Nhằm hỗ trợ cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, đặc biệt là các hoạt động thanh toán qua Ví điện tử, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang soạn thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán. Trong đó Dự thảo đề xuất hạn mức giao dịch (bao gồm giao dịch chuyển tiền từ Ví sang Ví và giao dịch thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ) tối đa là 20 triệu đồng/ngày, 100 triệu đồng/tháng đối với Ví cá nhân; và 100 triệu đồng/ngày, 500 triệu đồng/tháng đối với Ví tổ chức. Dự thảo cũng quy định mỗi tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử chỉ được phép mở một Ví điện tử cho mỗi khách hàng có nhu cầu dùng Ví.
Từ góc độ của người dùng Ví, nhiều ý kiến quan ngại rằng, những quy định này thực chất lại tạo ra nhiều trở ngại khi sử dụng các dịch vụ thanh toán bằng Ví điện tử.
Hạn mức giao dịch Ví điện tử sẽ hạn chế khả năng chi tiêu chính đáng của người dân
Với xu hướng thanh toán trực tuyến hiện nay, giá trị nhiều mặt hàng trên các trang thương mại điện tử như điện thoại, TV, tủ lạnh… hay các giao dịch trực tuyến như mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn, đặt tour du lịch… đã có giá trị tới hàng chục triệu đồng.
Vì vậy, việc đưa ra các hạn mức đối với Ví điện tử sẽ phần nào đẩy người tiêu dùng vào tình thế khó khăn trong việc sử dụng Ví điện tử để thanh toán các giao dịch thương mại điện tử với giá trị tương đối lớn nói trên. Kể cả khi không áp dụng hạn mức giao dịch theo ngày thì hạn mức 100 triệu đồng / tháng như đề xuất tại Dự thảo cũng gây ra những hạn chế và phiền toái không đáng có cho người sử dụng của phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đang ngày càng trở nên phổ biến này.
Việc áp đặt hạn mức giao dịch Ví điện tử làm hạn chế nhu cầu chi tiêu chính đáng của người tiêu dùng, cũng như cản trở việc doanh nghiệp Ví điện tử cung cấp, mở rộng dịch vụ cho khách hàng.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, người tiêu dùng có quyền tự định đoạt đối với nhu cầu sử dụng tài sản hợp pháp của mình nếu họ có khả năng và nhu cầu chi tiêu cao hơn hạn mức được đề xuất trong Dự thảo hiện nay. Bởi theo như phát biểu tại Hội thảo góp ý Dự thảo do Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức trong tháng 5/2019, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban pháp chế VCCI từng cho rằng, cần đảm bảo quản lý nhà nước nhưng không được tạo ra rào cản đối với sự phát triển nói chung.
Hiện nay không có quy định hay chính sách nào của Chính phủ giới hạn Ví điện tử chỉ phục vụ thanh toán các giao dịch nhỏ, lẻ. |
Siết hạn mức giao dịch có đi ngược với chính sách?
Theo giải trình của NHNN về nội dung Dự thảo, việc áp dụng hạn mức giao dịch đối với Ví điện tử nhằm giảm thiểu rủi ro trong việc lợi dụng Ví điện tử để rửa tiền, thực hiện các hoạt động bất hợp pháp, và cũng phù hợp với mục đích sử dụng dịch vụ Ví điện tử là phục vụ thanh toán các giao dịch nhỏ, lẻ.
Tuy nhiên, hiện nay không có quy định hay chính sách nào của Chính phủ giới hạn Ví điện tử chỉ phục vụ thanh toán các giao dịch nhỏ, lẻ. Tại bản “Góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán của VCCI” có nêu “Cơ quan soạn thảo lý giải quy định này nhằm “giảm thiểu rủi ro về lợi dụng Ví điện tử để rửa tiền, thực hiện các hoạt động bất hợp pháp, phù hợp với mục đích sử dụng dịch vụ Ví điện tử là phục vụ thanh toán các giao dịch nhỏ, lẻ”. Dù vậy, các giải trình không nêu rõ thực tiễn đã có trường hợp nào thực hiện hành vi rửa tiền, hoạt động bất hợp pháp qua Ví điện tử với giá trị giao dịch lớn, vượt hạn mức được nêu trong dự thảo.
