Tết Âm lịch và sự tích đếm tuổi hoa đào

Tết là lễ hội thiêng liêng của người Việt. (Ảnh minh họa)
Tết là lễ hội thiêng liêng của người Việt. (Ảnh minh họa)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Tết Nguyên đán là lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của người Việt. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ ngày Tết bắt đầu từ bao giờ…

12 lần trăng - hoa đào nở

Tết Nguyên đán của Việt Nam được tính theo âm lịch, muộn hơn Tết Dương lịch (hay Tết Tây). Do quy luật 3 năm nhuận một tháng của âm lịch nên ngày đầu năm của dịp Tết Nguyên đán không bao giờ trước ngày 21/01 Dương lịch và sau ngày 19/02 Dương lịch mà thường chỉ rơi vào khoảng giữa những ngày này.

Thời gian diễn ra Tết Nguyên đán hàng năm thường kéo dài trong khoảng 7 - 8 ngày cuối năm cũ và 7 ngày đầu năm mới (23 tháng Chạp đến hết ngày 7 tháng Giêng).

Theo sự tích “Bánh chưng bánh dày” thì người Việt đã ăn Tết từ thời Vua Hùng, tức là trước cả khoảng thời gian 1000 năm Bắc thuộc.

Với người Việt Nam, Tết Nguyên đán không chỉ là khoảng thời gian chuyển giao giữa năm cũ và năm mới Âm lịch mà nó còn chứa đựng nhiều ý nghĩa tâm linh, văn hóa,... Theo quan niệm phương Đông, đây là khoảng thời gian trời đất có sự giao hòa và con người trở nên gần với thần linh.

Tết Nguyên đán xưa là dịp để người nông dân bày tỏ lòng thành kính đến các vị thần linh như thần Đất, thần Mưa, thần Sấm, thần Nước, thần Mặt trời,... và cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Đây cũng là dịp mọi người làm mới lại về phần tình cảm và tinh thần để mối liên hệ với người thân được gắn bó hơn, tinh thần thoải mái, tươi vui hơn. Trong dịp Tết, các gia đình thường tụ họp chúc Tết nhau, cùng nhau thắp nén hương tưởng nhớ ông bà, tổ tiên, tạ ơn ông bà, tổ tiên đã phù hộ trong suốt một năm qua.

Một lần, nhân dịp vui, nhà vua nảy ý định ban thưởng cho người già nhất trong nước. Nhưng chẳng làng nào chọn được người già nhất nước. Thấy vậy, nhà vua liền phái một đoàn sứ giả đi tìm các vị thần để biết hỏi cách biết người già nhất.

Vâng lệnh vua, đoàn sứ giả lên đường. Vị thần đầu tiên họ gặp là Thần Sông. Thần Sông mặc áo trắng, tóc mềm như nước, nghe sứ giả hỏi bèn lắc đầu trả lời:

- Ta ở dây đã lâu nhưng chưa bằng mẹ ta. Hãy đến hỏi mẹ ta. Mẹ ta là Biển Cả.

Thần Biển mặc áo xanh biếc đang ru con bằng những lời sóng vỗ. Được hỏi, thần Biển chỉ tay lên ngọn núi xa xa và nói :

- Hãy hỏi Thần Núi, Thần còn sinh ra trước cả ta. Khi ta lớn lên thì Thần Núi đã già rồi.

Đoàn sứ giả lại lặn lội đến gặp Thần Núi, Thần Núi da xanh rì vì rêu bám cũng lắc đầu chỉ tay lên trời:

- Hãy đến hỏi Thần Mặt Trời. Lúc ta mới chào đời, ta đã phải nhắm nghiền mắt vì nắng của Thần. Thần Mặt Trời còn có trước cả ta.

- Làm sao đến được chỗ Thần Mặt Trời. Đoàn sứ giả thất vọng quay về. Đến một khu rừng, họ gặp một bà lão nét mặt buồn rầu ngồi chăm chú trước cây hoa đào. Đoàn sứ giả đến gần hỏi:

- Thưa cụ, tại sao cụ lại ngồi đây ?

