Nguyên nhân được làm rõ nhưng… không tiện trả lời?
Vừa qua, Báo Pháp luật Việt Nam đã có bài phản ánh về vụ việc mẹ con sản phụ Nguyễn Thị Xuyến (quê xã Liên Hồng, huyện Gia Lộc, Hải Dương) tử vong tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình và thân nhân của sản phụ phản ánh về tình trạng các nhân viên y tế ở đây thờ ơ với yêu cầu của gia đình trong việc cấp cứu sản phụ, dẫn đến cái chết của mẹ con chị Xuyến.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, Bệnh viện Hòa Bình cũng đã có thông cáo báo chí để nói rõ về quá trình nhập viện, diễn tiến bệnh cảnh của sản phụ cho đến khi sản phụ tử vong. Việc xác định nguyên nhân dẫn đến tử vong của sản phụ cần chờ HĐ giám định y khoa của Sở Y tế Hải Dương kết luận.
Theo thông cáo báo chí của Bệnh viện và cuộc trao đổi giữa Giám đốc Nguyễn Hữu Phấn với Báo Pháp luật Việt Nam, thì diễn biến bệnh tình của sản phụ tương đối khớp với tường trình của gia đình sản phụ, đặc biệt là khi sản phụ khó chịu, nôn ói.
Theo đại diện của Bệnh viên Hòa Bình xác nhận, khoảng 11 giờ ngày 3/6/2016, sản phụ đau bụng từng cơn, cổ tử cung mở 7cm, ngôi đầu chúc, ối phồng. Tiếp tục theo dõi đến 11 giờ 45 phút, bệnh nhân đau bụng nhiều, khó chịu nên được chuyển vào phòng đẻ.
Lúc này, cổ tử cung mở 8cm, cơn co tử cung tần số III, tim thai 150 l/phút và sau đó vỡ ối tự nhiên, nước ối xanh bẩn thì sản phụ đột ngột khó thở, nôn, toàn thân tím tái, mạch không bắt được, huyết áp không đo được, tim thai nghe không rõ và đi vào hôn mê.
Bệnh viện đã tổ chức cấp cứu kịp thời liên tục, tập trung các trang thiết bị tối ưu nhất của bệnh viện sẵn có tại khoa Ngoại và các bác sỹ hồi sức, sản khoa tham gia cấp cứu, nhưng bệnh trạng quá nặng nên bệnh nhân tử vong.
Bệnh viện nghĩ nhiều đến tử vong do tắc mạch ối. Với tình trạng bệnh diễn tiến nhanh, Giám đốc Bệnh viện Hòa Bình cho rằng, “có tiến hành mổ thì cũng không cứu được thai nhi”.
Để tìm hiểu rõ hơn về vụ việc cũng như trách nhiệm của các bên liên quan, Báo Pháp luật Việt Nam đã liên hệ với Sở Y tế Hải Dương. Tuy nhiên, rất nhiều lần liên hệ làm việc trực tiếp với Sở Y tế, lãnh đạo Sở đã viện lý do “bận” và “né” trả lời bằng việc hướng dẫn phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam lấy thông tin vụ việc từ… báo khác.
Đến ngày 14/6, sau khi Báo Pháp luật Việt Nam có công văn số 384/PLVN-CQĐD gửi tới Sở Y tế Hải Dương thì Sở này mới có thông báo số 562/SYT-NVY để trả lời về vụ việc trên và theo văn bản của Sở Y tế Hải Dương, mẹ con sản phụ mất vì bệnh tắc mạch ối, một loại bệnh “cấp tính”, diễn tiến nhanh và có đến 90 % ca tử vong nếu gặp phải.
Sở Y tế Hải Dương trả lời về nguyên nhân tử vong của sản phụ |
Đây là hành động cực kỳ khó hiểu từ phía Bệnh viện Hòa Bình và Sở Y tế Hải Dương. Việc các cơ quan chức năng này đã xác định được nguyên nhân tử vong của mẹ con sản phụ, tại sao không sớm thông báo rộng rãi để người dân rõ để loại trừ nguyên nhân đến từ sự tắc trách của đội ngũ nhân viên y tế? Ngay cả sự quan tâm của dư luận cũng được các cơ quan này đáp lại bằng sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm.
“Không phải tại bác sỹ”, nhưng người dân liệu có yên tâm?
Tuy nhiên, điều đáng lưu tâm là trong văn bản gửi Báo Pháp luật Việt Nam, Sở Y tế Hải Dương cũng chưa chắc chắn về nguyên nhân tử vong của mẹ con sản phụ. Theo đó, Hội đồng thẩm định của Sở Y tế mới “nghĩ nhiều đến nguyên nhân tắc mạnh ối” qua các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân. Với cách thức và nội dung câu trả lời này thì đây cũng chưa hẳn đã là kết luận cuối cùng về nguyên nhân tử vong của sản phụ.
Về thái độ của đội ngũ nhân viên y tế mà gia đình bệnh nhân phản ánh, Sở Y tế Hải Dương cũng cho rằng, qua thẩm định hồ sơ và tìm hiểu quá trình diễn biến tại bệnh viện Hội đồng thẩm định nhận xét bệnh viện đã đảm bảo quy trình tiếp đón, chăm sóc bệnh nhân, theo dõi sát quá trình chuyển dạ đẻ. Trên cơ sở dư luận xã hội, Sở Y tế sẽ tiếp tục xem xét khách quan sự việc để xử lý đối với cá nhân tập thể nếu có sai phạm trong quá trình đón tiếp, theo dõi, chăm sóc và xử lý cấp cứu người bệnh.
Sự việc đã tạm lắng xuống vì được biết, Bệnh viện Hòa Bình đã thăm hỏi và hỗ trợ kinh phí cho gia đình đình sản phụ. Có lẽ, đây là cách xử lý hợp lý nhất để sự việc này không trở thành một vụ khủng hoảng nghiêm trọng trong ngành y tế Hải Dương.
Tuy nhiên, cách giải quyết trên của Bệnh viện đa khoa Hòa Bình và Sở Y tế Hải Dương không làm an lòng những người quan tâm đến vụ việc này. Câu hỏi đặt ra là, đến nay chưa thể kết luận chính xác về nguyên nhân tử vong của sản phụ, nhưng nếu những nhân viên y tế của Bệnh viện Hòa Bình thực sự quan tâm đến sự lo lắng của gia đình bệnh nhân tại thời điểm bệnh nhân có biểu hiện khó chịu, đòi đẻ mổ và có những chẩn đoán chính xác cũng như giải pháp cấp cứu kịp thời thì có lẽ, mọi chuyện đã khác./.