"Báo cáo của Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC đã đề cập rồi, cơ quan tiến hành tố tụng, lãnh đạo TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC và cơ quan điều tra cũng đã có chỉ đạo chặt chẽ, đặc biệt là Tòa án có các biện pháp để kiểm tra, kiểm soát để các tòa án xét xử theo đúng pháp luật, tránh những trường hợp án treo hoặc giảm nhẹ tội. Chánh án TANDTC cũng đã có những đợt kiểm tra đối với các tòa án cấp dưới, nhất là các vụ án liên quan đến tham nhũng để hạn chế dần việc bỏ sót.
Vậy tại sao thực tế nhiều vụ tham nhũng, nhưng kết quả bị xử lý lại ít, đặc biệt là tại các địa phương?
- Tất cả 100% các vụ án tham nhũng được cơ quan điều tra và VKS chuyển đến thì Tòa án đều đưa ra xét xử. Vấn đề còn lại ở đây chính là phát hiện, khởi tố để điều tra. Tôi nghĩ, ở đây ngoài nhiệm vụ của cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan điều tra thì còn trách nhiệm của xã hội. Đặc biệt, trong thời gian qua báo chí cũng có công rất lớn trong phát hiện tham nhũng, qua đó giúp điều tra, khởi tố, đưa vụ việc ra ánh sáng. Đội ngũ báo chí, thanh tra và tố cáo của nhân dân giúp ích rất lớn trong chống tham nhũng.
Nguyên nhân nào khiến tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng rất ít, thưa ông?
- Nguyên nhân là do khi điều tra các vụ án về tham nhũng thì thời gian điều tra tương đối dài, khiến tài sản bị tẩu tán hoặc hoang phí hay chi tiêu vào lĩnh vực nào đấy mà cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được. Cùng lắm, bây giờ là chỉ kê biên những tài sản do phạm tội mà có thôi, chứ còn tài sản nhiều mà không chứng minh được thì là khó thu hồi. Bây giờ, phải có quyết định bồi thường, dùng mọi biện pháp để thu hồi lại cho Nhà nước. Theo tôi, để tránh thất thu tài sản, khi vụ án bị phát hiện thì phải xử lý càng nhanh càng tốt.
Với tư cách là Đại biểu Quốc hội, ông có thấy tình hình tham nhũng giảm đi không? Còn với tư cách là Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, ông có gặp trở ngại gì trong quá trình xét xử?
- Tôi nghĩ là tình hình tham nhũng vẫn rất phức tạp. Thời gian qua nhiều cơ quan tiến hành tố tụng cũng đã rất tích cực, các vụ án tham nhũng lớn đã được đưa ra truy tố, xét xử. Nhưng đáp ứng được nhu cầu hay chưa, tôi nghĩ rằng vẫn còn những hạn chế. Vấn đề quan trọng là khâu phát hiện, đề cao kỷ cương, trật tự. Nhưng tôi nghĩ rằng, vấn đề tham nhũng không đơn thuần ở việc điều tra, truy tố, xét xử để nó xảy ra ít, mà phải là chính sách, cơ chế, toàn xã hội thế nào để có biện pháp chính sách pháp luật, cũng như giáo dục, tuyên truyền, hoạch định chính sách để tham nhũng không có đất sống, chứ tham nhũng xảy ra rồi mới đuổi theo để khởi tố, điều tra, xét xử thì tôi thấy không ổn. Cái đó chỉ là biện pháp tạm thời, còn cái lâu dài nhất là phải làm thế nào có biện pháp tổng thể về kinh tế - xã hội, về chính sách, pháp luật để không thể tham nhũng.
Vậy kẽ hở của chính sách nằm ở chỗ nào?
- Đúng là do chính sách pháp luật còn kẽ hở nên đã bị lợi dụng để vi phạm pháp luật. Thứ hai là, trong công tác cán bộ, tổ chức, làm sao lựa chọn sử dụng được những người có tâm, có tầm. Không để vì có động cơ riêng, cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để làm giàu cho cá nhân mình. Cái đó, có lẽ là công tác cán bộ, công tác con người cũng là một vấn đề.
Theo ông, với cơ chế phát hiện tham nhũng và cơ chế truy tố xét xử hiện nay thì liệu trong tương lai, sẽ tiếp tục hay chấm dứt các vụ tham nhũng lớn như thời gian qua?
-Tôi nghĩ chấm dứt thì khó, bởi vì xã hội cũng có mặt mạnh, mặt yếu, đặc biệt là cơ chế đang đổi mới thường xuyên. Một cơ chế mới bao giờ cũng phát sinh tích cực, nhưng đi theo nó cũng nảy sinh các tiêu cực, kẽ hở. Người phạm tội bao giờ cũng là lợi dụng kẽ hở. Vì vậy, tôi nghĩ rằng chúng ta phải hạn chế đến mức thấp nhất, đặc biệt là những vụ tham nhũng lớn, gây thiệt hại cho đất nước, người dân trong khi kinh tế đang khó khăn.