Ở các tỉnh, thành ven biển, tình trạng tàu cá càng ra khơi nhiều càng lỗ nặng, có thể bắt gặp ở bất cứ đâu. Cùng với việc phải chấp hành các quy định về đánh bắt hải sản theo tiêu chuẩn chung của thế giới; thì việc khống chế số lượng tàu cá nhất định, chuyển đổi sinh kế cho những ngư dân chuyển nghề; là việc buộc phải làm.
Theo báo cáo của Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trong Hội nghị triển khai kế hoạch "Giảm khai thác, tăng cường quản lý tàu cá và thúc đẩy nuôi trồng thủy sản, tạo sinh kế cho ngư dân" vừa tổ chức; thì theo Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, đến năm 2030, cả nước còn khoảng 83.600 tàu cá. Có nghĩa là số lượng tàu cá sẽ phải giảm đi rất nhiều so với hiện nay.
Thực hiện mục tiêu này, 28 tỉnh, thành ven biển đã nghiêm túc thực hiện chính sách tạm dừng chấp thuận cho đóng mới, hoán cải, thuê, mua tàu cá; không bổ sung các nghề khai thác hải sản có ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi thủy sản. Các địa phương đã xây dựng tiêu chí đặc thù hạn chế phát triển nghề lưới kéo; cắt giảm những tàu cá làm nghề lưới kéo có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, tàu cá tuổi thọ 15 năm trở lên… Số lượng tàu cá toàn quốc đã giảm trung bình 0,6%/năm. Thời gian qua, có 12/28 địa phương ven biển có số tàu cá giảm dần như: Quảng Bình, Đà Nẵng, Phú Yên, Quảng Trị, Cà Mau…
Tuy nhiên, số lượng tàu cá cần cắt giảm vẫn chưa đạt yêu cầu và số lượng tàu cá được chuyển đổi nghề còn rất thấp. Theo đánh giá của Cục Thủy sản, một số mô hình chuyển đổi nghề đã được triển khai thực hiện nhưng đạt hiệu quả chưa cao, thậm chí có mô hình đã thất bại sau một thời gian thí điểm.
Nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên, chủ yếu là phương thức chuyển đổi nghề, cơ chế, chính sách của một số địa phương chưa đầy đủ, chưa phù hợp thực tiễn, dẫn đến hiệu quả chuyển đổi nghề trong khai thác hải sản, đặc biệt các nghề khai thác ven bờ, triển khai còn chậm. Ở một số địa phương, số tàu dư thừa ở vùng bờ, nhưng lại thiếu ở vùng khơi, cũng là yếu tố gây khó.
Dẫn ra các số liệu và thực tế như trên, để thấy con đường chuyển đổi sinh kế cho ngư dân còn rất nhiều khó khăn. Nhưng chúng ta buộc phải làm, vì số lượng tàu khai thác thủy sản hiện quá lớn, tác động nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản; nếu quản lý tàu cá, khai thác thủy sản không hợp lý thì nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm, đời sống ngư dân ngày càng khó khăn.
Chuyển đổi nghề, tạo sinh kế bền vững cho ngư dân ven biển là chủ trương lớn, cần nhiều nguồn vốn đầu tư. Nhưng không chỉ là tiền, mà điều quan trọng là cần mô hình phù hợp, sinh kế bền lâu. Đó có thể là phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển; bảo tồn biển, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản; dịch vụ trong và xung quanh khu bảo tồn biển; bảo tồn biển gắn với du lịch khám phá, trải nghiệm... Với hơn 3.260km bờ biển, hàng triệu ngư dân, chúng ta rất cần thiết sớm có những nghiên cứu, đánh giá, tổng kết kinh nghiệm; chính thức có các cơ chế, giải pháp tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề.