Trồng sen có giá trị cao gấp 4-6 lần so với trồng lúa
Từ lâu, cây sen Thừa Thiên - Huế đã nổi tiếng cả nước do cho những sản phẩm như hoa sen, hạt sen… có hương vị thơm, biểu trưng của ẩm thực Cố đô Huế.
Từ năm 2017 đến nay, diện tích trồng sen tại Thừa Thiên - Huế đã không ngừng tăng lên. Năm 2019 diện tích trồng sen khoảng 494,5ha, năng suất hạt ước tính 1,5-4,0 tấn/ha. Giá bán lẻ từ 30.000-60.000 đồng/kg, cao gấp 4-6 lần so với trồng lúa.
Tuy nhiên, Thừa Thiên - Huế vẫn chưa có quy hoạch vùng trồng sen cụ thể. Hầu hết diện tích trồng còn manh mún, nhỏ lẻ còn mang tính tự phát. Phần lớn nông dân chưa được tập huấn các kỹ thuật về quy trình sản xuất, phòng trừ sâu bệnh, bảo quản, chế biến sau thu hoạch nên năng suất, hiệu quả trồng sen tại Thừa Thiên - Huế vẫn còn thấp.
Là một trong những hộ dân đầu tiên tại tỉnh Thừa Thiên - Huế phát triển kinh tế gia đình từ việc trồng cây sen, ông Hoàng Độ (thôn Sơn Tùng, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền) cho biết, giống sen đưa vào trồng trên địa bàn tỉnh lâu nay chủ yếu là sen truyền thống của Huế (sen trắng Tịnh Tâm) và sen hồng cao sản.
Hiện tại, Thừa Thiên - Huế vẫn chưa có đơn vị sản xuất và cung cấp giống sen nên nguồn giống phần lớn vẫn là sen lưu gốc hoặc lấy từ các tỉnh phía Nam. Cũng có một số hộ dân dựa vào kinh nghiệm tự nhân giống được bằng hạt nhưng cũng chỉ đủ cung cấp trong phạm vi hộ gia đình. Người trồng sen đang gặp nhiều khó khăn trong việc chủ động nguồn giống để tổ chức sản xuất theo thời vụ.
“Năm nay gia đình tôi trồng 15,5ha sen. Số giống sen chủ yếu là lưu gốc từ vụ trước. Tuy có giống để bán lại nhưng cũng chỉ đủ để cung ứng cho một số hộ trong vùng”, ông Độ cho biết.
Mở rộng diện tích trồng sen kết hợp du lịch sinh thái
Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành kế hoạch phát triển trồng sen giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tỉnh sẽ mở rộng diện tích trồng mới cây sen, đến năm 2025 sẽ ổn định diện tích đạt khoảng 745ha. Trong đó, sen cao sản lấy hạt khoảng 85-90% diện tích, sen địa phương (sen Huế) từ 10-15% diện tích; năng suất bình quân 18-20 tạ/ha, sản lượng ước đạt khoảng 1.200-1.400 tấn hạt/năm.
Kế hoạch này nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả tiềm năng đất đai, trên cơ sở phát huy lợi thế giá trị của cây sen trên địa bàn tỉnh, tạo sự dịch chuyển mang tính bền vững từ phương thức sản xuất cũ sang phương thức sản xuất mới theo chuỗi giá trị, góp phần bảo vệ nguồn gen, kết hợp du lịch sinh thái và ẩm thực của Huế, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Để thực hiện được kế hoạch trên, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đưa ra 6 giải pháp cơ bản như: Khuyến khích phát triển liên kết hộ nông dân với các đơn vị để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ sen; phát triển hệ thống phân phối tại các thị trường, đặc biệt là kết nối hệ thống các siêu thị, các điểm du lịch… làm cầu nối để tiêu thụ sản phẩm; mở rộng thị trường ngoại tỉnh theo hướng đa dạng hóa sản phẩm; triển khai mạnh mẽ và thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thông qua các chương trình, lễ hội, hội thi đối với các sản phẩm từ cây sen; hướng đến xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các địa phương vùng trồng có diện tích đủ lớn; sớm tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Sen Huế” cho các sản phẩm sen của tỉnh.