Việc chạy xe đến khi cạn bình xăng mới tiếp thêm nhiên liệu gây nhiều ảnh hưởng xấu đến xe. Vì vậy, các tài xế nên tránh để việc này tái diễn nhiều lần. Dưới đây là một số tác hại nếu tài xế để tình trạng này diễn ra nhiều lần:
Ảnh hưởng xấu đến động cơ xe: Xe hoạt động hiệu quả và bền bỉ khi có đủ nhiên liệu. Khi cạn xăng, động cơ có thể bị ảnh hưởng xấu, và các bộ phận cơ khí, hệ thống trợ lực và phanh có thể bị hỏng. Ngoài ra, cặn bám vào bộ lọc không những gây tắc nghẽn dẫn đến nhiên liệu không thể vào buồng đốt mà còn tăng nguy cơ chất chất bẩn xâm nhập vào đường ống dẫn nhiên liệu, động cơ xe. Nếu không khắc phục sớm tình trạng này sẽ gây ra sự cố trong ống xả, động cơ dễ bị ăn mòn, hoạt động với hiệu suất kém.
Làm hư hại bộ phận bơm xăng: Bơm xăng là một bộ phận quan trọng trong ô tô, và khi xe cạn xăng, bơm này có thể sẽ hút không khí thay vì xăng. Việc này có thể dẫn đến hỏng hóc bơm xăng và các phụ kiện khác. Tình trạng này thường xuyên xảy ra sẽ gây hư hỏng bộ phận lọc và mô-tơ khiến xe chết máy đột ngột khi đang chạy, hụt hơi khi tăng tốc, động cơ rung lắc. Bên cạnh đó, các chất cặn có trong bình xăng cạn cũng bị máy bơm hút vào để cung cấp cho động cơ. Tình trạng này diễn ra nhiều lần sẽ khiến bơm xăng và kim phun bị nghẽn, gây hư hỏng các hệ thống.
Dễ gây tai nạn khi xe dừng đột ngột trên đường: Khi lái xe gần cạn xăng, người lái thường cố gắng tiếp tục di chuyển đến trạm xăng gần nhất, nhưng không thể đảm bảo rằng xe có thể đi đến được đó. Xe có thể đột ngột chết máy, ảnh hưởng đến giao thông và gây nguy cơ tai nạn.
Để tránh tình trạng này, người lái nên kiểm tra mức nhiên liệu trước mỗi chuyến đi và sử dụng bản đồ để biết vị trí của các trạm xăng gần nhất. Đèn báo xăng sẽ cung cấp cảnh báo khi cần nạp thêm nhiên liệu, và việc tiếp thêm nhiên liệu khi mức còn khoảng 1/2 lượng xăng là lời khuyên của các chuyên gia để tránh tình trạng hết xăng giữa đường.