Tại thị trường vàng trong nước, giao dịch lúc 8h sáng nay:
Giá vàng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - chi nhánh Hà Nội được niêm yết ở mức 66,40-67,22 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giảm 100.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua-bán vàng là 820.000 đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng SJC của Tập đoàn Phú Quý đang ở mức 66,40-67,20 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giữ nguyên mức giá chiều mua vào và giảm 100.000 đồng/lượng chiều bán ra so với phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua – bán vàng là 800.000 đồng/lượng.
Còn tại Tập đoàn DOJI, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 66,10-67,10 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giảm 100.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua – bán vàng là 1 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường vàng thế giới (cùng giờ Việt Nam): giá vàng được niêm yết ở mức 1.870,80 USD/ounce, giảm 8,4 USD/ounce so với phiên giao dịch sáng qua. Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank (23.270), tương đương 53,03 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước 14,19 triệu đồng/lượng.
Giá vàng đã tăng nhẹ vào thứ Hai, sau đó quay đầu giảm vào phiên giao dịch sáng nay (theo giờ Việt Nam), do đồng đô la phục hồi cùng lợi suất.
Tuy nhiên, các nhà giao dịch vẫn xem vàng như một tài sản trú ẩn an toàn để mua vào. Các nhà phân tích nhận định, những lo ngại về sự suy thoái kinh tế có thể sẽ giữ cho nhu cầu vàng tiếp tục tăng trong năm nay, mức tăng dự kiến khoảng 14% trong năm 2023 và mục tiêu giá vàng cuối năm là 2.070 USD/ounce.
Theo dữ liệu của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), động lực cần chú ý của nhà đầu tư trong thời gian tới là hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương sau khi đã thực hiện mua 1.136 tấn trong năm qua - mức cao nhất kể từ năm 1967.
Các thị trường, trong đó có vàng hiện đang chờ đợi nhiều tín hiệu kinh tế đến từ cuộc thảo luận của Chủ tịch Fed sắp tới tại Washington D.C.