Tết thời 4.0

Tết là di sản văn hóa luôn được người Việt trân trọng. (Ảnh minh họa)
Tết là di sản văn hóa luôn được người Việt trân trọng. (Ảnh minh họa)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Khác với lo lắng của nhiều người về giới trẻ ngày nay đang thờ ơ với Tết, các nhà văn hóa cho rằng, người trẻ có cách hướng về Tết, về nguồn cội theo cách riêng của họ.

Tết luôn được lưu giữ

Những năm gần đây đã có ý kiến cho rằng, Tết nghỉ quá dài làm ngưng trệ lưu thông kinh tế. Thậm chí có những đề nghị bỏ Tết, gộp Tết Dương lịch vào Tết ta… Theo TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đã có thống kê cho thấy sức mua mùa Tết 2020 ước tính đạt trên 50 nghìn tỷ đồng cho thị trường Việt Nam, gần gấp đôi giá trị mỗi tháng thường, tương đương với 1% tổng GDP 2019. Đó là chưa kể đến các dịch vụ như du lịch, ăn uống... cũng theo đó mà đi lên.

TS Nguyễn Viết Chức nhận định, Tết Việt góp phần không nhỏ gìn giữ các giá trị văn hóa, gắn kết con cháu với bố mẹ, ông bà, tổ tiên. Tết là năm mới, là dịp sum họp, chúc những gì tốt đẹp cho từng thành viên trong gia đình. Đó là nét văn hóa của dân tộc. Còn ăn nhậu say sưa, cờ bạc, chểnh mảng việc làm, chỉ là số ít. Không vì những tiêu cực này mà đánh mất Tết ta.

Bên cạnh đó, với tâm thức hướng về nguồn cội, kỳ vọng tương lai thì mãi mãi Tết luôn lưu giữ. Những hoạt động văn hóa mỗi dịp Tết về càng ngày càng được thế hệ trẻ quan tâm hơn. Trong vài năm trở lại đây, người ta nhận thấy sự quay trở lại với tà áo dài truyền thống và cách tân của người Hà Nội vào những ngày Tết cổ truyền. Và phong tục gói bánh chưng ngày Tết được nhiều gia đình Hà Nội khôi phục như để gìn giữ hương vị ngày Tết.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, thời xưa, đại bộ phận người dân làm nông nghiệp, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nên mới chỉ chú trọng đến việc đón Tết Nguyên đán. Khi ấy, sự chênh lệch giữa ngày Tết và ngày thường rất lớn. Ngày nay, đất nước đã có những sự phát triển vượt bậc, nhìn chung đời sống của người dân đã ấm no, hạnh phúc hơn nên chúng ta chú trọng tất cả các ngày lễ, Tết. Nhưng khi mục tiêu hướng đến ngày Tết đã đạt được trong ngày thường thì con người lại nghĩ đến cách tổ chức, cách chơi Tết khác đi. Điều quan trọng là hồn cốt của Tết là hướng về cội nguồn, về gia đình, quê hương trong tim mỗi người…

Lan tỏa văn hóa Tết Việt

Cùng quan điểm trên, PGS.TS Trần Hữu Sơn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nhận định: “Không phải bây giờ chúng ta mới cảm giác Tết mất đi, thế kỷ trước nhà thơ Vũ Đình Liên cũng đã thốt lên “Những người muôn năm cũ/hồn ở đâu bây giờ”. Mỗi người Việt luôn có một góc hồn Việt. Mà khi động vào thì xúc động lắm. Bây giờ giới trẻ lựa chọn đi du lịch vào dịp Tết, đây là một sự mất mát. Nhưng nó là quy luật cuộc sống hiện đại”...

Mỗi người Việt luôn có một góc hồn Việt.

Mỗi người Việt luôn có một góc hồn Việt.

Thực tế, theo PGS.TS Trần Hữu Sơn, Tết truyền thống là một di sản văn hóa phi vật thể. Mà đã là di sản văn hóa phi vật thể thì nó có một đặc trưng là tái sáng tạo. Cha ông ta sáng tạo nên, nhưng đến thế hệ trẻ cũng sẽ tiếp tục sáng tạo. Mỗi thế hệ sẽ để một dấu ấn của mình vào đó. Tuy nhiên, có một chiều khác, đó là dù có sáng tạo đến đâu, ta cũng nên giữ hồn cốt. Cái hồn cốt của Tết truyền thống Việt là Tết đoàn viên. Dù ngày nay, người ta quan niệm là “nghỉ Tết”, “chơi Tết” chứ không còn là “ăn Tết”. Đối với nhiều người hiện nay, Tết không hẳn là dịp trở về quê hay ăn Tết tại gia mà là dịp để thực hiện những chuyến đi ngắn: Du lịch, đi nghỉ trong nước và ngoài nước, khám phá những vùng đất mới, đi lễ cầu may, đi thăm bè bạn nơi xa...

