diễn ra Tết Té nước, những đoạn tre được đặt ở dọc những con phố để người dân lấy nước té vào những người đi đường. Những chiếc xe cũng được huy động để bơm nước vào mọi người. Trẻ em trong khi đó dùng súng nước để bắn nước vào bạn bè, người thân hay bất cứ ai gần đó. 

Trong ngày đầu tiên của Năm mới, người dân Myanmar sẽ đến thăm, quỳ lạy và dâng nước thơm cho người lớn tuổi để tỏ lòng tôn kính và biết ơn. Những người trẻ sẽ gội đầu cho người già theo nghi thức truyền thống và cắt móng tay, móng chân cho họ. Ngoài ra, người ta cũng mua cá sống để thả ở các cửa sông, hồ như một việc công đức. Cũng trong dịp này, người dân Myanmar sẽ phát thức ăn miễn phí cho những người tình cờ đi qua.

Indonesia

Tết của người Indonesia được tổ chức theo lịch Hồi giáo, có tên là Lễ Idul Fitri và thường kéo dài khoảng một tuần. Tết Idul Fitri thường được tổ chức ngay sau tháng ăn chay Ramadan và thời gian tổ chức dao động theo lịch Hồi giáo. 

Dâng lễ vật ở tỉnh Đông Java, Indonesia.
Dâng lễ vật ở tỉnh Đông Java, Indonesia.

Trong dịp Lễ này, mọi tín  đồ Hồi giáo tại Indonesia cũng đều cố gắng trở về quê hương để sum họp gia đình, gặp gỡ ông bà, cha mẹ, họ hàng. Đây cũng là dịp để mọi người cầu xin được tha thứ cho những lỗi lầm của mình và gửi tới nhau những lời chúc may mắn. Trẻ em ở Indonesia vào dịp Tết cũng được người lớn “mừng tuổi” bằng đồng tiền mới với hy vọng việc này sẽ mang đến cho chúng sức khỏe và sự may mắn.

Trong dịp Tết và cả tháng ăn chay Ramadan, người dân Indonesia cũng đẩy mạnh các hoạt động từ thiện, chia sẻ khó khăn với những người kém may mắn.

Brunei

Lễ truyền thống quan trọng nhất trong năm của người Brunei được gọi là Hari Raya, có ý nghĩa tương tự như những ngày Tết của các nước khác. Trong đêm trước Hari Raya, các gia đình cũng bận rộn chuẩn bị và nấu đồ ăn.

Ngày đầu tiên trong dịp Tết này là để dành riêng cho việc đoàn tụ gia đình. Trong ngày này, không ai ra ngoài mà chỉ quây quần bên gia đình để chuyện trò, ăn uống cùng nhau. 

Từ ngày thứ 2 trở đi cho đến ngày thứ 4 của dịp Tết này, các thành viên trong gia đình mới bắt đầu đi thăm họ hàng, bạn bè. Trong những ngày này, người dân thường mở rộng cửa để mời bạn bè, người thân tới nhà họ để cùng nhau chuyện trò và thưởng thức những món ăn truyền thống khác nhau.

Trang hoàng đón Tết ở Brunei.
Trang hoàng đón Tết ở Brunei.

Trong dịp Lễ Hari Raya, Hoàng cung Brunei sẽ mở cửa cho công chúng trong 2 ngày duy nhất của năm.

Trong ngày đầu tiên, Hoàng tộc sẽ chào đón các thành viên trong chính phủ và ngày thứ 2 là để đón người dân. Trong ngày này, người dân Brunei sẽ diện trang phục đẹp nhất để diện kiến những thành viên trong Hoàng tộc – điều mà họ cho là sẽ mang đến may mắn cho cả gia đình. Mỗi người đến thăm Hoàng cung vào ngày này sẽ được tặng môt thanh chocolate có dấu ấn của hoàng gia còn trẻ em sẽ được tặng một tờ 5 Dollar Brunei tiền lì xì. 

Malaysia

Tết của người Malaysia cũng được tổ chức vào cuối tháng ăn chay Ramadan, với việc trở về quê hương đoàn tụ với gia đình – hoạt động được gọi là balik kampung – để cầu xin cha mẹ, người lớn tuổi sự tha thứ cho những sai trái mà họ phạm phải trong năm vừa qua.

Người Hồi giáo ở Malaysia bắt đầu một năm mới với việc điểm lại những việc trong năm đã qua và đưa ra những dự định cho năm tới để hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. 

Dòng người lũ lượt về quê ăn Tết ở Malaysia.
Dòng người lũ lượt về quê ăn Tết ở Malaysia.

Trong dịp Tết có tên gọi Awal Muharram này, người Malaysia sẽ tham gia các cuộc gặp gỡ và các nhiều hoạt động tôn giáo khác. Họ cũng thường đọc Kinh Koran, tổ chức những bài giảng và những lễ cầu nguyện tại các nhà thờ Hồi giáo hay các hội trường công cộng. 

Có thể thấy, tùy theo tôn giáo, phong tục, tập quán, nghi lễ đón Năm mới của các trong ASEAN có nhiều điểm khác nhau nhưng mang không ít điểm chung. Và tựu chung lại, tất cả các hoạt động diễn ra trong dịp này đều hướng về nguồn cội, quê hương, gia đình và mang ý nghĩa cầu an, cầu một năm mới may mắn, hạnh phúc và an lành cho tất cả mọi người. 

Tin cùng chuyên mục

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Đọc thêm

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.

Một cầu thủ bóng đá được trao Huân chương Tự do Tổng thống

Messi giành Quả bóng vàng 2021. (Ảnh: Euro Sport)
(PLVN) - Tổng thống Joe Biden vừa trao tặng Huân chương Tự do Tổng thống – danh hiệu cao quý nhất dành cho công dân Mỹ – cho siêu sao bóng đá Messi cùng 18 cá nhân xuất sắc khác. Buổi lễ tôn vinh những đóng góp xuất sắc của họ trong việc làm cho nước Mỹ và thế giới trở nên tốt đẹp hơn.

Loạt tín hiệu vui đầu năm mới trên thế giới

Loạt tín hiệu vui đầu năm mới trên thế giới
(PLVN) - Thế giới đón nhận nhiều tín hiệu tích cực, từ phiên đấu giá cá ngừ vây xanh lập kỷ lục tại Nhật Bản, tỷ lệ sinh tăng trở lại sau gần một thập kỷ tại Hàn Quốc, đến chương trình khám sức khỏe miễn phí cho toàn dân sắp triển khai tại Indonesia. Đặc biệt, câu chuyện bé trai Zimbabwe sống sót kỳ diệu sau 5 đêm lạc trong công viên hoang dã đã truyền cảm hứng mạnh mẽ, với niềm tin vào những điều tốt đẹp...

Liên tiếp tai nạn kinh hoàng trên thế giới những ngày đầu năm mới

Liên tiếp tai nạn kinh hoàng trên thế giới những ngày đầu năm mới
(PLVN) - Những ngày đầu năm mới 2025 chứng kiến loạt thảm họa và tai nạn nghiêm trọng xảy ra trên khắp thế giới, từ động đất ở Ethiopia, cháy nổ ở Ấn Độ và Trung Quốc, đến các vụ xả súng và tai nạn giao thông kinh hoàng tại Mỹ và Hong Kong (Trung Quốc). Mỗi sự cố đều để lại hậu quả nặng nề, cướp đi sinh mạng của nhiều người và gây ra tổn thất lớn về vật chất.