Ảnh minh họa |
"Chảy máu" vàng
Hiện tại, theo Thông tư 184/2010/TT-BTC (TT 184) của Bộ Tài chính, vàng nguyên liệu (chưa qua chế biến) có hàm lượng dưới 99,99%; vàng trang sức, mỹ nghệ trên 1 ounce và có hàm lượng trên 99% phải chịu thuế suất XK là 10%, các loại khác là 0%.
Nếu “đường đường chính chính” xuất vàng nguyên liệu DN sẽ phải chịu thuế suất 10%. Chẳng DN nào chọn cách đó. Vậy nên, chỉ cần giá vàng trong nước thấp hơn giá thế giới khoảng 300.000 đồng/lượng là DN có thể “hô biến” vàng nguyên liệu thành vàng trang sức, mỹ nghệ để thu lợi. …
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch XK đá quý, kim loại quý và sản phẩm tính đến 30/6 đạt 1,203 tỷ USD; riêng tháng 6 xuất tới 806,255 triệu USD, tăng 133% so với tháng trước. Trong 15 ngày đầu tháng 7, kim ngạch XK nhóm hàng này đạt 408,64 triệu USD, tăng gấp 1,5 lần (tương ứng tăng 146 triệu USD) so với 15 ngày cuối tháng 6.2011. Tổng cục Thống kê cũng ước tính con số này trong tháng 7/2011 sẽ đạt 800 triệu USD và lũy kế 7 tháng sẽ đạt 2.004 triệu USD - tăng 31% so với cùng kỳ 2010.
Không phủ nhận XK vàng trang sức, mỹ nghệ góp phần giảm con số nhập siêu, ổn định tỷ giá, song nhà nước đã không thu được một đồng thuế nào…
Siết bằng thuế?
Theo dự thảo sửa đổi TT 184 về thuế XK vàng Bộ Tài chính vừa gửi lấy ý kiến, hàm lượng vàng trang sức, mỹ nghệ thuộc diện phải chịu thuế suất XK là 10%, đã bị hạn xuống còn trên 80%. Điều này có nghĩa thay vì chế tác vàng trang sức có hàm lượng dưới 99% như từ trước đến nay, DN muốn XK không phải mất thuế sẽ phải điều chỉnh hàm lượng xuống còn dưới 80%.
Một nguồn tin từ Bộ Tài chính cho biết, sở dĩ dự thảo hạ hàm lượng vàng để áp thuế 10% căn cứ vào đề xuất của Ngân hàng Nhà nước từ đầu tháng 7. Không phải không có lý do khi các cơ quan QLNN kỳ vọng sẽ hạn chế được hiện tượng biến tướng trong hoạt động XK vàng…
Thế nhưng, theo Hiệp hội Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGTA) đề xuất này là không hợp lý và lý và tiếp tục gây khó khăn cho DN. Trong văn bản gửi Bộ Tài chính, VGTA nhận định: “Nếu áp dụng một chế tài đối với trang sức XK bằng hàm lượng vàng thì các DN có thể sẽ phải “hạ tuổi vàng” để đáp ứng được đòi hỏi của cơ quan quản lý…”. Tuy nhiên, VGTA đặt vấn đề: “Nếu chênh lệch giá trong nước và giá quốc tế vẫn có lợi, thì DN sẽ sẵn sàng hạ tuổi vàng xuống dưới 80% theo quy định để có thể XK. Nếu như vậy, liệu quý bộ (Bộ Tài chính - PV) có tiếp tục theo đuổi giải pháp này không?”.
VGTA cũng cho rằng để đáp ứng yêu cầu về hàm lượng, DN sẽ buộc phải "hạ tuổi vàng" và hệ quả là chi phí mà DN bỏ ra sẽ tăng cao, hao hụt trong sản xuất lớn, gây tốn kém cho của cải xã hội. VGTA cũng đưa ra cảnh báo: “Nếu chênh lệch giá XK không đủ để trang trải chi phí, thì việc XK qua đường chính ngạch không thực hiện được. Và như vậy, vô hình chung lại tạo điều kiện cho hoạt động XK lậu…"
“Không thể phủ nhận là các DN đang lợi dụng các quy định hiện hành để lách thuế. Tuy nhiên nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là gì?” - một chuyên gia bình luận. Theo vị chuyên gia này, rõ ràng là chính sách quản lý thị trường vàng của ta hiện còn nhiều điểm bất cập và sự phối hợp giữa các bộ, ngành không đồng bộ.
“Đơn cử như Dự thảo sửa đổi Nghị định 174 về kinh doanh vàng, người dân nháo nhào vì thông tin xóa bỏ kinh doanh vàng miếng, người thì bán tháo, người chẳng dám mua vào, rốt cục đến dự thảo cuối cùng trình lên thì “đâu lại vào đấy”, chỉ cấm kinh doanh vàng miếng ở những nơi không được phép, như thế khác nào cấm như không? Mà dậm dạp mãi, đến bây giờ nghị định mới đã ra đâu?”- chủ một của hàng kinh doanh vàng lên tiếng.
Theo ông Trần Trọng Quốc Khanh, Giám đốc Trung tâm Vàng ACB, khi ban hành TT184, Bộ Tài chính nhắm tới chủ trương hạn chế XK vàng, tức là muốn giữ vàng lại, mà muốn giữ vàng cần phải chuẩn bị một cơ chế sử dụng vàng. Tuy nhiên, Thông tư 11/2011/TT-NHNN của NHNN lại quy định chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng tại các ngân hàng. Hai văn bản pháp lý này kết hợp lại vẫn chưa xác định được sẽ làm gì với số vàng dự trữ còn lớn trong người dân.
“Thuyền nổi thì nước nổi”, với quy định vàng trang sức, mỹ nghệ trên 1 ounce và có hàm lượng trên 99% phải chịu thuế suất XK 10%, DN đã “lách”, nay hạ hàm lượng xuống, chẳng lẽ DN ngồi yên chiụ thuế? Chưa kể DN sẽ phải mất chi phí gia công gấp hàng chục lần và có độ hao phí vàng rất lớn để giảm hàm lượng. Và một khi chênh lệch giá XK không đủ để trang trải chi phí, thay vì XK qua đường chính ngạch, hoạt động XK vàng lậu sẽ thay thế…
“Tạm thời không điều chỉnh hàm lượng vàng trong sản phẩm vàng trang sức đã quy định tại TT 184. Sau khi Nghị định về quản lý thị trường vàng được chính thức ban hành, Bộ Tài chính cần phối hợp với các cơ quan hữu quan và hiệp hội ngành nghề để ban hành các quy định phù hợp với điều kiện SXKD vàng ở Việt Nam và thông lệ quốc tế…”, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI kiến nghị.
Thanh Thanh