Thế nhưng, không vì thế vẻ đẹp Tết cổ truyền mất đi. Ngày nay, bắt đầu sau rằm tháng Chạp, rất nhiều hoạt động văn hóa mang tính đặc trưng của ngày Tết đã được mở ra, khơi gợi bản sắc văn hóa dân tộc trong cuộc sống đương đại và tình yêu quê hương, đất nước trong mỗi người. Trong tâm thức người Việt, nguồn cội luôn có giá trị rất sâu sắc, điều này thể hiện rõ nhất trong ngày Tết. Chính vì vậy, dù ở đời nào thì Tết cổ truyền vẫn cần được bảo tồn và phát huy.

TS Trần Hữu Sơn bày tỏ: “Quan họ Bắc Ninh có cũ không? Tết, “đến hẹn lại lên”, người ta vẫn hát quan họ cho nhau nghe, thậm chí nhiều nơi còn đổ về Kinh Bắc nghe quan họ. Chèo có cũ không? Đất Thái Bình, xuân không thể thiếu tiếng í a của chèo. Người Nghệ Tĩnh đi xa, trong tiết xuân, lắng nghe làn điệu dân ca, khẽ rơi nước mắt… Và quan họ, chèo, dân ca Nghệ Tĩnh… vẫn đang sống song hành cùng với rock, rap Việt. Đó là quá trình sáng tạo và tiếp biến văn hóa”.

Theo TS Trần Hữu Sơn, ngày nay, cộng đồng mạng phát triển, không gian trải dài. Trước đây, ta ăn Tết gia đình ở một xóm làng nhỏ ở Việt Nam. Giờ thì chúng ta ăn Tết với con cháu bên Mỹ, con cháu bên Đức, con cháu bên Nhật bằng facebook, face time. Ông bà ăn Tết ra sao, gói bánh chưng thế nào, thắp hương cho tổ tiên và luộc nồi bánh chưng như thế nào, thậm chí cô con dâu nước ngoài gọi điện về cho bố chồng, mẹ chồng hỏi gói bánh chưng thì lạt như thế nào, nếp làm ra sao... Khi ấy không gian Tết đã xoá nhoà, không còn ở một gia đình, một xóm nhỏ nữa mà mang tính toàn cầu, xuyên biên giới. Nó kéo không gian Tết Việt ra muôn nơi, văn hoá Tết Việt đã lan tỏa muôn nơi chứ không ở luỹ tre làng như trước nữa.

Lý giải về xu hướng Tết du lịch hay Tết đoàn viên, TS Trần Hữu Sơn cho rằng, ngày xưa chúng ta có “tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Bởi xưa sau khi gặt hái xong, cả thời gian nông nhàn kéo dài, nhưng đó là thời nông nghiệp, Còn bây giờ là thời của công nghiệp, hậu công nghiệp, vì thế thời gian không còn như trước.

Du lịch trước kia là mốt, còn bây giờ trở thành một nhu cầu. “Ta cần phải có thái độ chấp nhận đối với cái mới. Dù ta nhiều tuổi, ta không muốn Tết di động, ta muốn Tết đoàn viên nhưng cái làng ta mở cửa rồi, nước ta mở cửa rồi, xuyên quốc gia rồi, xuyên biên giới... tác động đến ta thì ta muốn hay không cũng không được nữa. Như vậy thì ta học cái đặc tính của người Việt đó là rất giỏi thích nghi. Và chúng ta cần thích nghi với Tết của các thế hệ”.

Họa sỹ Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm CLB Đình làng Việt cũng khẳng định, ông không thấy người trẻ nhạt phai với Tết, với văn hóa truyền thống. Đơn cử, CLB Đình làng Việt có rất nhiều người trẻ đam mê với các hoạt động văn hóa cũng như chung tay gìn giữ văn hóa truyền thống. Họ tự hào về áo dài ngũ thân của người Việt như một mạch nguồn văn hóa nối dài qua thời gian, lịch sử.

Chúng tôi mang trái tim mình về quê mẹ!

Chị Sao Mai Phạm, một bloger người Pháp gốc Việt đã chia sẻ vô cùng “thuần Việt” và cảm động về Tết, về quê mẹ trên trang cá nhân của mình: “Người Mẹ của chúng tôi - một phụ nữ Á Đông thuần khiết, trong những năm tháng xa quê hương đằng đẵng, đã luôn đắm mình trong ký ức về nơi mình sinh ra cũng như về gia đình mình, như một cách hướng về nguồn cội với những nhớ thương đầy khắc khoải được mẹ chúng tôi cất giữ sâu trong đáy mắt của mình.