Ví dụ, theo thông tin từ các cơ quan tố tụng của Việt Nam, trong 20 năm qua mới chỉ có 2 vụ án rửa tiền được ghi nhận và chưa rõ mối quan hệ của các vụ việc này với các giao dịch vượt quá hạn mức qua Ví điện tử. Hơn nữa, giải trình này cũng không rõ vì sao lại đưa ra chủ trương chính sách là “mục đích sử dụng dịch vụ Ví điện tử là phục vụ thanh toán các giao dịch nhỏ, lẻ”.
Vì vậy, có thể nói, việc áp đặt hạn mức giao dịch cho ví điện tử chưa phù hợp với định hướng của Chính phủ nhằm xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích thanh toán điện tử, đa dạng hóa phương thức thanh toán trong thương mại điện tử, thúc đẩy việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt theo Quyết định 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020.
Mỗi khách chỉ một ví: chưa phù hợp thực tiễn
Theo quy định tại Khoản 6a Điều 9 trong Dự thảo, tổ chức cung ứng Ví điện tử không được phép phát hành hơn 1 Ví điện tử cho 1 khách hàng tại 1 tổ chức cung ứng dịch vụ.
Giải trình của NHNN về Dự thảo cho biết, việc hạn chế số Ví điện tử cho 1 khách hàng tại 1 tổ chức cung ứng dịch vụ là nhằm tránh lãng phí, ngăn ngừa tình trạng khách hàng mở Ví tràn lan, dẫn đến dùng Ví không thực chất. Bên cạnh đó, quy định này cũng được cho là sẽ giúp ngăn chặn hành vi mở nhiều Ví điện tử để thực hiện các hành vi rửa tiền, bất hợp pháp.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tiễn hoạt động ngân hàng, pháp luật không hạn chế một khách hàng được mở nhiều tài khoản tại các ngân hàng khác nhau, hay thậm chí cùng một ngân hàng. Nếu Dự thảo Thông tư đã yêu cầu Ví điện tử liên kết với tài khoản ngân hàng việc hạn chế số Ví của một khách hàng tại một tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử sẽ tạo hạn chế không hợp lý và không cần thiết. Khách hàng hoàn toàn có thể có nhiều tài khoản ngân hàng và dùng tài khoản của mình để mở Ví và quản lý chi phí cho người thân (bố mẹ, con cái, v.v.) phục vụ việc chi tiêu, mua sắm hàng hóa và dịch vụ.
Hiện nay, Dự thảo Thông tư đã yêu cầu tổ chức cung ứng Ví điện tử thu thập thông tin khách hàng mở Ví và xác thực thông tin này. Hơn nữa, Dự thảo cũng đã yêu cầu Ví điện tử phải kết nối với tài khoản ngân hàng, và việc nạp tiền vào Ví điện tử phải thực hiện thông qua tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ của khách hàng tại ngân hàng hoặc thông qua nhận tiền từ Ví điện tử khác do cùng tổ chức cung ứng Ví điện tử mở.
Vì vậy, việc phát hành nhiều Ví cho một khách vẫn đảm bảo nhận diện được chủ Ví và kiểm soát rủi ro rửa tiền chặt chẽ do các Ví vẫn gắn với tài khoản thanh toán tại ngân hàng. Hơn nữa, bản thân các tổ chức cung cấp Ví điện tử vẫn phải tuân thủ các quy định hiện hành về phòng, chống rửa tiền (ví dụ nhận biết khách hàng, theo dõi giao dịch đáng ngờ, chế độ báo cáo, giám sát)…