Theo báo cáo tại buổi làm việc, thực tiễn sau gần 03 năm thi hành Nghị định số 82 cho thấy, một số hành vi quy định tại Nghị định chưa bảo đảm tính cụ thể, rõ ràng dẫn đến việc người có thẩm quyền xử phạt khi áp dụng quy định xử phạt gặp một số vướng mắc, bất cập; một số hành vi vi phạm diễn ra xâm hại đến trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, tuy nhiên lại chưa có chế tài để xử lý.
Vì vậy, việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82 là cần thiết, phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, tạo thuận lợi và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật của cơ quan, lực lượng chức năng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã trong thời gian tới.
Dự thảo Nghị định gồm 04 Điều, gồm: sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82; bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số từ, cụm từ, điểm, khoản, điều của Nghị định số 82; trách nhiệm tổ chức thực hiện; điều khoản thi hành.
Tại buổi làm việc, đại diện Phòng Công chứng số 3 tại Hà Nội đề nghị, bổ sung điểm đ vào sau điểm d khoản 1 Điều 15 Nghị định số 82 (khoản 14 Điều 1 dự thảo): “ghi lời chứng trong văn bản không đầy đủ nội dung quy định trừ trường hợp quy định tại điểm e khoảng 3 Điều này”; sửa đổi, bổ sung điểm e khoản 3 Điều 15 Nghị định số 82: “ghi lời chứng trong văn bản công chứng không đầy đủ nội dung quy định nhằm trốn tránh hoặc giảm bớt trách nhiệm của công chứng viên”.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 3 Điều 24 Thông tư 01/2021/TT-BTP, công chứng viên thực hiện soạn thảo lời chứng cụ thể tuỳ theo từng trường hợp yêu cầu công chứng và phải chịu trách nhiệm với lời chứng của mình. Việc không đảm bảo đầy đủ nội dung theo quy định (khoản 1 Điều 46, khoản 3 Điều 61 Luật Công chứng) đương nhiên sẽ làm giảm bớt trách nhiệm của công chứng viên. Vì vậy, không cần thiết quy định bổ sung hành vi vi phạm như nêu trên, thực tế sẽ rất khó để phân định, áp dụng xử lý hai hành vi này.
Thứ trưởng Mai Lương Khôi kết luận buổi làm việc. |
Đại diện Bộ Công an nêu rõ băn khoăn và đề nghị làm rõ quy định về việc cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ nộp giấy phép, chứng chỉ hành nghề nào cho cơ quan có thẩm quyền cấp khi mà giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ tại cơ quan có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, việc quy định về trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp khắc phục hiệu quả đối với hành vi cố ý tẩy xoả, sửa chữa giấy phép, chứng chỉ hành nghề nên nằm trong Nghị định về hướng dẫn Luật Xử lý vi phạm hành chính chứ không nên nằm trong Nghị định riêng biệt xử lý vi phạm hành chính trong một lĩnh vực chuyên ngành.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Mai Lương Khôi đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiêm túc tiếp thu ý kiến góp ý vào các điều khoản cụ thể của các hành vi vi phạm cũng như có giải trình cụ thể. Thứ trưởng lưu ý rà soát, hoàn thiện thêm tờ trình dự thảo Nghị định, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, trong đó có các chính sách, viện dẫn các điều khoản, trình tự thủ tục đảm bảo theo đúng quy định.
Về nội dung, Thứ trưởng đề nghị làm rõ hơn tình hình áp dụng tình tiết tăng nặng, áp dụng quy định xử phạt đối với từng hành vi vi phạm; nghiên cứu, rà soát để đảm bảo đồng bộ việc giao thoa giữa xử lý vi phạm hình sự và xử lý vi phạm hành chính. Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị quản lý nhà nước thuộc Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp với Cục Xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật rà soát để đảm bảo các điều khoản quy định, mục đích, yêu cầu của Nghị định sửa đổi lần này, đặc biệt là đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước các lĩnh vực thuộc Bộ Tư pháp.
Về thẩm quyền của Chánh Thanh tra của Sở Tư pháp, cần cân nhắc phù hợp với quy định của Luật Thanh tra và các bản hướng dẫn. Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho lực lượng Công an nhân dân, Bộ Tư pháp nghiêm túc tiếp thu và rà soát kỹ, để đảm bảo tính kịp thời khi xử lý vi phạm có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Công an nhân dân...