Rất nhiều người trong chúng ta có một làng quê, một cái cổng ngõ ra làng và qua một cái cổng làng để lên đường cái quan, bước ra đời thi thố tài năng, tìm công danh hay chỉ đơn giản là kiếm đủ ngày ba bữa ăn cho đàn con nheo nhóc. Không hẳn chỉ là hình thù, những cái cổng ấy lại như một “tổng tập” với đủ chuyện vui- buồn mà không mấy người có thời gian chiêm nghiệm…
Cổng làng - hình minh họa |
Ngày thơ bé vừa biết chạy nhảy, gần gũi, thân thương như một người bạn chính là một cái cổng ngõ. Đứng đấy từ lâu lắm –mà ông nội bảo “các cụ xây từ lúc ông cũng chỉ bằng chúng mày bây giờ”- cái cổng ngõ vẫn vẹn nguyên màu gạch đỏ sậm, lì mát. Mái vòm uốn cong, mở ra hướng Nam nên cổng ngõ những trưa nắng hè trốn ngủ là nơi lũ trẻ quây quần với đủ thứ trò tinh nghịch: làm đám ma cho chú dế mới chết hay chỉ đơn giản là …chơi pháo đất, thằng nào thua thì véo đất của mình mà đền bạn!
Vóc dáng trẻ con nên đứng dưới vòm cổng, thấy nó vĩ đại đến khó hiểu: Sao các cụ lại xây cao thế, to thế?. Làm sao mà cái vòm uốn cong với bao nhiêu gạch mà “già đời” vẫn cứng cáp thế nhỉ? Hỏi chỉ để mà hỏi, rồi lại quên ngay khi cơn gió nồm nam mát rượi ùa về cùng cánh chuồn chuồn ớt đỏ rực…
Lớn thêm một chút, cổng ngõ chứng kiến cái cốc đầu của cô bạn cùng lớp chỉ vì trót…cắn tham miếng kẹo; là “lì lợm” làm vướng bánh xe chở nặng lúa giữa trưa đói ngấu, run tay lái; là những bữa ngóng mẹ về chợ để vừa được ăn quà, vừa…đỡ phải dỗ em đang khát sữa; là ngày mẹ tiễn chân ra Hà Nội học với đủ thứ dặn dò.
Rồi, cổng ngõ đón mình và em trong ngày rước dâu, ấm áp và đôn hậu với văng vẳng lời chào “Thế là cậu lớn rồi nhé. Chúc hạnh phúc!” Ừ, nhanh thế nhỉ?. Hai đứa bị tay nhiếp ảnh đẩy đứng giữa cổng, để cánh vòm cong một vòng tay vừa khỏe khoắn vừa tươi tắn che trọn ở trên, vừa bấm máy lia lịa trong khi miệng xuýt xoa…khen cổng chứ không phải khen đôi tân hôn “Cổng ngõ đẹp quá! Cổng ngõ thế này hiếm quá, hiếm quá…”.
Năm sau, đưa con gái đầu về quê nội, sững sờ khi ánh mắt chạm đầu ngõ nhà mình. Cái gì thế kia? Cái gì thế kia? Chỉ là một cặp trụ cổng mới toanh trát vôi vữa vàng chóe, bên trên chỉ là một khung sắt xanh lè với 4 con số ghi năm khởi dựng. Có rộng hơn một chút, nhưng xe ô tô vẫn chẳng vào được đến sân cơ mà? Ừ, rộng hơn đấy nhưng đi ngược chiều nhau đánh vù một cái, còn đâu cảnh người nép vào nhường đường để người kia tươi cười câu chào thăm trước khi đi qua?
Đâu rồi cái cổng ngõ đỏ sậm, mát rượi tuổi thơ?. Đâu rồi cái thế vững chãi, điềm tĩnh đón ta về mỗi ngày nhiều lo lắng sầu muộn? Đâu rồi...?. Như bị giời tước đoạt mất một vật chí bảo! Như bị ai giộng một cú đánh mạnh giữa ngực, chẳng còn bao giờ thấy được cái cổng ngõ ngày xưa dẫu lòng đã kịp nghiến ngấu một lời “ước gì mình thật giàu, sẽ bỏ tiền xây lại cổng ngõ xưa”…
Cũng thật lạ, số phận cái cổng làng lại…ngược hoàn toàn với cái cổng ngõ dù nó được định đoạt từ trước đó cả chục năm trời. Vốn dĩ, cổng làng cũ được xây khi làng còn nghèo quá, nên cũng chỉ có dáng tượng trưng dẫu cũng đủ cả cổng chính và hai cổng phụ. Trước thời điểm đô thị hóa, từ trên dốc đường cái quan nhìn xuống, cổng làng vẫn…bề thế nhất, nổi bật trước cánh đồng mênh mông lúa.