Xin phép được dùng lại từ “căn cước văn hóa” để nói về trường hợp của mình. Việc biết thêm trên một ngôn ngữ, ngoài tiếng cha, tiếng mẹ của mình, đã giúp tôi không chỉ mở rộng tầm nhìn mà còn khiến tôi hiểu một cách sâu sắc hơn, nhân văn hơn về thế giới xung quanh.

Đã mười năm nay tôi đã sử dụng tấm thẻ căn cước ngôn ngữ tiếng Việt của mình một cách hữu hiệu. Tôi hiểu một cách cụ thể hơn về đời sống văn hóa, chính trị, kinh tế của Việt Nam thì đã đành. Cái được nhất là tôi đã trở thành người nhà, thành người thân của rất nhiều người Việt trên mọi miền đất nước. Tôi đang nhớ đến kỷ niệm được đón Tết Nguyên đán ở TP HCM. Từ đây tôi biết thế nào là với nắng gió phương Nam thì chỉ có sắc mai vàng rực rỡ mới là đại diện xứng đáng cho đất và người nơi này. Nếu như hoa mai rực rỡ bởi nắng vàng phương Nam, thì đông giá khắc nghiệt của phương Bắc có sắc hồng của đào phai để tìm chút hơi ấm. Mai và đào làm nên sự độc đáo của Tết Việt. Không thể hoán đổi chỗ cho nhau được.

Những ngày đầu xuân, tôi về thăm bà mẹ nuôi đẹp lão, hiền hậu người miền Tây của tôi rồi lại lộn về Sài Gòn đến thăm và chúc Tết những cụ già Hà Nội, dẫu đã mấy chục năm coi Sài Gòn là quê hương thứ hai của mình thì vẫn giữ trọn vẹn âm sắc Hà Nội, phong thái Hà Nội.

Họ, những người Việt mà tôi đã gặp, lại khen tôi “thuần Việt”. Tôi đã rưng rưng xúc động vì điều này. Tôi nhớ đến mẹ của chúng tôi, người đã trao cho chúng tôi tấm căn cước văn hóa diệu kỳ qua một hành trình dài khó khăn dạy tiếng Việt. Hơn cả việc dạy một ngôn ngữ, chính là mẹ của chúng tôi đã thổi hồn cốt Việt Nam vào những đứa con chỉ mang một nửa dòng máu Việt của mình. Khi đã có ngôn ngữ, tức chìa khóa mở ra cánh cửa “nhà mình”, chúng tôi nói với nhau rằng chúng tôi mang trái tim mình về quê mẹ, chứ không phải là chúng tôi chuẩn bị hành lý để đi du lịch ở Việt Nam!”…

Đọc thêm

Khát vọng vươn lên của Lâm Đồng qua lễ hội Festival Hoa lần thứ 10

Khát vọng vươn lên của Lâm Đồng qua lễ hội Festival Hoa lần thứ 10
(PLVN) - Không phụ lòng mong chờ, chương trình nghệ thuật đặc sắc đêm khai mạc lễ hội Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 10- 2024 tối 5/12 đã mang đến cảm giác mãn nhãn cho của du khách, người dân xứ sở ngàn hoa. Theo Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hoà Bình, lễ hội là cơ hội để du khách trong nước và quốc tế đến trải nghiệm những giá trị văn hóa - du lịch độc đáo, riêng có của Đà Lạt...

Nhà lầu ông Phủ hơn trăm năm bên dòng sông Đồng Nai

Nhà lầu ông Phủ hơn trăm năm bên dòng sông Đồng Nai
(PLVN) - Biệt thự cổ của đốc phủ Võ Thanh Hà được xây dựng cách đây hơn 102 năm là nơi lưu giữ những giá trị về lịch sử khẩn hoang của vùng đất Biên Hòa. Được coi là biệt thự cổ đẹp nhất Đồng Nai, đây không chỉ là di sản của dòng họ, căn nhà còn có giá trị văn hóa khi nằm trong cụm làng nghề truyền thống có tuổi đời trên 300 năm, đặc biệt là làng nghề đá Bửu Long.

Khai mạc Festival "Về miền ví, giặm - kết nối tinh hoa di sản"

Chương trình nghệ thuật 'Đôi bờ Ví, Giặm' tái hiện không gian diễn xướng ví, giặm. Ảnh: PV
(PLVN) - Tối 27/11, tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với tỉnh Nghệ An tổ chức Chương trình nghệ thuật cầu truyền hình trực tiếp "Đôi bờ ví, giặm" mở đầu chuỗi hoạt động Festival "Về miền ví, giặm - kết nối tinh hoa di sản" nhân kỷ niệm 10 năm Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thừa Thiên Huế: Nhiều giải pháp bảo tồn nhà vườn, nhà rường cổ

Một số nhà vườn, nhà rường cổ ở Thừa Thiên Huế đang được trùng tu. (Ảnh: Thùy Nhung)
(PLVN) - Hệ thống nhà vườn, nhà rường cổ là tài sản quý giá góp phần tạo nên đặc trưng văn hóa Huế. Trải qua hàng trăm năm chịu tác động từ thời tiết, thiên tai; kiến trúc một số nhà vườn, nhà rường cổ xuống cấp nghiêm trọng. Trước thực trạng này, nhiều giải pháp bảo tồn đang được triển khai.

