Án lệ số 07/2016/AL về công nhận hợp đồng mua bán nhà được xác lập trước ngày 01/7/1991. Án lệ này được phát triển từ Quyết định giám đốc thẩm số 126/2013/DS/GĐT ngày 23/9/2013 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao về vụ án dân sự “Tranh chấp quyền sở hữu, sử dụng nhà”.
Nội dung của án lệ này đề cập đến trường hợp Hợp đồng mua bán nhà được thành lập bằng văn bản trước ngày 01/7/1991, có chữ ký của bên bán, ghi rõ bên bán đã nhận đủ tiền, bên mua chưa ký tên trên hợp đồng nhưng là người giữ hợp đồng và đã quản lý, sử dụng nhà ở ổn định trong thời gian dài mà bên bán không có tranh chấp đòi tiền mua nhà.
Đây là tình huống tương đối phổ biến trong thực tiễn. Thực tế, một số tòa án khi xét xử căn cứ vào bên mua chưa ký tên vào văn bản mua bán nhà để không công nhận hợp đồng mua bán nhà. Việc nhận định như vậy là chưa bảo đảm quyền lợi cho bên mua. Vì vậy, án lệ này đã đưa ra giải pháp pháp lý để các tòa án nhận thức thống nhất trong xét xử đó là trong trường hợp này, hợp đồng có giá trị xác định bên mua đã trả đủ tiền cho bên bán và ý chí của bên mua đồng ý với hợp đồng mua bán nhà đó, hợp đồng mua bán nhà dược công nhận.
Án lệ số 08/2016 về xác định lãi suất, việc điều chỉnh lãi suất, việc điều chỉnh lãi suất trong hợp đồng tín dụng kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm. Án lệ này được phát triển từ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao về vụ án kinh doanh, thương mại “Tranh chấp về hợp đồng tín dụng”.
Án lệ số 09/2016 về xác định lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường và việc trả lãi trên số tiền vi phạm, bồi thường thiệt hại. Án lệ này được phát triển từ quyết định Giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao về vụ án kinh doanh, thương mại “Tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa”.
Án lệ số 10/2016 về quyết định hành chính là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính. Án lệ này được phát triển từ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao về vụ án hành chính “Khiếu kiện quyết định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất”.
Việc áp dụng án lệ ngoài ý nghĩa giải quyết một vụ án cụ thể còn thiết lập ra một tiền lệ để xử những vụ án tương tự sau này, do đó, sẽ tạo bình đẳng trong việc xét xử các vụ án giống nhau, giúp tiên lượng được kết quả của các vụ tranh chấp, tiết kiệm công sức của các thẩm phán, người tham gia tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng, tạo sự công bằng trong xã hội.
Án lệ là khuôn thước để các thẩm phán tuân theo vì được đúc kết và có chọn lọc, tránh chuyện mỗi người nhìn nhận, đánh giá vấn đề một kiểu. Hơn nữa, việc áp dụng án lệ còn giúp các đơn vị khi đàm phán, soạn thảo và ký hết hợp đồng giao dịch dân sự, thương mại biết phòng tránh rủi ro.