Bà lão trả lời :

- Tôi đến đây để hái hoa đào. Thuở trước, con tôi đi xa, cây đào này đang nở hoa. Bây giờ, mỗi lần hoa đào nở, tôi lại ra hái một bông hoa để về nhớ đến con tôi.

Một ý nghĩ vụt lóe lên, đoàn sứ giả xin phép bà lão trở lại kinh đô. Họ tâu lên vua việc gặp bà lão hái hoa đào tính thời gian chờ con. Nhà vua vốn thông minh nên nghĩ ra cách tính tuổi con người: Cứ mỗi lần hoa đào nở thì tính một tuổi. Sau này người ta mới biết mười hai lần trăng tròn rồi khuyết, hoa đào mới nở một lần.

Lại kể về chuyện nhà vua, sau khi tìm được cách tính tuổi, ông rất vui mừng, cảm động và nhớ đến bà lão hái hoa đào. Nhà vua truyền cho thần dân cả nước: Mỗi lần hoa đào nở được mở hội ba ngày ba đêm. Những ngày vui ấy sau này người ta gọi là Tết. Phong tục ấy còn truyền mãi đến bây giờ.

Cũng trong dịp này, nhà nào nhà nấy lau sạch bàn thờ tổ tiên, từ bát hương, bài vị, đến lọ hoa, lọ hương, cây đèn nến…

Sau đó, người ta bày biện những lễ vật phải để suốt thời gian Tết. Ở những nhà bình dân, bàn thờ khá đơn giản: trong cùng là một cái kỷ cao, đằng trước là một cái hòm gian, ngoài cùng là cái phản gỗ. Lễ vật bao giờ cũng có hương, hoa, bát nước trong, đèn (và nến), vàng cúng… Ở giữa là mâm ngũ quả, thường gồm có chuối, bưởi (hoặc bòng), cam, quýt (hoặc quất), phật thủ (hoặc táo, lê…). Tấm phản là nơi người chủ gia đình quỳ lễ và khấn cầu tổ tiên và cũng là nơi tiếp khách hoặc ngồi ăn cỗ Tết.

Những món ăn và vật phẩm văn hóa tiêu biểu nhất thì như một câu đối truyền tụng từ lâu đời, không người Việt Nam nào không biết là:

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ,

Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh

Hoặc như một vế của câu đối Tết đã có từ lâu đời: “Cảnh Tết thật là vui, nào tranh, nào pháo, náo áo, nào quần, nào dưa hành, mứt bí, nào giò mỡ, bánh chưng, rượu đánh tít mù, tớ muốn quanh năm xuân tất cả”…

Khi nền kinh tế tự túc, tự cấp còn phổ biến, dịch vụ chưa phát triển, các món ăn Tết nói chung đều phải tự làm trong gia đình. Vì vậy nhà nào cũng phải sớm lo làm những món ăn đầu vị: làm bánh chưng, giã giò. Không có bánh chưng - hình vuông của nó tượng trưng cho trái đất, nhân đậu tượng trưng cho giới thực vật, thịt lợn tượng trưng cho giới động vật, lá dong gói ngoài tượng trưng cho rừng núi, nước luộc tượng trưng cho nước thiên nhiên - thì không có Tết.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Lễ ông Công, ông Táo

Người miền Nam gọi đây là ngày đưa ông Táo về trời, là lễ tiễn ông Công lên chầu trời vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch. Đúng ra, đó là thổ Công mà người xưa cho là vị thần đất, có nhiệm vụ lên trời báo cáo với Ngọc hoàng về mọi hành vi tốt, xấu của chủ nhà để Ngọc hoàng thưởng, phạt trong năm mới. Người ta lập bàn thờ tạm thời trong những ngày Tết, trên đó bao giờ cũng có những đồ mã: mũ, áo, hia. Cũng trong ngày này, người ta còn thả một con cá chép xuống ao hồ để làm phương tiện giao thông đưa ông Công lên trời.

