Những sân bay này phục vụ máy bay nhỏ, thủy phi cơ, trực thăng để vận chuyển hành khách, hàng hóa mà không phải chuyên chở hành khách công cộng. Trong khi đó, nhu cầu trong tương lai về bay trực thăng, máy bay doanh nhân, bay taxi, phục vụ nông lâm nghiệp, địa chất, huấn luyện, thể thao rất lớn.
Tại tọa đàm, một chuyên gia cho rằng vấn đề quan trọng nhất hiện nay là đẩy nhanh đầu tư vào hạ tầng sân bay, không chỉ cảng lớn mà cả chuyên dùng. “Ngành giao thông đang tập trung vào nâng cấp sân bay hiện tại mà không nghĩ tới việc có những sân bay hết khả năng phát triển, nguồn lực về đất không còn, cần thiết kế những sân bay chuyên dùng để chia tải”, chuyên gia này nêu quan điểm.
Một chuyên gia hàng không khác cũng cho rằng Việt Nam thiếu các sân bay nhỏ, máy bay nhỏ dẫn đến kết cấu hàng không “không khoa học”. Các nước phát triển có nhiều sân bay chuyên dùng bên cạnh cảng hàng không. Theo vị này, 1 sân bay chuyên dùng có đường băng 1,8 km trở lại với tổng đầu tư không quá 500 tỷ đồng. Với số vốn này, nhiều nhà đầu tư sẽ tham gia, tạo thêm đột phá về xây dựng sân bay. “Nếu chúng ta đi theo hướng đó thì địa phương nào, tỉnh nào cũng có thể có sân bay”, chuyên gia này nói.
Từ những đánh giá đó, một số ý kiến tại tọa đàm cho rằng cần nhiều giải pháp để huy động vốn DN đầu tư xây dựng sân bay; hướng dẫn thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư, “trải thảm” về cơ chế chính sách với các nhà đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này.
Để đánh giá những ý kiến này có phù hợp, bao trùm, toàn cảnh hay chưa, có 2 vấn đề cần xem xét, là cơ sở pháp lý, quy hoạch, và thực tiễn hạ tầng.
Về cơ sở pháp lý và thực tiễn quy hoạch, Luật Hàng không quy định hệ thống sân bay quân sự, chuyên dùng do Bộ Quốc phòng chủ trì lập quy hoạch. Nghị định 16/2016/NĐ-CP quy định Bộ Quốc phòng phê duyệt vị trí xây dựng sân bay chuyên dùng sau khi lấy lấy ý kiến của Bộ Xây dựng, UBND cấp tỉnh nơi xây dựng sân bay chuyên dùng và thống nhất với Bộ GTVT.
Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt, đã xác định 30 cảng hàng không đến 2030 và 33 cảng hàng không đến 2050. Ngoài ra, quy hoạch còn định hướng phát triển các sân bay chuyên dùng và cảng hàng không quy mô nhỏ để phát triển thị trường, nâng cao hiệu quả khai thác.
Về thực tiễn hạ tầng, chưa thấy nhắc đến một thực tế của đất nước chúng ta là qua 2 cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ, chúng ta đã từng có rất nhiều sân bay. Những sân bay này đã từng được quy hoạch, xây dựng, khai thác tương đối phù hợp bài bản, và đến nay vẫn còn hiện diện như sân bay Hớn Quản (Bình Phước), sân bay Đà Lạt (Lâm Đồng)… Tất nhiên,sau nhiều thập kỷ không được khai thác, một số đã bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích phần nào đó; nhưng nếu tính chuyện xây mới các sân bay chuyên dùng, thì những khu vực này mới cần được tính toán quyết định trước tiên, để tận dụng những quy hoạch hạ tầng sẵn có, tiết kiệm được tiền đầu tư cho DN, xã hội và Nhà nước.