Theo Bộ Tài chính, thời gian gần đây, tiến độ CPH, thoái vốn có dấu hiệu chậm lại, không đạt kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Một trong các nguyên nhân đầu tiên được nhắc đến là doanh nghiệp CPH, thoái vốn có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, đa ngành, đa lĩnh vực, nhiều tài sản chuyên ngành, khó xác định giá trị nên việc xử lý tài chính tài sản, nợ, xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị phần vốn nhà nước và công tác chuẩn bị hồ sơ, phương án cần nhiều thời gian; có một số đơn vị vi phạm quy định về quản lý vốn, tài sản đang thực hiện thanh tra, kiểm tra, điều tra...
Thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc kịp thời khắc phục vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp nhà nước, trong đó CPH, thoái vốn, hiện Bộ Tài chính đang rà soát, xây dựng báo cáo để trình cấp có thẩm quyền về việc sửa đổi các Nghị định 126/2017/NĐ-CP, Nghị định 91/2015/NĐ-CP, Nghị định 32/2018/NĐ-CP và Nghị định 140/2020/NĐ-CP trong năm 2022.
Liên quan đến việc tách quá trình sắp xếp, xử lý nhà đất ra khỏi quá trình CPH, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Nghị định 126/2017/NĐ-CP, Nghị định 140/2020/NĐ-CP, căn cứ phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, phương án sử dụng đất (SDĐ) theo quy định đối với các công ty nông, lâm nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước phải lập phương án SDĐ để báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu gửi lấy ý kiến UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc TW trước khi quyết định phê duyệt phương án SDĐ khi CPH.
Tuy nhiên, việc phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý nhà đất thời gian qua rất chậm. Nguyên nhân do nguồn gốc hình thành và việc sử dụng nhà, đất của các doanh nghiệp nhà nước phức tạp; công tác quản lý nhà, đất chưa chặt chẽ. Bên cạnh đó, nguyên nhân chính là do có cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về yêu cầu của công tác thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất là công việc thường xuyên, liên tục theo quy định của pháp luật đất đai, pháp luật quản lý tài sản công, không phải chỉ diễn ra khi thực hiện CPH, chỉ phục vụ cho công tác chuyển đổi loại hình DN.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đang nghiên cứu sửa đổi quy định này theo hướng tách quá trình sắp xếp, xử lý nhà đất ra khỏi quá trình CPH, bỏ quy định về điều kiện CPH là doanh nghiệp CPH phải có phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Về việc tính giá trị quyền SDĐ vào giá trị doanh nghiệp khi CPH, Bộ Tài chính cho biết đang nghiên cứu sửa đổi quy định này theo hướng chỉ xác định giá trị quyền SDĐ vào giá trị doanh nghiệp khi CPH đối với diện tích đất được giao hoặc đất đã trúng đấu giá để thực hiện kinh doanh bất động sản của các doanh nghiệp nhà nước có ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản và một số trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Giá đất để xác định giá trị quyền SDĐ vào giá trị doanh nghiệp CPH là giá đất cụ thể tại vị trí doanh nghiệp có diện tích đất được giao do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW (nơi doanh nghiệp có diện tích đất được giao) quyết định theo quy định tại khoản 3 và điểm d khoản 4 Điều 114 của Luật Đất đai.
Đối với doanh nghiệp nhà nước còn lại, khi CPH thực hiện chuyển sang hình thức thuê đất trả tiền hàng năm và không tính giá trị quyền SDĐ vào giá trị doanh nghiệp.