Thuở thơ bé, cổng làng là chỗ lũ trẻ chăn trâu chia mấy con tép, trả lại nhau bộ khăng và…kéo mũi trâu về ngõ nhà mình. Lớn lên đi học, ngồi xe khách mà nhìn thấy cổng làng là vội vàng hô xe dừng, tấp tểnh bước chân vì sắp gặp ông bà, bố mẹ và lũ em rồi. Sợ nhất là đi xa về, thấy một bên trụ cổng làng phơ phất một cánh cờ tang, báo cho khách vào làng biết nơi này đang có chuyện buồn, có người làng vừa về với tổ tiên.
Còn dịp làng vào hội, thôi thì nơi này cơ man là người- người ra, người vào, lại có người chỉ ghé qua xem có gặp “người ấy” một lần cho đỡ nhớ bởi “anh đi lấy vợ cách sông” còn “em nay cũng đã nên dâu nhà người”.
Một lần về nhà, ông nội mừng húm, kéo thằng cháu đích tôn mà kể ngay “Làng mình sắp xây lại cổng làng con ạ.” Cụ bảo, giờ làng đã có của ăn của để, xe máy nhiều, ô tô cũng bắt đầu sắm được, đường trong làng sẽ lát ngiêng cho bền nên cổng làng cũng được xây lại cho rộng tương xứng, ô tô con cũng qua lại được.
“Thế xây theo kiểu mới hả ông?”. “Không, các cụ trong làng thống nhất làm đúng theo kiểu dáng cổng cũ, chỉ là nới rộng thôi” “Có trát vữa, quét vôi không ạ” “Cái thằng này, làm theo kiểu dáng cũ nên chúng tao sẽ chọn từng viên gạch một, xây mộc, kẻ mạch chứ không sơn phết gì cả đâu con ạ. Mà này, hai bên trụ cổng sẽ để chỗ cho hai câu đối, liệu anh ăn học đại học thì có viết cho làng được vài chữ gắn lên cổng không?” “Chết, chữ nghĩa con đã thấm vào đâu mà ông bảo con làm câu đối gắn cổng làng. Các cụ chê thì con chết…” Chỉ thấy ông cụ tủm tỉm “Thế mà ông ngoại tao mới chỉ đỗ tú tài đã có đôi câu đối hay tuyệt treo ở đình làng đấy. Hai chữ đầu ghép lại chính là tên làng mình…”
Rồi cổng làng sừng sững hiện lên thay cho cổng cũ, giữ nguyên dáng cổ kính của cổng làng xưa. Đứng trên dốc nhìn về, thấy cổng làng mình bề thế, vững chãi quá mà mừng cho làng nước ngày một phong quang, thịnh vượng. Các cụ trong làng đến nhà chơi tổ tôm với ông nội cứ tấm tắc “Sướng quá cụ ạ. Có được cái cổng làng, cánh chúng mình cũng mát mặt với thiên hạ”. Lại thấy ông nội tủm tỉm “Anh em mình rồi cũng được khênh qua cổng ấy mà ra nằm cánh đồng làng thôi, nhưng đến lúc ấy cũng mãn nguyện…”
Cổng ngõ không còn, ông nội cũng đi xa lắm rồi, chỉ còn cổng làng đứng đó, vẫn chưa có đôi câu đối đề vào, thằng bé con ngày nào dù giờ đã có bằng cấp ngang phó bảng thời phong kiến cũng chưa đủ gan viết một đôi câu đối như ông nội đã “khích”.
Còn - mất vốn dĩ là chuyện thường trong đời, có gì mà mãi thường tồn chẳng hoại? Nhưng, mất cái cổng ngõ ngày xưa rưng rưng đã đành, mỗi lần về thăm quê nhìn thấy cổng làng, đi qua cổng làng mà sao cũng rưng rưng đến lạ! May quá, vẫn còn đó chút hồn cốt ông cha. Như vẫn thấy đâu đây các cụ áo the khăn đóng đứng tần ngần ngắm cổng làng, dù vẫn còn trống một đôi câu đối…
Phúc Hòa