Thứ nhất, bảo đảm vị trí, vai trò của Bộ luật Dân sự (BLDS) là luật chung, tạo nền tảng pháp lý ổn định, nhất quán cho hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự, trong đó có các nội dung:
Bộ luật quy định các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là bảo đảm mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử vì bất kỳ lý do gì, được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản; cá nhân, pháp nhân được tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận, thiện chí, trung thực, tôn trọng lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác trong xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự; và tự chịu trách nhiệm dân sự.
Các luật khác có liên quan khi điều chỉnh quan hệ dân sự cụ thể phải bảo đảm các nguyên tắc trên. Trường hợp luật khác có liên quan vi phạm các nguyên tắc cơ bản này thì quy định của BLDS được áp dụng.
Bộ luật xây dựng cơ chế pháp lý đầy đủ, cụ thể hơn về công nhận, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự theo hướng người dân và doanh nghiệp được tự do ý chí trong việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quan hệ dân sự cũng như trong việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp trong quan hệ dân sự (hòa giải ngoài tố tụng, tố tụng tòa án, tố tụng trọng tài, hoặc trường hợp có luật định thì có thể giải quyết theo thủ tục hành chính).
Quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Trong giải quyết vụ, việc dân sự, Tòa án chỉ được áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu hưởng quyền, thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự khi có yêu cầu của một bên hoặc các bên đương sự. Quyết định giải quyết vụ việc theo thủ tục hành chính có thể được xem xét lại tại Tòa án và Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.
Bộ luật tập trung quy định những vấn đề cơ bản nhất, chung nhất, ổn định nhất có liên quan đến tất cả các lĩnh vực thuộc đời sống dân sự, nhất là những nguyên tắc, nội dung pháp lý về chủ thể quan hệ pháp luật dân sự, tài sản, giao dịch dân sự, đại diện, thời hiệu, quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản, nghĩa vụ theo hợp đồng và ngoài hợp đồng, thừa kế, pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước.
Trên cơ sở đó, bên cạnh xây dựng chuẩn mực ứng xử pháp lý cho các chủ thể quan hệ dân sự, tạo căn cứ pháp lý cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự thì cũng còn để định hướng cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội đặc thù.
Bộ luật quy định những căn cứ pháp lý, công cụ pháp lý để giải quyết quan hệ dân sự trong trường hợp không có quy định của luật. Đặc biệt, để phát huy vai trò của Toà án trong bảo vệ công lý, kịp thời thực hiện, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền của các chủ thể kinh doanh, bảo đảm sự ổn định của các quan hệ dân sự và các quan hệ xã hội khác có liên quan.
Bộ luật quy định, Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Để Tòa án thực hiện nhiệm vụ này, bên cạnh tập quán, áp dụng tương tự pháp luật, Bộ luật và Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2016) bổ sung quy định về việc Tòa án có thể vận dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng để giải quyết vụ việc dân sự khi không có quy định của pháp luật hoặc quy định của pháp luật không rõ ràng.
Những quy định nêu trên của Bộ luật có ý nghĩa quan trọng không chỉ góp phần bảo đảm sự ổn định, nhất quán trong quy định của Bộ luật mà còn để bảo đảm đáp ứng những yêu cầu điều chỉnh đa dạng các quan hệ dân sự, hạn chế đến mức tối đa hành chính hóa, hình sự hóa các quan hệ dân sự và sự can thiệp của cơ quan công quyền vào các quan hệ dân sự.