Dự án được đánh giá có hiệu quả kinh tế rất cao, song cũng có các ý kiến bày tỏ lo lắng, băn khoăn về tiến độ thu hồi đất, đền bù, tái định cư, dẫn đến khả năng đội vốn trong quá trình thực hiện. Đội vốn, tất nhiên là rõ. Thử hỏi có bao nhiêu phần trăm dự án đầu tư công ở Việt Nam không đội vốn?
Đấy là chưa nói đến việc tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 là 4,779 tỷ USD, tương đương 111.689 tỷ đồng (chưa bao gồm hạng mục 4b là hạng mục xã hội hóa). Tuy vậy, nhiều hạng mục tính toán mới dừng ở mức thiết kế sơ bộ, tất yếu dẫn đến tăng tổng mức đầu tư khi chuẩn xác hóa.
Băn khoăn thứ hai, đề xuất của Chính phủ giao Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam- Công ty cổ phần (ACV) làm chủ đầu tư 3 trong 4 hạng mục đầu tư chính, với lý do ACV là đơn vị có lợi thế kinh nghiệm đầu tư, quản lý hàng không và chủ động nguồn vốn đầu tư; việc vay vốn tổ chức tài chính quốc tế không cần bảo lãnh của Nhà nước, nếu như giao trực tiếp cho ACV không qua đấu thầu, tiết kiệm 1,5 năm để triển khai sớm dự án (!)
Nói thật sòng phẳng, chưa thể khẳng định chỉ có ACV mới có kinh nghiệm trong đầu tư cảng hàng không, còn các đơn vị tư nhân khác thì không có khả năng.
Đúng là ACV là DN đang có kinh nghiệm và lợi thế nhiều nhất trong số doanh nghệp trong nước, họ đang quản lý, khai thác các sân bay trên cả nước (trừ Vân Đồn và Nhà ga sân bay quốc tế Cam Ranh) nhưng kinh nghiệm Sun Group đầu tư Cảng Hàng không Vân Đồn cho thấy các đơn vị “truyền thống” chưa chắc đã mạnh.
Về phương án huy động vốn, nếu chỉ giao ACV chưa chắc là phương án huy động vốn tốt nhất, vì thủ tục phức tạp, nếu xảy ra rủi ro thì Nhà nước vẫn phải đứng ra bảo đảm, chồng lên công nợ. ACV chỉ mới cổ phần 5% thôi, 95% vẫn là Nhà nước (tức là tài sản của dân).
Bộ trưởng GTVT cam kết trước Quốc hội sẽ cố gắng tối đa để đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án. Ông thiết tha nhanh chóng chọn được nhà đầu tư để họ có phương án khởi công, xây dựng công trình vào năm 2021. Không có dự án nào, Bộ trưởng GTVT qua các thời kỳ không “cam kết”, ngay dự án 13 km đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, cam kết rất nhiều đấy chứ?
Đúng là “siêu dự án” Sân bay Long Thành đang đứng giữa các “nghịch lý”: Muốn “khởi công” ngay nhằm giải tỏa ách tắc cho Tân Sơn Nhất, nhưng “mổ xẻ” ra thì vô cùng chưa ổn. Càng bàn sâu, tổng dự toán càng thay đổi, bất lợi cho “bài toán” đầu tư.
Thêm một “sự kiện” đáng chú ý: Tuần này (19/11) sẽ thảo luận ở Hội trường về Luật đầu tư PPP. Điều này cho thấy, “khung luật pháp” chúng ta đang xây dựng, việc huy động tư nhân tham gia vào dự án Sân bay Long Thành đang ở trong hoàn cảnh “vừa làm vừa xếp hàng”. Hy vọng dự án “đầu xuôi đuôi lọt” như hy vọng.