“Mẹ gắng cải tạo tốt để về nuôi chúng con. Bố chết rồi, mẹ lại ở tù, hai anh em con khổ lắm, sống vạ vật nhờ nhà các bác. Nhà bác nào cũng nghèo, chẳng biết cưu mang chúng con được bao lâu?”... Kể đến đây, phạm nhân Chu Thị Dung (35 tuổi, quê thôn Đồng Bảng, xã Đồng Thái, Ba Vì, Hà Nội) đang thụ án 16 năm về tội ma túy tại Trại giam Thanh Xuân khóc nức nở. Dung vào tù được ít lâu thì hai đứa con mồ côi cha của cô cũng phải vào trại trẻ mồ côi.
Bất hạnh chồng lên bất hạnh
Làn da sạm đen khắc khổ, mái tóc khô xác vì cháy nắng nhưng trên gương mặt phạm nhân Chu Thị Dung vẫn còn lưu dấu những nét xuân sắc mặn mà thời thiếu nữ. Dung là con gái út trong một gia đình nông dân ở chân núi Ba Vì. Sớm mồ côi cha, bà mẹ quê nghèo khó chỉ cho con ăn học được đến lớp 6 thì Dung phải bỏ học dù cô rất ham học và sáng dạ. Từ đó, Dung phải tự đi làm nuôi sống bản thân mình và đỡ đần mẹ già.
Phạm nhân Chu Thị Dung tại trại giam Thanh Xuân |
Anh trai, chị gái Dung lớn lên đều đã có gia đình riêng, còn lại Dung sống với mẹ già. Năm 18 tuổi, cô thôn nữ xinh đẹp, đảm đang này đã “lọt mắt xanh” một anh chàng cán bộ địa chính huyện, năm 1995 hai người làm đám cưới. Tiếng là cán bộ huyện, nhưng gia cảnh chồng Dung cũng rất nghèo khổ, éo le. Chồng Dung là con trai duy nhất của liệt sỹ, mẹ chồng Dung vì quá vất vả lao lực do cả đời phải một mình thờ chồng nuôi con ăn học nên chỉ đợi được đến ngày con trai yên bề gia thất là bà nhắm mắt xuôi tay. Cùng cảnh ngộ nên vợ chồng Dung rất yêu thương nhau.
Cưới nhau xong, vợ chồng Dung bàn bạc quyết định bán nhà chồng để dọn về ở nhà ngoại, vợ chồng Dung sẽ chịu trách nhiệm phụng dưỡng mẹ già. Lấy nhau từ hai bàn tay trắng, vợ chồng Dung phải rất vất vả khó khăn mới đủ trang trải gia đình. Cưới năm trước, năm sau Dung sinh con trai đầu lòng, đến năm 2003 Dung mới sinh cháu thứ hai.
Chồng mắc bệnh hiểm nghèo đau ốm liên miên nên gánh nặng kinh tế gia đình đổ ập xuống đôi vai gầy của người đàn bà tội nghiệp. Dung đã phải làm đủ thứ nghề: làm ruộng, đan nón, làm cửu vạn khai thác đá, đội đá, gánh gạch để có tiền nuôi con, thuốc thang chữa bệnh cho chồng. Đến khi con trai nhỏ mới chập chững biết đi thì chồng Dung qua đời.
Hùn vốn buôn ma túy
Chưa tròn ba mươi tuổi Dung đã thành đàn bà góa, không có nhà cửa, ruộng vườn, phải một mình nuôi hai con trai, đứa lớn đang tuổi ăn tuổi lớn, đứa bé vừa qua thời trứng nước. Sức khỏe Dung cũng suy sụp nặng nề từ sau cái chết của chồng. Từ khi phải phẫu thuật cắt bỏ u nang, Dung đau ốm triền miên không thể làm được việc nặng nên không có tiền chi tiêu, cuộc sống rất quẫn bách. Ngoài hai đứa con, tài sản của Dung vẻn vẹn hơn hai chục triệu đồng gửi tiết kiệm, đây là toàn bộ số tiền phúng viếng từ đám tang chồng, sau khi trang trải nợ nần được Dung dành dụm để sau này cho các con. Kể cả lúc bản thân Dung ốm đau thập tử nhất sinh thì cô cũng quyết không đụng đến số tiền này.
