Người Việt “đốt” 14 nghìn tỷ đồng mỗi năm theo khói thuốc lá

Người Việt “đốt” 14 nghìn tỷ đồng mỗi năm theo khói thuốc lá
(PLO) - Theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới (WHO), cứ 6,5 giây lại có 1 người chết vì thuốc lá. Việt Nam đứng trong top 4 quốc gia có tỉ lệ hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Ước tính mỗi năm, người dân cả nước “đốt” theo khói thuốc tới... 14 nghìn tỷ đồng.

Đó là những thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Hơi thở cuộc sống - Vì một thế giới không khói thuốc” do Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt đồng hành cùng Qũy Makna - Malaysia tổ chức vào chiều 27/5 hưởng ứng “Ngày thế giới không hút thuốc lá” (31/5) và “Tuần lễ quốc gia không thuốc lá” (từ 25/5 đến 31/5).

Dễ chết hơn 10 lần hoặc mất 20 năm tuổi thọ

PGS.TS Lê Chính Đại (Phó giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, người nghiện thuốc lá có nguy cơ tử vong cao gấp 2,5 đến 10 lần so với người không hút, phân nửa chết trong tuổi trung niên hoặc mất đi khoảng 20 năm tuổi thọ.

“Thuốc lá là căn nguyên của 25 bệnh khác nhau, trong đó có trên 10 bệnh ung thư. Ngoài những ung thư do tác động trực tiếp của khói thuốc lá, nhiều nhất là ung thư phổi, thực quản, dạ dày, họng, hầu, miệng, khói thuốc lá còn là tác nhân gây ung thư tụy, thận, niệu quản, bàng quang, cổ tử cung... do khói thuốc là tác nhân hợp đồng với các yếu tố khác làm tăng nguy cơ ung thư”, PGS.TS Lê Chính Đại khẳng định.

Các chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo
Các chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo

Đồng thời, ông Đại cũng cảnh báo: 95% bệnh nhân ung thư phổi và 75% bệnh nhân mắc phổi tắc nghẽn mãn tính có tiền sử hút thuốc lá. Mỗi năm, Việt Nam có tới 70.000 người chết vì các bệnh liên quan đến thuốc lá thì có tới 17.000 người chết do ung thư phổi với xu hướng mắc bệnh ngày càng trẻ hóa. Bệnh viện Bạch Mai cũng vừa đón một bệnh nhân nam mới trên 20 tuổi đã mắc ung thư phổi. Bệnh nhân quê ở Tiên Lãng, Hải Phòng và đã hút thuốc lào từ khi mới 7 tuổi.

Đáng chú ý, tác hại của thuốc lá với cơ thể rất lâu dài. Xưa nay, nhiều người vẫn lầm tưởng cai được thuốc lá là hết nguy cơ bệnh tật, tuy nhiên thực tế nếu hút thuốc quá lâu trước khi bỏ thì người hút vẫn hứng chịu hậu quả như thường. Nguyên nhân là do hắc ín không thể loại bỏ ngay ra khỏi cơ thể.

Hắc ín chính là sự lắng lại của khói thuốc với hàng ngàn chất hóa học và phụ gia với đặc điểm dính và nhầy như nhựa. Khi khói thuốc được hít vào phổi, các chất nhựa lắng đọng và bám vào các khoang chứa khí của phổi. Sau một thời gian, các chỗ nhựa thuốc lá bám vào gây ra bệnh ung thư và các bệnh về phổi. Để đào thải các chất này ra khỏi cơ thể cần phải có thời gian. Thực tế có rất nhiều trường hợp mắc bệnh dù đã bỏ thuốc hàng chục năm.

NSƯT Xuân Bắc chia sẻ, cha anh từng hút thuốc lá ròng rã suốt 20 năm, mãi đến năm 1985, ông mới chịu từ bỏ thói quen này. Khi dừng hút, ông sụt 2kg nhưng sau đó tăng liền 8kg, sức khỏe tốt lên trông thấy. “Cách đây khoảng 2 tháng, cha tôi gặp một loạt bệnh lý, trong đó đáng sợ nhất là chứng khó thở. Khi đi khám, các bác sĩ kết luận ông đã bị phổi tắc nghẽn mãn tính”, Xuân Bắc cho biết.

NSƯT Xuân Bắc chụp ảnh tuyên truyền

NSƯT Xuân Bắc chụp ảnh tuyên truyền

Hay như trường hợp của ông Trần Văn Nhân (67 tuổi, ở Kim Động, Hưng Yên), từng hút thuốc 15 năm, sau đó dừng 20 năm thì phát hiện bị ung thư phổi và được bác sĩ chỉ định cắt bỏ khối u vào tháng 4/2006.

