Tuy nhiên, cùng với nó dân thường Iraq tại đây đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo sâu sắc.
Thêm nhiều khu vực được giải phóng
Kể từ tháng 4/2014, IS bắt đầu đẩy mạnh hoạt động và đã tấn công và kiểm soát được khá nhiều khu vực ở Iraq, nhất là các vùng lãnh thổ của người Hồi giáo dòng Sunni.
Trong 3 năm qua, với sự hỗ trợ của liên quân do Mỹ dẫn đầu, các lực lượng vũ trang tại Iraq đã không ngừng nỗ lực giành lại lãnh thổ bị IS kiểm soát. Đây là một cuộc chiến khó khăn với không ít hy sinh. Theo thống kê, khoảng 15.000 người đã thiệt mạng trong các chiến dịch quân sự. Nhưng đổi lại, họ đã giải phóng được hơn 90% diện tích lãnh thổ Iraq khỏi sự kiểm soát của IS.
Trước đà thắng của chiến dịch giành lại lãnh thổ từ tay IS, ngày 17/10/2016, quân đội Iraq đã phát động chiến dịch tái chiếm Mosul, “thành trì cuối cùng” của IS, một trong những trận chiến cam go và có ý nghĩa quyết định. Đây là thành phố lớn thứ hai của Iraq, cách thủ đô Baghdad khoảng 400 km và có vị trí địa chiến lược hết sức quan trọng, khi kết nối phía Bắc Iraq và phía Đông Syria. Từ khi bị IS kiểm soát vào tháng 6/2014 đến nay, Mosul đã trở thành thành trì chủ chốt của lực lượng này tại Iraq. Theo ước tính, tại Mosul có khoảng 6.500 phiến quân IS, gồm cả người Iraq và người nước ngoài và các tay súng khác ở các khu vực lân cận. Đến tháng 1/2017, quân đội Iraq đã tiêu diệt được khoảng 1.500 tên khủng bố và giành lại được khu vực Đông Mosul từ tay IS.
Ngày 19/2/2017, quân đội Iraq tiếp tục triển khai chiến dịch quân sự nhằm giành lại khu vực phía Tây thành phố Mosul. Sau một tháng, quân đội Iraq đã giành quyền kiểm soát khu vực lân cận al-Molawwathah ở Tây Mosul và ngôi làng Huwaidrah ở phía Bắc thị trấn Badush, tiến sâu hơn vào bên trong khu trung tâm của Tây Mosul, đồng thời giải phóng hoàn toàn quận Khaled ibn al-Walid và Bab al-Sijn gần Thành Cổ của Mosul, mở các tuyến hành lang an toàn cho những người dân thường.
Tuy nhiên, khó khăn mà quân đội Iraq gặp phải là lúc chiến đấu ở khu vực Thành Cổ. Đây là nơi có nhiều con phố nhỏ và đông dân cư. Để giải phóng khu vực này, quân đội không thể sử dụng xe bọc thép mà phải triển khai binh sĩ trên bộ và hiện đang phải đối mặt với sự kháng cự quyết liệt từ IS. Chúng sử dụng súng cối cũng như nhiều tay súng bắn tỉa để chống trả quyết liệt các đợt tiến công của các lực lượng Iraq. Các phần tử IS dọa giết bất cứ người nào mà chúng phát hiện có ý định bỏ trốn khỏi Mosul. Những cuộc giao tranh tại khu vực Thành Cổ được xem là ác liệt nhất trong chiến dịch giải phóng Mosul.
Mới đây nhất, ngày 8/5/2017, quân đội Iraq đã tiếp tục đạt được bước tiến mới ở khu vực Tây Bắc Mosul. Sư đoàn Thiết giáp số 9 của quân đội Iraq cùng lực lượng cảnh sát đặc nhiệm đã giải phóng thêm được khu vực lân cận Harmat và treo cờ Iraq trên một số tòa nhà sau các cuộc đụng độ ác liệt với phiến quân IS. Trước đó, quân đội Iraq và cảnh sát đặc nhiệm đã tiến công từ rìa Tây Bắc Mosul tới các khu vực Mushairfah, Kanisah và Harmat.
Bước tiến mới này được cho là sẽ tạo điều kiện cho lực lượng chống khủng bố và cảnh sát liên bang thuộc Bộ Nội vụ Iraq tiếp tục giành lại các khu vực xung quanh thành phố Mosul. Hiện các phiến quân IS tại đây đang bị lực lượng Iraq bao vây tại mặt Bắc của phía Tây Mosul, nơi được cho là có khoảng 400.000 thường dân vẫn đang bị mắc kẹt.
Báo động tình trạng nhân đạo tồi tệ
Mặc dù chiến dịch giải phóng Tây Mosul của quân đội Iraq đã đạt được những thành tích đáng kể, song chiến dịch này cũng đang đặt ra một thách thức lớn, đó là tình trạng khủng hoảng nhân đạo ở đây. Kể từ tháng 2/2017, đã có khoảng 435.000 người sống ở khu vực phía Tây thành phố Mosul phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Trong phát biểu của mình, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên Hợp quốc (LHQ) Stephan Dujarric cho biết, hơn 403.000 người đã phải rời bỏ khu vực phía Tây Mosul, trong khi 31.000 người khác có thể trở lại những khu dân cư mà quân đội chính phủ đã giành lại quyền kiểm soát ở đây.
Cũng theo ông Dujarric, người dân Iraq tại các khu vực mà IS chiếm đóng ở phía Tây Mosul đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ, thiếu lương thực, thực phẩm nghiêm trọng. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng gia tăng đáng báo động. Thực tế này đòi hỏi cộng đồng quốc tế đẩy mạnh hoạt động cứu trợ nhân đạo tại Mosul. Theo ước tính, có khoảng 95.000 người được cấp các suất ăn nhanh miễn phí từ các tổ chức nhân đạo tại một số khu vực lân cận ở Tây Mosul, trong đó hơn 70.000 người tại 11 khu vực phụ cận được phát lương khô.
Chưa hết, người ta còn cho rằng, tội ác của IS không chỉ dừng ở các cuộc đánh bom. Một báo cáo của LHQ đã từng cho rằng, IS có thể đang tàng trữ cũng như thực hiện các vụ tấn công hóa học tại khu vực xung quanh thành phố Mosul. Những thách thức đó cho thấy sẽ còn rất nhiều khó khăn ở phía trước đối với chính quyền Iraq.