Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC) là một chính sách bảo đảm quyền con người, quyền công dân và là một bộ phận của tổng thể các chính sách xóa đói, giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa, chính sách dân tộc và ưu đãi xã hội của Đảng và Nhà nước ta.
Tại hội thảo, đại diện người khuyết tật đã phát biểu những trăn trở của mình |
Ông Nguyễn Ngọc Thanh – Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Nghệ An cho biết: Đặc thù của Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, địa hình đối núi hiểm trở, đi lại khó khăn, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, có 3 huyện nghèo của cả nước, số đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý rất lớn với 824.162 người. Trong đó, người có công với cách mạng 60.590 người, người thuộc hộ nghèo 51.949 người…Do đó, công tác trợ giúp pháp lý luôn nhận được nhiều sự quan tâm, chỉ đạo từ các cấp chính quyền địa phương.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, thời gian qua công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, gần 100 nghìn đối tượng đã được thụ hưởng dịch vụ pháp lý miễn phí. Điều này góp phần quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, thực hiện chính sách đoàn kết dân tộc và luôn được đánh giá là một trong những tỉnh dẫn đầu trong cả nước về hoạt động trợ giúp pháp lý.
Trên thực tế, địa bàn tỉnh Nghệ An đã ghi nhận các trường hợp phụ nữ và trẻ em khuyết tật bị bạo lực trên cơ sở giới. Chính vì vậy, hoạt động trợ giúp pháp lý cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật cũng là vấn đề vô cùng quan trọng và bức thiết. Thời gian qua, có nhiều vụ việc đau lòng xảy ra như ở huyện Diễn Châu việc cán bộ trường học nhiều lần hiếp dâm học sinh gây xôn xao dư luận…
Theo ông Lê Văn Lý – Trưởng phòng nghiệp vụ, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Nghệ An, từ ngày 1/1/2019 đến nay (tháng 9/2020) tổng số vụ việc của trung tâm là 1471 vụ việc, vụ việc Trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có 49 vụ việc, trong đó bào chữa 19, bảo vệ 30. Trong đó, có 22 vụ việc là bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật, chiếm 45% trong tổng số vụ việc TGPL cho người khuyết tật và chỉ chiếm 1,49% tổng số vụ việc của trung tâm.
Tại hội thảo Tiến sỹ Tạ Thị Minh Lý - Nguyên Cục trưởng Cục trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp, Chủ tịch Hội bảo trợ Tư pháp cho người nghèo Việt Nam chia sẻ: Bạo lực trên cơ sở giới là một hình thức phân biệt đối xử, bạo lực nhằm vào một phụ nữ vì người đó là phụ nữ hoặc gây ra sự mất công bằng đối với phụ nữ. Bạo lực giới bao gồm các hành động gây đau đớn về thể xác lẫn tinh thần hay tình dục, bao gồm cả sự đe dọa thực hiện những hành động này, sự cưỡng bức hay tước đoạt tự do dưới các hình thức khác nhau.
Bạo lực trên cơ sở giới có thể xảy ra bạo lực trong gia đình, bạo lực xảy ra trong cộng đồng nói chung và bạo lực xảy ra tại nơi làm việc, cơ sở giáo dục, trại giam… Theo báo cáo của Liên Hợp quốc khoảng 30% phụ nữ trên thế giới từng bị đánh đập, lạm dụng tình dục, ép hôn hoặc các hình thức ngược đãi khác ít nhất một lần trong đời với đa số thủ phạm là người trong gia đình.
Toàn cảnh buổi hội thảo |
Tại Việt Nam, hành vi bạo lực gia đình là hành vi cố ý của các thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với các thành viên khác trong gia đình. 9 nhóm hành vi bạo lực gia đình: Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc cố ý xâm hại đến sức khỏe, tính mạng; Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng; Cưỡng ép quan hệ tình dục; Cưỡng ép tảo hôn, cưỡng ép kết hôn; Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức…
Tiến sĩ Tạ Thị Minh Lý – Nguyên Cục trưởng Cục trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp, Chủ tịch Hội bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam |
Đối với người khuyết tật, do có những khiếm khuyết về thể chất và tinh thần nên họ hay mặc cảm, tự ti, không có điều kiện cất giữ tài liệu, thông tin… sự hạn chế về sức khỏe, về trình độ, điều kiện tiếp cận khiến họ không thể thực hiện các thủ tục pháp lý để yêu cầu trợ giúp pháp lý cho những vưỡng mắc, tranh chấp pháp luật.
Trước thực trạng trên, việc tăng cường các biện pháp phổ biến, tuyên truyền phòng chống bạo lực giới cho phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật cần được đẩy mạnh. Tăng cường hơn nữa vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội như hội Người khuyết tật, Hội phụ nữ và Câu lạc bộ phụ nữ khuyết tật địa phương…để hỗ trợ người khuyết tật trong phòng, chống bạo lực về giới. Khuyến khích nạn nhân của bạo lực giới chia sẻ về vụ việc. Bên cạnh đó, cần chủ động trong thông tin phối hợp với cơ quan có thẩm quyền trong phòng chống bạo lực về giới.