Tham dự có đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và lãnh đạo LĐLĐ các tỉnh, thành phía Bắc, Công đoàn (CĐ) ngành Trung ương và tương đương, CĐ Tổng Công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Tổ chức được nhiều hoạt động giám sát, phản biện xã hội
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, các cấp CĐ đã tập trung triển khai quán triệt khá đồng bộ và sâu rộng; tổ chức nghiêm túc việc học tập, quán triệt và ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các cấp CĐ tham gia xây dựng và ký kết các chương trình phối hợp, xây dựng và ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện giám sát, phản biện xã hội về những nội dung có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của tổ chức CĐ.
Nội dung giám sát, phản biện xã hội về các lĩnh vực có liên quan đến đoàn viên, người lao động (NLĐ) như thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, tiền lương, thu nhập, hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể, an toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm ý tế, Bảo hiểm nhân thọ…
Theo báo cáo, CĐ các cấp đã tổ chức 39.725 cuộc tuyên truyền phổ biến nội dung Quyết định 217 với 1.905.999 lượt người tham gia, tổ chức được 12.839 lớp tập huấn về giám sát, phản biện xã hội cho 282.962 cán bộ CĐ.
Sau 10 năm thực hiện, các cấp CĐ đã chủ trì và tham gia 143.735 cuộc giám sát với 408.601 văn bản kiến nghị sau giám sát; các cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát đã có 22.889 văn bản phản hồi.
Bên cạnh đó các cấp CĐ chủ trì và tham gia 79.773 cuộc phản biện xã hội, có 39.233 văn bản kiến nghị sau phản biện và được các cơ quan, tổ chức có dự thảo văn bản được phản biện phản hồi 10.152 văn bản.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu khẳng định, 10 năm qua, các cấp CĐ đã làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền, tổ chức được nhiều hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp phần quan trọng thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của NLĐ, phát hiện các bất cập và đề xuất sửa đổi nhiều chính sách, pháp luật. Một trong những vấn đề mà Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị các cấp CĐ lưu ý trong thời gian tới là tiếp tục thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, nhất là khi Dự thảo Luật Công đoàn được thông qua.
Phó Chủ tịch Ngọ Duy Hiểu phát biểu khai mạc Hội thảo (ảnh: PV) |
Đề nghị cụ thể hóa hoạt động giám sát, phản biện xã hội
Từ thực tế, đại diện LĐLĐ TP Hà Nội đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Chỉ đạo cấp ủy các địa phương ban hành chủ trương, cơ chế chính sách, tạo điều kiện để CĐ và các tổ chức chính trị xã hội thực hiện tốt hoạt động giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền.
Đại diện Ban CĐ Quốc phòng đề nghị quy định theo hướng CĐ thực hiện phản biện xã hội, bổ sung quy định cụ thể quyền phản biện xã hội của CĐ, nguyên tắc phản biện, hình thức phản biện, quyền, trách nhiệm của CĐ khi thực hiện phản biện.
Một trong những vấn đề được đưa ra tại Hội thảo là cán bộ tham gia giám sát, phản biện. Đại diện CĐ Điện lực Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm chọn thành viên đoàn giám sát là chuyên gia trong các lĩnh vực giám sát. Còn đại diện LĐLĐ tỉnh Nam Định đưa ra giải pháp lựa chọn cán bộ có năng lực tham gia đoàn giám sát nhằm nâng cao vai trò, chất lượng của đoàn giám sát. Đặc biệt là tích cực theo dõi, đôn đốc và làm tốt công tác hậu giám sát…