Công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước. Các sản phẩm, dịch vụ của ngành công nghiệp văn hóa đã góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và quảng bá hình ảnh Việt Nam với thế giới. Các ngành công nghiệp văn hoá có tỷ lệ giá trị gia tăng cao hơn so với chi phí sản xuất, góp phần tiết kiệm tài nguyên, phát huy và kết hợp được các yếu tố tự nhiên, văn hóa, bản sắc dân tộc và đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (sau đây gọi tắt là Hội nghị).
Lễ hội thiết kết sáng tạo Hà Nội 2023 được đánh giá thành công góp phần phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (ảnh P.V) |
Sáng 19/12, thông tin với báo giới về Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy khẳng định: Đây là Hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Tại Hội nghị, Bộ VHTT&DL sẽ báo cáo về tình hình triển khai, thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, có nhiều nội dung quan trọng, được quan tâm như đánh giá thực trạng phát triển của từng lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp văn hóa; những mô hình, cách làm hiệu quả, sáng tạo; nêu những rào cản, thách thức và đề xuất phương hướng, giải pháp và các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa…
Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng cho biết, Ban tổ chức đã nhận được tham luận của 7 bộ ngành, 63 tỉnh thành đề cập đến các vấn đề quản lý văn hóa trong lĩnh vực của mình. Đặc biệt, những địa phương tiêu biểu về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, hoặc 15 chuyên gia cũng có báo cáo tham luận tại Hội nghị.
Tại Hội nghị, bên cạnh bức tranh toàn cảnh về sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa trong những năm qua, sẽ có những con số đánh giá thực trạng phát triển của từng lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp văn hóa gồm điện ảnh; du lịch văn hóa; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; quảng cáo; kiến trúc; thiết kế; xuất bản; thời trang; truyền hình và phát thanh; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ.
Trên cơ sở kết quả Hội nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ có chỉ đạo, định hướng phát triển có trọng tâm, trọng điểm các ngành công nghiệp văn hóa, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố có các giải pháp và cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Việt Nam.
Dự kiến 150-200 đại biểu tham dự hội nghị theo hình thức trực tiếp.