Thống kê của Bộ LĐTB&XH cho thấy, tới cuối tháng 12/2021, các gói an sinh đã hỗ trợ được trên 30,4 triệu lượt lao động với 33.564 tỷ đồng. Thế nhưng số lao động tự do không có nhiều. Một số tỉnh, thành thậm chí chưa có số liệu báo cáo hỗ trợ lao động tự do. Lý do, đây là nhóm bị ảnh hưởng sâu và trực tiếp, nhưng cũng khó triển khai hỗ trợ, khó tiếp cận nhất. Việc xác minh thông tin nhóm này được coi là một trong những “điểm nghẽn” của gói 62 ngàn tỷ đồng, khi chỉ hỗ trợ được cho khoảng 1 triệu người với kinh phí hơn 1 ngàn tỷ đồng.
Cán bộ cấp xã khó lập danh sách lao động tự do bởi họ di chuyển thường xuyên, không cư trú ổn định. Có địa phương trong quá trình xét duyệt lúng túng. Có nơi sợ “phát nhầm” nên “thà bỏ sót còn hơn”…
Để gỡ nút thắt trên, với gói 26 ngàn tỷ đồng, thủ tục và mức hỗ trợ được Chính phủ giao trực tiếp về cho địa phương tự quyết, tùy thuộc ngân sách, đặc thù và không thấp hơn mức sàn 1,5 triệu đồng.
Song quá trình giải ngân vẫn tồn tại rào cản với lao động tự do. Các địa phương tự quyết nên mỗi nơi có cách hiểu và quy định khác nhau. Công việc của lao động tự do ở tỉnh này có thể được xếp vào diện hỗ trợ, song tỉnh khác lại không. Mức hỗ trợ có nơi 2 triệu đồng; hầu hết bằng mức sàn 1,5 triệu. Cá biệt có tỉnh không hỗ trợ lao động tự do vì ngân sách eo hẹp, cần kinh phí cho chống dịch.
Một chuyên gia kinh tế gọi nhóm này là tầng “mất tích” trong hệ thống an sinh. Họ không thuộc khu vực chính thức, không tham gia BHXH nên không được hỗ trợ từ gói 38 ngàn tỷ đồng (từ Quỹ BHXH), cũng lại là nhóm khó nhận hỗ trợ từ gói 26 ngàn tỷ đồng bởi vì không có dữ liệu, không thể xác định “họ là ai”.
Một chuyên gia khác đánh giá việc thiếu hệ thống dữ liệu là rào cản lớn nhất trong hỗ trợ lao động tự do. Việc làm của họ vốn bấp bênh, thu nhập không ổn định, lại gặp khó khi cần có xác nhận về nhân thân, mất thu nhập, hộ khẩu, mã số cá nhân. Với những rào cản này, lao động tự do dường như vẫn là nhóm bị bỏ lại khá nhiều trong các đợt trợ giúp. Đây là nhóm rủi ro nhất, nguy cơ nhất lại khó hỗ trợ nhất.
Theo nhiều ý kiến, để chính sách an sinh bao phủ trên diện rộng và vươn tới những nhóm yếu thế, trước tiên cần xây dựng hệ thống dữ liệu để xác định được lao động tự do là ai, nhân thân thế nào. Hệ thống dữ liệu an sinh này cần kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư, để khi Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ mới thì người lao động không cần phải tự xin hoặc về nơi cư trú xin giấy xác nhận nữa.
Thủ tục, tiêu chí nhận hỗ trợ cũng nên đơn giản để người lao động sớm tiếp cận. Cần lưu ý về sự tham gia của các tổ chức xã hội, cộng đồng người lao động và chính người thụ hưởng. Họ có thể trở thành cầu nối, giúp các nhóm yếu thế, dễ tổn thương tiếp cận chính sách.
Một vấn đề quan trọng không kém là cần “luật hóa”, quy định cụ thể những điều kiện, để bản thân cán bộ xét duyệt, người thẩm định, cũng như mỗi người dân có thể tìm hiểu quy chiếu vào đó, để khẳng định mình có được hưởng các tiêu chuẩn chính sách hỗ trợ an sinh hay không.