Cụ thể do pháp luật chuyên ngành là Luật Lý lịch tư pháp (LLTP) được ban hành từ năm 2009 lại chưa quy định cụ thể trình tự, thủ tục, thời gian và cơ chế phối hợp xác minh các trường hợp đương nhiên xóa án tích, đòi hỏi cần sớm sửa đổi Luật LLTP để khắc phục những bất cập này.
Giúp người có án được hòa nhập cộng đồng
Xóa án tích là một chế định quan trọng trong pháp luật hình sự thể hiện tính nhân đạo và nguyên tắc công bằng, dân chủ, tôn trọng, bảo vệ quyền con người, tạo điều kiện cho những người được xóa án tích tái hòa nhập với cộng đồng, ổn định làm ăn, sinh sống. Án tích tác động và hạn chế việc thực hiện các quyền của người bị kết án như: Quyền được hành nghề, công việc nhất định, quyền ứng cử… và ảnh hưởng đến việc tái hòa nhập cộng đồng của người bị kết án.
Án tích cũng ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người bị kết án vì trong một số trường hợp nếu người phạm tội đã bị kết án, thuộc trường hợp có án tích nhưng chưa được xóa là một trong những cơ sở để định tội, để xem xét tái phạm, tái phạm nguy hiểm là tình tiết định khung hình phạt trong một số tội phạm hoặc là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung cơ bản liên quan đến xóa án tích, nhất là chế định đương nhiên được xóa án tích. Cụ thể, Điều 70 BLHS năm 2015 quy định, đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội xâm phạm an ninh quốc gia; tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 điều này.
Người bị kết án còn đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án…
Đặc biệt, BLHS năm 2015 đã bỏ quy định Tòa án cấp giấy chứng nhận đương nhiên được xóa án tích cho người bị kết án. Cạnh đó, khoản 1 Điều 369 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của người đương nhiên được xóa án tích và xét thấy có đủ điều kiện quy định tại Điều 70 BLHS thì cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP cấp Phiếu LLTP là họ không có án tích”.
Điểm mới của BLHS năm 2015 là quy định thời điểm để tính thời hạn xóa án tích sớm hơn so với BLHS năm 1999 theo hướng kể từ khi người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án. Đồng thời, rút ngắn thời hạn để được xóa án tích theo hướng còn 2 năm (đối với trường hợp bị phạt tù đến 5 năm); 3 năm (đối với trường hợp bị phạt tù từ trên 5 năm đến 15 năm) và 5 năm (đối với trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án, khoản 2, 3 Điều 70).
Để triển khai chính sách nhân văn này, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp phiếu LLTP xác nhận không có án tích, nếu có đủ điều kiện quy định. Những người muốn làm thủ tục đương nhiên xóa án tích sẽ nộp đơn tới Sở Tư pháp của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi mình thường trú.
Chủ động cập nhật thông tin về điều kiện đương nhiên được xóa án tích
Có thể nói, việc xác định người bị kết án đã được xóa án tích hay chưa là điều rất quan trọng, ảnh hưởng lớn về mặt pháp lý và mặt xã hội đối với họ. Bởi, khi một người được xóa án tích phạm tội mới thì Toà án không được căn cứ vào tiền án đã được xóa để xác định là tái phạm hay tái phạm nguy hiểm.
Mặt khác, xóa án tích còn có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình học tập, lao động của họ, giúp cho những người đã từng lầm lỡ có cơ hội làm lại cuộc đời, xóa đi cảm giác mặc cảm, bởi quá khứ tội lỗi của mình và tránh được kì thị của người khác, dễ dàng hòa nhập với cộng đồng.
Ngoài ra, việc này còn mang tính phòng ngừa tội phạm cao. Bởi lẽ, xóa án tích đã góp phần động viên và ngăn ngừa họ phạm tội mới để nhanh chóng trở thành người lương thiện, có ích cho xã hội.
Tuy nhiên, do hệ thống LLTP chưa đầy đủ, không thuận tiện cho việc tra cứu thông tin, xác nhận đương nhiên được xóa án tích nên khi người yêu cầu cấp Phiếu LLTP có án tích thì các cơ quan có liên quan phải mất nhiều thời gian, công sức, phải phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm để xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích.
Không những thế, việc xác minh điều kiện cũng đòi hỏi cán bộ làm công tác này phải có trình độ nghiệp vụ chuyên sâu về pháp luật hình sự và pháp luật về LLTP, trong khi đội ngũ cán bộ làm công tác LLTP tại các Sở Tư pháp còn thiếu về số lượng, kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ.
Vì vậy, thời gian tới, các chuyên gia kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật LLTP như: Trong trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu LLTP có án tích và đã đủ thời gian đương nhiên xóa án tích, sửa đổi theo hướng kéo dài thời gian xác minh đối với các trường hợp đương nhiên xóa án tích để các cơ quan đủ thời gian phối hợp xác minh và cung cấp thông tin về án tích.
Chủ động rà soát, cập nhật thông tin về điều kiện đương nhiên được xóa án tích của người đã bị kết án vào cơ sở dữ liệu LLTP. Xây dựng một hệ thống LLTP đầy đủ, hoàn thiện thuận tiện cho việc tra cứu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác LLTP, áp dụng các phương thức cấp phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính, cấp phiếu trực tuyến, đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời hạn cấp phiếu LLTP, tạo thuận lợi nhất cho cá nhân, cơ quan, tổ chức…