Có những lúc quá đau khổ, tuyệt vọng, Dung chỉ muốn tìm cái chết để giải thoát cho mình, nhưng nghĩ đến các con lại phải gắng gượng. Giữa hoàn cảnh đó, có người hàng xóm biết Dung còn tiền tiết kiệm nên đã ngon ngọt rủ "hùn vốn" buôn ma túy. Hám lợi nên Dung đánh liều nghe theo, dù biết như thế là phạm pháp. Không ngờ, tiền lãi chưa thấy đâu thì Dung đã phải lãnh hậu quả.
Chu Thị Dung bị bắt vào tháng 7/2006, từ lời khai của 4 đồng phạm khác trong cùng đường dây mua ma túy. Ngày công an đến tận nhà còng tay bắt Dung đi trong ánh mắt tuyệt vọng của mẹ già và hai đứa con thơ, hàng xóm ai cũng bất ngờ và xót thương cảnh ngộ của người đàn bà bất hạnh. Với vai trò thứ yếu, Dung chỉ bị kết án 16 năm tù về tội “Mua bán trái phép các chất ma túy”, án có hiệu lực thì được chuyển đến cải tạo tại Trại giam Thanh Xuân. Thời gian đầu, hai con Dung được bà ngoại nuôi nấng, nhưng năm sau thì bà mất nên các cháu thành bơ vơ.
Mẹ vào tù, con thành trẻ mồ côi
Chu Thị Dung kể, tuy gia cảnh anh trai và chị gái cô đều rất nghèo khổ và đông con nhưng mỗi năm anh chị cũng cố gắng lên thăm nuôi Dung được một lần. Năm 2008, người chị gái đã cho cậu trai lớn lên thăm mẹ. Được gặp mẹ sau mấy năm cách xa đằng đẵng, cháu bé khóc nấc lên bảo rằng: “Mẹ cố gắng cải tạo tốt để về với chúng con. Bố chết rồi, hai anh em con khổ lắm, không nhà cửa chúng con phải sống vạ vật nhờ nhà các bác, mà bác nào cũng nghèo, chẳng biết có cưu mang được anh em con không?”.
Sau lần đó, Dung được tin gia đình đã quyết định gửi các cháu vào trại trẻ mồ côi. Dung thương con đứt ruột, ân hận vô cùng vì mẹ còn sống mà con thành trẻ mồ côi. Nhưng cô cũng cảm thấy yên tâm vì vào đó các con được chăm sóc, học hành, không còn lo cảnh lang thang cơ nhỡ sẽ sa vào tội phạm và tệ nạn.
Tôi hỏi Dung có hay viết thư về gia đình, thăm hỏi, động viên các con không?. Người nữ tù mắt đỏ hoe: “Trước em có viết, nhưng không nhận được hồi âm. Anh chị em đều nghèo khổ, vất vả, chẳng có thời gian viết thư đâu. Nhớ con, em muốn viết thư cho con em nhưng anh chị em bảo đừng viết thư gọi điện làm gì để các cháu yên tâm ở trại trẻ. Em thương con cháy ruột, càng nhớ con em càng cố cải tạo tốt để mong sớm trở về với các con…”.
Đại úy Đỗ Thị Thúy Vân (Phân trại K3, Trại giam Thanh Xuân) cho biết: “Phạm nhân Chu Thị Dung sức khỏe yếu nên được cán bộ tạo điều kiện sắp xếp cho làm những công việc nhe nhàng, được ưu tiên giao dưới định mức, được khám chữa bệnh và chủ yếu sống nhờ chế độ của Trại”. Chuyện đời của Dung khiến cả tôi và Đại úy Vân đều lặng đi vì thương cảm. Chúng tôi mong sao đừng có thêm một mảnh đời nào tan nát vì ma túy, đừng để những đứa trẻ gánh chịu đau thương bất hạnh và mong Dung cải tạo tốt, để sớm được trở về với các con.
Nguyễn Lê