Khi bảo tàng, di tích “thổi hồn” vào lịch sử

Hiện nay, việc áp dụng công nghệ hiện đại, cách bài trí nghệ thuật đã và đang được nhiều bảo tàng, di tích áp dụng thành công. (Ảnh: PV)
(PLVN) - Trong những năm gần đây, các bảo tàng, di tích lịch sử đã trở thành một điểm hẹn mới đầy hấp dẫn của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Điều này cho thấy dấu hiệu tích cực sau các nỗ lực đổi mới, áp dụng công nghệ kỹ thuật của các bảo tàng, khu di tích.

Bữa cơm gia đình – thứ quý giá đang dần mất đi

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) - Trong guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại, có một điều tưởng chừng như đơn giản nhưng lại trở thành xa xỉ: một bữa cơm gia đình đúng nghĩa. Đó là lúc mọi người quây quần bên nhau, không công việc, không điện thoại, chỉ có sự chia sẻ, tiếng cười, và tình cảm chân thành.

Nghệ nhân dân gian Mã Văn Trực – Người giữ lửa truyền thống hát Then tại Bắc Kạn

Nghệ nhân dân gian Mã Văn Trực say sưa và tự hào khi chia sẻ về bộ môn nghệ thuật dân gian ông đã dành nhiều năm gắn bó (Ảnh: Thanh Tùng)
(PLVN) -  Giữa thăng trầm của cuộc sống, có một nghệ nhân vẫn lặng lẽ, bền bỉ giữ gìn và truyền lại những tinh hoa của loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc này, đó là nghệ nhân dân gian Mã Văn Trực – người không chỉ đam mê hát Then, đàn Tính mà còn xem đây là sự nghiệp cả đời, là trách nhiệm và tình yêu với văn hóa dân tộc.

Huế thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam

Lễ hội đường phố “Sắc màu văn hóa” thu hút hàng nghìn người dân, du khách tham dự.
(PLVN) - Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu trong việc tổ chức một hình thái lễ hội đương đại mang tầm quốc gia, quốc tế. Trải qua hơn 24 năm tồn tại và phát triển, Festival Huế đã khẳng định được thương hiệu trong lòng du khách gần xa. Festival Huế đã là một sự kiện văn hóa tiêu biểu, trở thành thương hiệu nổi tiếng trong nước và quốc tế, là dịp để giới thiệu và quảng bá hình ảnh, đất nước, con người và văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Huế nói riêng một cách sinh động.

Đẩy mạnh chuyển đổi số để tạo bước đột phá trong bảo tồn giá trị di sản ở Cố đô Huế

Nhiều du khách khám phá sự hiện đại với công nghệ số trong Đại Nội Huế
(PLVN) - Thừa Thiên Huế với 8 di sản Thế giới, khoảng 1 nghìn di tích lịch sử. Có thể khẳng định, quần thể Di tích Cố đô Huế có hệ thống đồ sộ với các công trình di tích có lối kiến trúc cung đình độc đáo. Vì vậy, để lưu giữ nguồn dữ liệu về những yếu tố gốc của các công trình di tích cho muôn đời sau, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm tạo bước đột phá trong bảo tồn giá trị di sản.

Chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật và kỷ vật quý của vị vua yêu nước

Cuốn sách Hàm Nghi Hoàng đế lưu vong - nghệ sỹ ở Alger. (Ảnh: Thùy Dương)
(PLVN) - Những hậu duệ của Vua Hàm Nghi đã hiến tặng các tác phẩm nghệ thuật và kỷ vật quý của Vua Hàm Nghi cho các bảo tàng, di tích Việt Nam. Những tác phẩm nghệ thuật và kỷ vật hiến tặng ấy minh chứng sống động cho một giai đoạn đầy thăng trầm trong lịch sử Việt Nam. Việc hiến tặng các kỷ vật của Vua Hàm Nghi có ý nghĩa quan trọng đối với công tác bảo tồn di sản, tôn vinh các giá trị lịch sử của dân tộc. Các kỷ vật được hồi hương, mở ra thêm cơ hội để người dân trong nước, đặc biệt là thế hệ trẻ được chiêm ngưỡng và tìm hiểu về vị vua yêu nước.