Nhiều bất cập cần khắc phục
Đại biểu (ĐB) Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, những vấn đề trong thực tiễn cuộc sống cho thấy Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế của nước ta, khi kinh tế đã có những bước phát triển kèm theo đó là môi trường bị xâm hại, xuống cấp, ô nhiễm các chất độc hại, bảo vệ thực vật, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước… ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, đời sống của người dân.
“Mỗi kỳ tiếp xúc cử tri, lần nào cũng vậy, đều có phản ánh của người dân rằng không thể đánh đổi môi trường nhưng cũng không thể gây trở ngại cho phát triển kinh tế”, ĐB nói.
ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) đánh giá Dự thảo Luật đã khá đầy đủ với nhiều nội dung đổi mới, cập nhật. Theo ĐB, đại dịch Covid-19 vừa qua khiến chúng ta nhận ra rằng sinh mạng con người khá mong manh và có thể xảy ra đại dịch nếu chúng ta không tôn trọng tự nhiên, không có ý thức bảo vệ môi trường…
Do đó, việc sửa đổi Luật lần này có ý nghĩa sâu sắc là để ngăn chặn cho được đại dịch xảy ra và nếu có đại dịch xảy ra thì chúng ta có cơ sở pháp lý để giải quyết, xử lý, ứng phó. Theo ĐB, Luật sửa đổi lần này phải làm sao động viên, khuyến khích được mọi người chung tay bảo vệ môi trường, đẩy mạnh hơn nữa việc xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường.
ĐB Bùi Thanh Tùng (đoàn Hải Phòng) đánh giá cao Dự thảo Luật lần này đã chuyển từ việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường thành phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường nhằm nâng cao trách nhiệm của hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, đồng thời trao cho chủ đầu tư tự chịu trách nhiệm với việc tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo nghiên cứu khả thi theo đúng kết quả phê duyệt thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Điều này giúp rút ngắn thủ tục và thời gian trong quy trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Ngoài ra, một số ĐB khác cũng tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi cho toàn diện Luật Môi trường năm 2014 khi thực tiễn đặt ra ngày càng nhiều vấn đề bức xúc, cấp bách cần phải giải quyết hiện nay như môi trường nước ta ngày càng diễn biến phức tạp, chất lượng môi trường tại một một số nơi vượt ngưỡng cho phép và thời gian qua cũng đã xuất hiện sự cố môi trường làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
Nhiều điểm cần nghiên cứu thấu đáo
Tuy nhiên, ĐB Bùi Thanh Tùng cũng cho rằng việc quy định thẩm quyền của các bộ quản lý xây dựng chuyên ngành trong thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và kiểm tra về các nội dung bảo vệ môi trường trong Dự thảo Luật là không thống nhất với các quy định về phân công chức năng quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về môi trường của các bộ, ngành nêu trên.
Về các nội dung liên quan đến giấy phép môi trường, Dự thảo Luật tiếp cận theo hướng tích hợp tất cả các quy trình, thủ tục xác nhận hoàn thành các quy trình bảo vệ môi trường, giấy phép, giấy cấp phép xả thải… trong luật hiện hành vào 1 quy trình để giảm bớt thời gian và thủ tục hành chính. Theo ĐB Tùng, về cơ bản, đây là một cách tiếp cận tích cực.
Song, theo ĐB có nhiều điểm cần được nghiên cứu thấu đáo để đảm bảo tính thực tế và khả thi trong việc thi hành như kết cấu và nội dung của báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường được quy định trong Dự thảo Luật khá phức tạp và có nhiều nội dung trùng lắp với báo cáo đánh giá tác động môi trường, làm phát sinh thêm thủ tục…
Phát biểu ý kiến, ĐB Lê Quang Trí (đoàn Tiền Giang) cho hay, hiện nay công nghệ sinh học khá phát triển, tại các phòng thí nghiệm vi sinh, các phòng thí nghiệm virus, các nhà khoa học đã và đang tạo ra các chủng mới của vi sinh vật, virus biến đổi gen để phục vụ khám chữa bệnh.
Tuy nhiên, việc này cũng tạo ra những chủng vi sinh vật, chủng virus rất nguy hiểm với môi trường và sức khỏe con người. Nếu các chủng virus, vi sinh vật này phát tán vào cộng đồng thì hậu quả rất nghiêm trọng. Do đó, ĐB đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định cấm phát tán các chủng vi sinh vật, virus biến đổi gen vào môi trường. ĐB cũng đề nghị bổ sung quy định cấm nhập khẩu, sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều nguyên liệu, gây ô nhiễm môi trường.
Lý do được ĐB đoàn Tiền Giang đưa ra là nếu ngăn chặn ngay từ đầu việc các doanh nghiệp nhập khẩu sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu thì các doanh nghiệp này không phải tốn nhiều chi phí để xử lý chất thải, giảm chi phí sản xuất trong khi cơ quan quản lý nhà nước về môi trường không phải tốn nhiều thời gian công sức và hiệu quả không cao trong việc thanh tra, kiểm tra và giám sát về môi trường. Cùng với đó, ĐB đề nghị quy định các cơ sở nghiên cứu, đào tạo phải đảm bảo an toàn sinh học.
ĐB Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) đánh giá nhiều quy định trong Dự thảo Luật còn mang tính vận động, thuyết phục, hô hào và khá chung chung, cần phải có tiếp thu chỉnh sửa. ĐB cho biết chưa thực sự an tâm khi dự án luật này thông qua tại 2 kỳ họp và Quốc hội cần cân nhắc thêm.
Về các chính sách mới, theo ĐB, theo báo cáo đánh giá tác động có 13 nhóm chính sách được đề xuất sửa đổi lần này nhưng để áp dụng trong thực tiễn thì phần lớn các chính sách này đều phải tăng thêm nguồn ngân sách và nhân lực nhưng không rõ phát sinh cụ thể ra sao.
ĐB đề nghị ban soạn thảo làm rõ thêm nguồn nhân lực và ngân sách phát sinh thêm để thực hiện các quy định mới để Quốc hội có cơ sở xem xét đánh giá và quyết định. Nhiều chính sách cũng chưa được làm rõ.
Đánh giá cao việc Dự thảo Luật quy định tích hợp giấy phép, cắt giảm 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, tích hợp 7 giấy phép về môi trường thành 1 giấy phép chung nhưng ĐB Trần Thị Hoa Ry cũng băn khoăn rằng tác động đến môi trường liên quan đến nhiều lĩnh vực quản lý của các bộ, ngành khác nhau.
“Liệu quy định như vậy có đảm bảo về tiêu chuẩn và kỹ thuật chuyên môn không và việc tích hợp giấy phép như vậy có thực sự thuận lợi cho người dân không hay vẫn giữ “1 cửa nhưng có đến 7 khóa” thì cũng phải làm rõ”, ĐB nói.
Vẫn theo ĐB, khi giao 1 đơn vị vừa cấp phép vừa là cơ quan kiểm tra, thanh tra thì đây là quy trình khép kín, có đảm bảo khách quan không hay quy định như vậy là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”?
ĐB Hòa đề nghị làm rõ trách nhiệm pháp lý của hội đồng và từng thành viên trong thẩm định đánh giá tác động môi trường đối với kết luận thẩm tra của mình nếu báo cáo đánh giá tác động không đúng thực tế, sau này có thực tế xảy ra do sai sót có chủ đích, gây hậu quả cho môi trường và xã hội để đảm bảo họ làm việc công tâm, khách quan, không vì lý do nào đó mà làm phát sinh nhiều hệ lụy không tốt. Việc chi 2% ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường cũng cần cân nhắc, đánh giá tác động.