Theo phong tục Việt Nam, đây còn là lễ ông Táo (vua bếp núc). Chuyện kể rằng: ngày xưa, có hai vợ chồng nghèo đến nỗi người chồng phải bỏ nhà ra đi kiếm sống. Người vợ ít lâu sau cũng phải tha hương cầu thực; chị ta lấy một người chồng khác. Và may sao cặp vợ chồng này ăn nên làm ra. Một năm, vào 23 tháng Chạp, người chồng cũ đi ăn xin, vô tình vào nhà người vợ cũ. Nhận ra chồng cũ, người đàn bà mang rất nhiều tiền của ra cho. Thấy thế người chồng mới nghi ngờ. Buồn bực, người vợ nhảy vào bếp lửa tự thiêᴜ. Người chồng cũ quá thương xót liền lao vào theo. Người chồng mới ân hận cũng lao vào lửa. Từ đó dân ra lập bàn thờ “hai ông một bà” vào ngày này, đồ cúng cũng như đồ cúng ông Công: ba bộ mũ, áo, hia… Và nhiều người Việt Nam đồng nhất ông Công với ông Táo, gọi đây là lễ ông Công, ông Táo.

Tiếp theo đó, giáp ngày Tết, người ta trồng cây nêu ở sân: đó là một cây tre, phía trên treo một chiếc võng cũng bằng tre, có những chiếc khánh, con cá bằng đất nung kêu leng keng khi có gió. Nếu là một cây tre tươi thì ở ngọn cây thường để lại một ít cành và lá. Trên sân, thường vẽ bằng vôi trắng những hình cung nỏ và tên. Tùy vào một số vùng, cây nêu thường được dựng vào ngày 23 tháng Chạp, là ngày các thổ thần, táo quân đã về trời. Người xưa quan niệm rằng từ ngày này trần gian vắng mặt thần linh nên ma quỷ thường nhân cơ hội này lẻn về quấy nhiễu. Cây nêu được dựng với mục đích xua đuổi tà ma, mang lại bình yên cho con người trong những ngày Tết.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Phút giao thừa, giờ gặp nhau của Đất - Trời

Giao thừa, 12 giờ đêm ngày cuối cùng, 0 giờ ngày đầu năm - là giờ trang nghiêm nhất, gây nhiều xúc động nhất trong những ngày Tết: đó không đơn giản là giờ đầu tiên của ngày đầu tiên, mà theo tín ngưỡng dân gian, là giờ gặp nhau giữa Trời và Đất, âm - dương; là giờ bàn giao của các vị thánh thần cai quản nhân gian. Người ta đốt pháo khắp nơi, cùng lúc, tạo thành một không khí sục sôi, rạo rực ở mọi người. Người ta làm lễ giao thừa, lễ tổ tiên, Trời, Phật, ông Công, ông Táo và ở những nhà làm nghề thủ công sẽ lễ cả tổ sư.

Mùi hương nhang, hoa ngào ngạt, cùng với mùi và khói pháo (những năm xưa) làm cho mọi người ngây ngất. Trẻ em, dù hám ngủ đến mấy cũng thích được đánh thức dậy vào giờ này.

Tết được cử hành ít nhất trong ba ngày. Nhưng ngày mồng Một là ngày long trọng nhất. Mùa đông đã qua, mà theo quan niệm xưa về vũ trụ, đó là những ngày “âm”. Từ sau Đông chí (vào tháng Mười Một âm lịch), bắt đầu có khí “dương” và tháng Giêng là Tam dương. Mong đợi ngày đầu năm mới bắt đầu mang lại những điều tốt lành, may mắn, ta hay dùng tiếng Hán làm câu đối: “Tam dương khai thái (khai là mở, thái là tốt lành)/ Ngũ phúc lâm môn (ngũ phúc là phú, quý, thọ, khang, ninh)...

Mở cửa đón xuân sáng mồng Một Tết, niềm vui tràn ngập và người ta lại dùng pháo để bộc lộ tình cảm ấy. Mọi người trong nhà chúc mừng nhau, tặng tiền mừng năm mới cho trẻ nhỏ, lễ tổ tiên bằng một bữa cổ thịnh soạn nhất, rồi mọi người ăn bữa quan trọng nhất đầu năm. Sau đó, người ta đi lễ Tết, lễ gia tiên, chúc Tết những người có quan hệ họ hàng, xóm giềng, thầy dạy, bạn bè… Những hoạt động lễ nghi, thăm hỏi ấy tiến hành trong suốt ba ngày, song tập trung nhất vào ngày mồng Một.

