Thực hiện trách nhiệm tái chế
Mới đây, Bộ TN&MT đã ban hành Thông báo số 86 (ngày 20/2) công bố danh sách các đơn vị tái chế sản phẩm, bao bì có giấy phép môi trường hoặc giấy phép môi trường thành phần theo quy định của pháp luật. Danh sách dựa trên cơ sở đơn đề nghị, hồ sơ cung cấp của đơn vị tái chế và ý kiến của Sở TN&MT các địa phương.
Danh sách gồm 24 công ty có đủ năng lực để thực hiện tái chế nhiều loại sản phẩm, bao bì, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Trong đó, có 7 công ty có thể tái chế ắc quy, pin; 3 công ty có thể tái chế dầu nhớt; 4 công ty có thể tái chế sản phẩm điện, điện tử. Ngoài ra còn có 2 tổ chức được ủy quyền tổ chức tái chế.
Trao đổi với truyền thông, ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT cho biết, việc công bố danh sách đơn vị tái chế sản phẩm, bao bì nhằm cung cấp, hỗ trợ thông tin cho nhà sản xuất, nhập khẩu biết và tham khảo trong việc thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì.
Nhà sản xuất, nhập khẩu có thể lựa chọn, ký kết hợp đồng tái chế với các đơn vị tái chế trong hoặc ngoài danh sách được công bố, nhưng phải bảo đảm đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường quy định tại khoản 4 Điều 79 Nghị định 08/2022/NĐ-CP tại thời điểm ký kết hợp đồng tái chế.
Trên con đường thực thi trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất bắt đầu từ ngày 1/1/2024, việc công bố danh sách đơn vị tái chế không chỉ giúp cung cấp, hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp mà còn là bước triển khai phù hợp và kịp thời vào thời điểm hiện nay. Trước đó, Bộ TN&MT đã phối hợp các Bộ, ngành có liên quan hoàn thành các quy định, thiết chế như: Thành lập Hội đồng, Văn phòng EPR quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ định mức chi phí tái chế sản phẩm, bao bì, xây dựng Quy chế quản lý, sử dụng tiền đóng góp của nhà sản xuất, nhập khẩu để hỗ trợ tái chế.
Cơ hội mới cho nhiều doanh nghiệp
Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) là chính sách được đánh giá cao để bảo vệ môi trường Việt Nam khỏi rác thải nhựa. Đây là khái niệm lần đầu tiên được quy định và luật hóa, bởi vậy khi thực thi các doanh nghiệp Việt Nam sẽ còn nhiều bỡ ngỡ. Thực tế còn lượng lớn doanh nghiệp chưa biết nhiều về trách nhiệm tái chế của mình. Tuy nhiên, trong xu thế kinh tế tuần hoàn hiện nay, việc thực thi trách nhiệm mở rộng của các bên là cần thiết và không thể trì hoãn. Do đó, các doanh nghiệp cần chủ động vào cuộc.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam đang có một nền tảng tốt, toàn diện, cung cấp một lộ trình rõ ràng cho những năm thực thi trách nhiệm tái chế. Đồng thời năng lực của các doanh nghiệp phải thực hiện EPR tại Việt Nam là hoàn toàn có. Về tính chủ động của doanh nghiệp trong việc tổ chức thực hiện EPR, nếu doanh nghiệp chủ động thì họ sẽ tìm được nguồn lực, tìm được giải pháp và phân bố các nguồn lực cho việc thực hiện. Nhưng ngược lại nếu doanh nghiệp thoái thác, họ sẽ đưa ra rất nhiều lý do.
Mặc dù việc thực hiện trách nhiệm tái chế trước mắt sẽ khiến các doanh nghiệp phải tốn kém thêm một khoản chi phí nhất định, nhưng nếu nhìn câu chuyện từ góc độ khác, việc này cũng sẽ mở ra cơ hội mới cho nhiều doanh nghiệp. EPR là một cách tiếp cận của chính sách môi trường tuân theo nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Vì vậy, EPR sẽ gây ra khó khăn cho các sản phẩm ít thân thiện với môi trường nhưng ngược lại sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm thân thiện với môi trường hơn. Điều này là vô cùng quan trọng trong cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng sản xuất một sản phẩm. Khó khăn luôn đi kèm với thuận lợi, hay thách thức luôn đi kèm với cơ hội chính là tình thế của EPR hiện nay.
Từ ngày 1/1/2024, nhà sản xuất, nhập khẩu pin, ắc quy, dầu nhớt, săm lốp, và bao bì (thương phẩm) phải thực hiện trách nhiệm tái chế theo tỉ lệ và quy cách bắt buộc. Đây là quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) tại Việt Nam theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Theo đó, tỉ lệ tái chế bắt buộc cho 3 năm đầu tiên đối với ngành săm lốp là 5%, ắc quy là 8 - 12%, đối với nhóm bao bì, tùy từng loại từ 10 - 22%. Nhà sản xuất, nhập khẩu có thể lựa chọn một trong hai phương thức thực hiện trách nhiệm tái chế: Một là, tự tổ chức tái chế (tự mình tái chế hoặc thuê đơn vị tái chế hoặc ủy quyền cho một bên khác tổ chức tái chế), hai là nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế. Quy định tái chế áp dụng với các nhà sản xuất, nhập khẩu có tổng doanh thu từ bán hàng, dịch vụ và giá trị nhập khẩu của năm trước lần lượt trên 30 tỷ và 20 tỷ đồng. Doanh nghiệp vừa và nhỏ không phải chịu quy định này.