Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Điều 190 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định, để gửi đơn khởi kiện đến Tòa án, người khởi kiện gửi đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ mà mình hiện có đến Tòa án có thẩm quyền bằng các phương thức sau đây: Nộp trực tiếp tại Tòa án; Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính; Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có). Ngày khởi kiện là ngày đương sự nộp đơn khởi kiện tại Tòa án hoặc ngày được ghi trên dấu của tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi.
Thủ tục nhận đơn và xử lý đơn khởi kiện được quy định chi tiết tại Điều 191 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015: “Tòa án qua bộ phận tiếp nhận đơn phải nhận đơn khởi kiện do người khởi kiện nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính và phải ghi vào sổ nhận đơn; trường hợp Tòa án nhận đơn khởi kiện được gửi bằng phương thức gửi trực tuyến thì Tòa án in ra bản giấy và phải ghi vào sổ nhận đơn”. Điều này cũng quy định, khi nhận đơn khởi kiện nộp trực tiếp, Tòa án có trách nhiệm cấp ngay giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện. Đối với trường hợp nhận đơn qua dịch vụ bưu chính thì trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, Tòa án phải gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện. Trường hợp nhận đơn khởi kiện bằng phương thức gửi trực tuyến thì Tòa án phải thông báo ngay việc nhận đơn cho người khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Theo quy định trên thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền đến nộp đơn vào tất cả các ngày làm việc trong tuần. Tuy nhiên, một số TAND cấp huyện ở Hà Nội lại quy định các ngày nhận đơn, như TAND huyện Thanh Trì quy định ngày nhận đơn là thứ 3 và thứ 6 hàng tuần, TAND quận Tây Hồ nhận đơn vào thứ 2 và thứ 5 hàng tuần, …
Bộ luật Tố tụng Dân sự không có bất kỳ điều khoản nào quy định việc nhận đơn theo thời gian như vậy. Việc tự ý quy định lịch nhận đơn hạn chế chỉ có vào hai ngày trong tuần như trên đã ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích của người khởi kiện, không chỉ mất thời gian đi lại mà còn liên quan tới thời hiệu khởi kiện.
Thời hiệu là thời hạn do pháp luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì chủ thể được hưởng quyền dân sự, được miễn trừ nghĩa vụ dân sự hoặc mất quyền khởi kiện vụ án dân sự, quyền yêu cầu giải quyết việc dân sự.
Ví dụ, ông Nguyễn Văn A đến TAND huyện H nộp đơn vào thứ 4 và cũng là ngày cuối cùng hết thời hiệu khởi kiện về vụ án dân sự. Tòa án huyện H đã không nhận đơn và ông A mất quyền khởi kiện. Việc Tòa án đặt lịch nhận đơn như vậy có đúng quy định và được phép không? Việc không nhận đơn của Tòa khiến ông A mất quyền khởi kiện thì ai, cơ quan tổ chức nào sẽ chịu trách nhiệm?
Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người khởi kiện theo quy định của pháp luật, chúng tôi kiến nghị TAND tối cao nên có hướng dẫn, chỉ đạo để TAND các cấp nhận đơn vào tất cả các ngày làm việc trong tuần.