Theo các bác sĩ, vẫn có 10 -13% người nghiện thuốc lá có nguy cơ ung thư phổi với thời kỳ tiềm ẩn từ 30-40 năm kể từ khi bắt đầu hút cho đến khi xuất hiện ung thư phổi. Còn với bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, những trường hợp nghiện thuốc lá nặng (hút trên 25 điếu/ngày) sẽ có tỉ lệ tử vong cao gấp 30 lần người không hút.

“Nếu người nghiện thuốc lá bỏ thuốc trước tuổi 50 sẽ giảm 50% nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch. Sau khi bỏ thuốc được 1 năm sẽ giảm 50% nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi”, các chuyên gia y tế khuyến cáo.

Thuốc lá, thuốc lào đều độc

Hút thuốc lá nói chung đều mang đến những hệ lụy nguy hiểm như nhau đối với sức khỏe, ngay cả đó là thuốc là truyền thống hay thuốc lá điện tử. Đầu lọc của thuốc lá điện tử chỉ lọc được nicotine, trong khi đó, khói thuốc có chứa hơn 7000 chất độc hại khác nhau.

“Đặc biệt, trong hơn 7000 chất độc này, khoảng hàng trăm chất gây hại cho sức khỏe và 70 chất gây ra nhiều bệnh ung thư khác nhau”, TS. BS. Thầy thuốc ưu tú Hoàng Đình Chân (nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật Lồng ngực, Bệnh viện K) nhận định.

Cũng theo TS Chân, tỷ lệ hút thuốc lá ở nữ giới hiện nay đang có xu hướng tăng từ 1,8 đến 2%. Tuy rằng số người mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá ở nam giới luôn cao hơn nữ giới, nhưng những bệnh nhân là nữ mắc bệnh ung thư do thuốc lá, thuốc lào hiện nay cũng rất đáng cảnh báo.

“Tôi đã từng phẫu thuật cho một nữ bệnh nhân ở Vĩnh Bảo (Hải Phòng), khi làm các thủ thuật tôi thấy phổi của nữ bệnh nhân này đen như bồ hóng gác bếp, giống như người hút thuốc lá đã lâu năm, tuy nhiên khi hỏi người phụ nữ này vẫn giấu. Chỉ khi điều trị xong, gặng hỏi thì nữ bệnh nhân này mới tâm sự thật, quê ở Hải Phòng và đã có thâm niên hút thuốc lào hàng chục năm, nên mới xảy ra cơ sự như vậy. Từ đó có thể thấy được, không chỉ thuốc lá mà cả thuốc lào dù hút đã qua lọc nước nhưng cực kỳ nguy hiểm. Vì thế, việc từ bỏ hút thuốc lá, thuốc lào là điều cần phải làm ngay”, TS Chân nói.

Hút thuốc lá không chỉ tự rước bệnh vào người mà còn gây hại cho những người thân xung quanh hít phải khói thuốc khi 2/3 số khói sẽ lan tỏa ra môi trường chứ không vào phổi người hút. Tỉ lệ hút thuốc thụ động trong dân số khoảng 67% nhưng tại công sở lên tới 90% và có trên 54% trẻ em Việt Nam bị ảnh hưởng bởi khói thuốc lá. Ước tính cứ 10 người hút thuốc tử vong thì một người chết vì hít khói thuốc thụ động.

“Khói thuốc ảnh hưởng trong phạm vi 7-10m, cho nên, ngay cả việc ở rất xa với người hút thuốc thì người hút thuốc lá thụ động vẫn gặp những nguy cơ về sức khỏe không kém những đối tượng đang hút thuốc”, PGS.TS Lê Chính Đại cho hay.

Các chuyên gia chỉ ra, cũng là trường hợp hút thuốc lá thụ động nhưng trẻ em luôn có xu hướng bị nặng hơn người lớn. Điều này cũng dễ hiểu vì phổi của trẻ chưa phát triển hết các chức năng. Khi hít phải khói thuốc lá, những chất độc có trong khói thuốc sẽ ngấm vào phổi, chưa tự thải ra được. Ví dụ, cũng bị viêm phổi, nhưng người lớn thì bị viêm phổi thùy, có nghĩa là sưng ở một vị trí nào đó trên lá phổi. Nhưng với trẻ, tình trạng viêm nặng hơn, lan đều hết phổi. Nếu không chữa trị kịp thời sẽ rất nguy hiểm.

