Phát biểu khai mạc, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Phan Thị Hồng Hà khẳng định công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức trẻ của Bộ Tư pháp thời gian qua đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Theo đó, đã có số lượng lớn công chức, viên chức trẻ của Bộ tham gia các khóa tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ, ngoại ngữ trong và ngoài nước. Bộ đã chú trọng tới việc lựa chọn và cử công chức, viên chức trẻ tham gia các khóa đào tạo về quản lý nhà nước, lý luận chính trị để đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm.
Nhờ đó, trình độ của đội ngũ công chức, viên chức trẻ của Bộ đã được nâng cao đáng kể, trong đó có nhiều công chức, viên chức trẻ giam gia sâu vào công việc chuyên môn, góp phần không nhỏ vào việc triển khai, hoàn thành tốt các nhiệm vụ của đơn vị và góp phần xây dựng Bộ, ngành Tư pháp ngày càng phát triển.
Để tiếp tục triển khai Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức năm 2019, Bộ Tư pháp mong muốn Hội thảo sẽ nhận được nhiều ý kiến, đề xuất của các công chức, viên chức trẻ có trình độ chuyên môn sâu trong lĩnh vực pháp luật hình sự về bảo vệ quyền con người. Qua đó, góp phần thực hiện một trong các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ tư pháp năm 2019 là tổ chức sơ kết triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Phạm Thị Hậu, Chuyên viên Vụ Pháp luật hình sự - Hành chính nhận định so với yêu cầu của Hiến pháp năm 2013 cũng như các Công ước quốc tế và Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đặt ra thì Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng phù hợp nhằm góp phần bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam.
Đáng chú ý là BLHS năm 2015 đã thể chế hóa chủ trương hạn chế áp dụng hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt ngoài tù theo hướng quy định phạt tiền là hình phạt chính không chỉ đối với người phạm tội ít nghiệm trọng như quy định của BLHS 1999 trước đây mà cả đối với người phạm tội nghiêm trọng. Đồng thời sửa đổi, bổ sung quy định của BLHS 1999 về hình phạt tử hình theo hướng bám sát tinh thần nội dung Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân, tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng về hạn chế hình phạt tử hình.
Đặc biệt, BLHS 2015 đã thể hiện rõ nét chính sách nhân đạo của chính sách hình sự nước ta khi bổ sung các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự, bổ sung chế định tha tù trước thời hạn và sửa đổi cơ bản chế định xóa án tích trên cơ sở nguyên tắc bảo vệ quyền con người, bảo đảm bình đẳng và công bằng xã hội. Đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định trong phần các tội phạm theo hướng tăng cường bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền của nhóm yếu thế, dễ tổn thương.
Theo nhận định của bà Mai Thị Thanh Nhung, Giảng viên Khoa Pháp luật Hình sự, Trường ĐH Luật Hà Nội, với tư cách là một ngành luật quy định về tội phạm và hình phạt, các chế định hình phạt trong BLHS có thể ảnh hưởng trực tiếp tới quyền con người.
BLHS 2015 đã có những sửa đổi, bổ sung kịp thời để thể chế hóa toàn diện các quy định của Hiến pháp 2013 về quyền con người, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đồng thời biểu hiện tinh thần tận tâm thực hiện các cam kết quốc tế, bắt nhịp cùng các xu hướng về chính sách hình phạt trên thế giới. Theo đó, BLHS 2015 hạn chế áp dụng hình phạt tử hình, giảm hình phạt tù, mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tiền và hình phạt cải tạo không giam giữ, thay đổi các mức hình phạt trong khung hình phạt.
Tuy nhiên, bà Mai cho rằng quy định về hình phạt trong BLHS 2015 cần tiếp tục nghiên cứu theo hướng mở rộng hơn, làm rõ hơn các quyền con người hiến định như: vấn đề hạn chế thi hành án tử hình với một số đối tượng người bị kết án là người thuộc nhóm các đối tượng dễ bị tổn thương như người khuyết tật, hướng dẫn áp dụng các nội dung về lao động phục vụ cộng đồng khi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ… nhằm tăng cường hơn nữa các quy định tích cực bảo vệ quyền con người.
Còn bà Nguyễn Phương Anh, Chuyên viên Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính nhấn mạnh tới việc bảo vệ quyền của phụ nữ và người chưa thành niên theo pháp luật hình sự. Theo đó, BLHS 2015 quy định về việc miễn trừ áp dụng một số hình phạt đối với phụ nữ đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi đồng thời có nhiều quy định bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tình dục, quyền tự do hôn nhân để xử lý các hành vi có đối tượng bị xâm hại là phụ nữ ví dụ như Tội mua bán người, Tội tổ chức mang thại hộ vì mục đích thương mại…
Đối với người chưa thanh niên, các quy định của BLHS 2015 được sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng cường bảo vệ người chưa thành niên, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội. Đồng thời quy định rõ mục đích xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội đó là giáo dục, giúp đỡ người chưa thành niên sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Ngoài ra, Hội thảo còn trao đổi, thảo luận về một số vấn đề như: nguyên tắc bảo đảm cụ thể hóa quyền con người, quyền công dân trong xây dựng văn bản pháp luật về lĩnh vực hình sự, các vấn đề đặt ra đối với pháp luật hình sự trong bối cảnh Việt Nam triển khai các khuyến nghị của quốc tế…