Ngày mồng 7 tháng Giêng âm lịch là ngày cuối cùng của Tết, gọi là ngày “khai hạ”, nghĩa là ngày mở đầu một năm sản xuất mới, theo phong tục xưa thì kể từ ngày đó bà con làm ruộng mới động thổ, các nhà buôn, người làm nghề thủ công mới kinh doanh, hành nghề, quan chức mới khai ấn sau hơn một tuần sắp ấn. Người ta hạ nêu. Mọi việc hoạt động trở lại bình thường, nhưng dư âm của Tết Nguyên đán chưa chấm dứt. Bởi những lễ hội mùa xuân còn kéo dài suốt giêng hai, là thời vụ nông nhàn của cư dân nông nghiệp xưa…

Đọc thêm

Toạ đàm về 'Tác hại của thuốc lá và khuyến cáo với thanh niên, sinh viên'

Toạ đàm về 'Tác hại của thuốc lá và khuyến cáo với thanh niên, sinh viên'
(PLVN) - Chiều nay, 12/12, Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Anh - Trưởng Khoa thăm dò và Phục hồi Chức năng, Bệnh viện Phổi Trung ương và Ths. Trần Trọng Đại - Phó Bí thư Đoàn Trường Đại học Luật Hà Nội toạ đàm về “Tác hại của thuốc lá và khuyến cáo với thanh niên, sinh viên” tại Báo Pháp luật Việt Nam.

Tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh Lâm Đồng

Phỏng vấn trực tiếp ngay tại chương trình.
(PLVN) - Chương trình Tư vấn, cung cấp thông tin thị trường lao động và hướng nghiệp diễn ra chiều 11/12 tại Trường THPT Nguyễn Huệ (xã Tân Lâm, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) đã thu hút hơn 500 học sinh cùng đông đảo phụ huynh, người lao động, cơ sở đào tạo tham gia. Đặc biệt, 7 đơn vị tuyển dụng là các doanh nghiệp đến từ Lâm Đồng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã đem tới chương trình hàng trăm cơ hội việc làm trong và ngoài nước.

Cần tiến tới việc luật hóa khám sức khỏe tiền hôn nhân

Khám sức khỏe tiền hôn nhân là hình thức sàng lọc quan trọng góp phần nâng cao chất lượng dân số. (Ảnh: BV Phụ sản Hà Nội)
(PLVN) - “Khám sức khỏe trước hôn nhân chuẩn bị hành trang đón thế hệ vàng” là 1 trong 5 thông điệp của Tháng hành động Quốc gia về dân số và kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam (26/12) năm 2024. Đây cũng là thông điệp phù hợp với chủ đề “Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc” của năm nay.

“Sạch” từ ý thức mỗi người dân

Sông Tô Lịch (Hà Nội) (Ảnh: Dân trí).
(PLVN) -  Với những người yêu Hà Nội, mỗi khi có dịp đến thăm Thủ đô, cùng với sự thán phục, tự hào về sự phát triển của Hà Nội qua từng tháng, từng năm; thì vẫn còn đó một số băn khoăn: Vì sao con sông Tô Lịch chạy giữa lòng thành phố vẫn ô nhiễm, hôi hám, vì sao chất lượng không khí Hà Nội vẫn chưa cải thiện, vì sao tình trạng xả rác bừa bãi vẫn tồn tại ở một số nơi?

Loạt tin vui lớn dành cho người Ninh Bình

Cảnh Lễ hội truyền thống Báo bản làng Nộn Khê (xã Yên Từ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình).
(PLVN) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa công nhận Lễ hội truyền thống Báo bản làng Nộn Khê (huyện Yên Mô) và Đền Thánh Nguyễn (huyện Gia Viễn, đều thuộc tỉnh Ninh Bình) là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Đồng thời, UBND tỉnh Ninh Bình công nhận khu vực thị trấn Thịnh Vượng đạt tiêu chí đô thị loại V, đánh dấu bước phát triển mới của huyện Gia Viễn.