Bé Đào Anh Tú, 9 tháng tuổi, con của chị Bùi Thu Thủy (31 tuổi, ở Kim Giang, Hà Nội) đã một phen nguy hiểm vì khói thuốc lá. “Con tôi sinh ra rất khỏe mạnh. Nhưng khi hơn 1 tháng tuổi, bé liên tục ho và sổ mũi, mặc dù tôi luôn mặc áo ấm và chăm sóc bé kỹ lưỡng. Tình trạng của bé ngày một tệ hại, bé thở mệt nhọc. Tôi vội vã đưa bé đi khám và được bác sĩ cho biết, con tôi bị viêm phế quản cấp, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong nên bé phải nhập viện”, chị Thủy cho biết.

Hút thuốc lá không chỉ làm hại chính mình mà còn làm hại những người xung quanh.
Hút thuốc lá không chỉ làm hại chính mình mà còn làm hại những người xung quanh.

Sau khi “truy tìm” nguyên nhân, bác sĩ đưa ra đáp án cuối cùng là trong nhà có người hút thuốc lá. Quả thật, chồng chị Thủy là người nghiện thuốc lá. Theo chị, nếu không hút thuốc chồng chị không làm việc được nên lúc nào anh cũng khư khư điếu thuốc trên tay.

Nhằm giảm thiểu những tác hại do thuốc lá gây ra, PGS Lương Ngọc Khuê (Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng chống Tác hại thuốc lá) cho biết, Quỹ đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố triển khai công tác xây dựng môi trường không khói thuốc tại nơi làm việc, trường học, cơ sở y tế và cộng đồng.

Theo ông Khuê, tới đây có thể 63/63 bệnh viện tỉnh, thành phố sẽ triển khai tư vấn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá, thông qua các bác sĩ nòng cốt vừa được đào tạo từ Trung tâm tư vấn tại Bệnh viện Bạch Mai và một số bệnh viện lớn tại TP Hồ Chí Minh./.

“Tôi muốn mọi người nhìn nhận những người hút thuốc dưới con mắt… không bình thường và cần phải có những biện pháp mạnh mẽ, chế tài nghiêm khắc với những người hút thuốc lá gây ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân và những người xung quanh. Mong rằng sẽ không chỉ có một ngày Thế giới phòng chống thuốc lá mà mỗi năm có 365 ngày tất cả chúng ta đều phòng chống thuốc lá”, NSƯT Xuân Bắc chia sẻ.

Đọc thêm

Rước họa vì thói quen nhiều người hay làm

Bệnh nhân nhập viện vì uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
(PLVN) -  Liên tiếp trong thời gian gần đây, các bác sĩ tại các bệnh viện thường tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu vì tự ý uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Điều đáng nói, nhiều người hiện nay tự ý sử dụng các loại thuốc này để điều trị nhiều căn bệnh như: Viêm gan B, sỏi túi mật….

Không dễ dãi với mặt hàng đặc thù liên quan sức khỏe

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (dự kiến được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024), mới đây khi được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã được chỉ ra một số nội dung cần xem xét.

Tháng cao điểm an toàn thực phẩm: Địa phương phải kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm

Nhiều học sinh là nạn nhân ngộ độc do đồ ăn trước cổng trường. (Ảnh minh họa - Nguồn: SKĐS)
(PLVN) - Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương kiên quyết xử lý nghiêm, đình chỉ hoạt động các cơ sở nếu không bảo đảm điều kiện, không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cộng đồng...

Người phụ nữ có 2 bàng quang

Người phụ nữ có 2 bàng quang. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
(PLVN) - Các bác sĩ khoa Phẫu thuật tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E mới tiếp nhận và phẫu thuật thành công cho nữ bệnh nhân cao tuổi có 2 bàng quang.

Lạm dụng thực phẩm ngọt: Suy giảm sức khỏe gia đình

Trong 10 năm qua, trung bình mỗi người Việt uống 1 lít đồ uống có đường/tuần. (Ảnh minh họa - Nguồn: Shutterstock)
(PLVN) - Trong 10 năm qua, trung bình mỗi người Việt uống 1 lít đồ uống có đường/tuần, gây nguy hiểm cho sức khỏe bởi những tác nhân từ bệnh không lây nhiễm. Con số đáng báo động này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cảnh báo tại Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của đồ uống có đường vừa diễn ra vào đầu tháng 4/2024.

Khám sức khỏe miễn phí cho hơn 500 học sinh ở Điện Biên Đông

Khám sức khỏe miễn phí cho hơn 500 học sinh ở Điện Biên Đông
(PLVN) - Ngày 13-14/4, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba (Hà Nội) tổ chức Chương trình thiện nguyện tặng quà và thăm khám miễn phí cho hơn 500 học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú - Tiểu học Tìa Dình (xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.