Dấu xưa “Gia Định thành, Sài Gòn phố”
Khi nhìn đô thị phồn hoa lấp lánh ánh sáng cả đêm lẫn ngày, thật khó mà hình dung, vùng đất hơn 300 năm trước vốn còn rất hoang sơ, bùn lầy đã ghi dấu chân của những người khai khẩn đầu tiên. Nhà văn - nhà Nam bộ học Sơn Nam từng viết: “Di dân khẩn hoang gặp nhiều khó khăn ở vùng đất mới với bùn lầy nước đọng, muỗi mòng rắn rết... nhưng không sờn lòng, vì dù sao thú dữ trước mặt cũng không ác bằng quan lại, vua chúa nơi quê nhà”.
Sách “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức viết, từ hơn 300 năm về trước, lưu dân từ miền Trung, trong hành trình tiến vào Nam để mở cõi, dừng chân ở khu Bến Nghé khai hoang đã chọn những khu vực có điền thổ cao, rộng, thoáng, dọc các tuyến sông, đường rạch để mà dựng nhà, lập ấp. Các địa danh này vẫn còn tồn tại đến ngày nay, rất quen thuộc với người dân như Chợ Quán, Gò Cây Mai, Bà Chiểu, Gò Vấp, Hóc Môn, Gò Dưa... Ngày ấy, vùng đất này kinh rạch chằng chịt, lưu dân nương tựa vào sông nước mà mưu sinh, buôn bán, từ đó mà hình thành nên nếp sống, nếp làm ăn “trên bến dưới thuyền”.
Một trong những công trình trọng yếu thời Pháp là Sở dây thép Sài Gòn, nay là Bưu điện TP Hồ Chí Minh. (Ảnh VNE). |
Thời Pháp thuộc, thương cảng Sài Gòn phát triển rực rỡ, Sài Gòn trở thành cửa ngõ thông thương với nước ngoài. Từ hệ thống kênh rạch dày đặc, người ta vận chuyển nông sản, hàng hóa từ Đồng bằng sông Cửu Long lên Sài Gòn rồi thông qua cửa ngõ này mà đi khắp thế giới. Để đến nay, dù qua bao cuộc bể dâu, dấu ấn còn lại của thương cảng huy hoàng năm xưa là bến Bạch Đằng với những chiếc du thuyền lộng lẫy, xe bus đường sông chở du khách đi muôn nơi, hay bến Bình Đông bên dòng kinh Tàu Hủ, nơi những con thuyền buôn vẫn thi thoảng ghé đến - rời đi…
Vùng đất Bà Chiểu có một di tích quan trọng của Gia Định - Sài Gòn xưa kia, đó là lăng thờ ngôi mộ đôi của Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt - Tổng trấn thành Gia Định lúc xưa, người có công lớn trong công cuộc xây dựng phát triển đô thành, bình ổn đời sống, bảo vệ lưu dân và vợ ông là bà Đỗ Thị Phận, được xây cất gần 200 năm trước, nay còn được biết tên với tên gọi thân thương Lăng Ông Bà Chiểu, đã được công nhận Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Sài Gòn - Gia Định còn nhiều “chứng nhân” của thời Pháp như Sở dây thép Sài Gòn (nay là Bưu điện thành phố); Dinh Toàn quyền Đông Dương (nay là Hội trường Thống Nhất); Nhà ga xe lửa Sài Gòn, Nhà thờ Đức bà, Nhà hát lớn, Chợ Bến Thành, Hồ Con Rùa… vẫn còn đến hôm nay. Sau ngày giải phóng đất nước 30/4/1975, Sài Gòn - Gia Định đã bước sang trang sử mới, hành trình mới với cái tên mang ý nghĩa thiêng liêng: Thành phố Hồ Chí Minh.
Đủ bao dung cho tất cả phận đời
Cảnh "trên bến dưới thuyền" tấp nập của thương cảng Sài Gòn (Nguồn: Sách "Sài Gòn chợ lớn ký ức đô thị và con người", tác giả Nguyễn Đức Hiệp trích ảnh Émile Gsell (1838-1879). |
Nói đến Sài Gòn - Gia Định, một “đặc sản bản địa” không thể không nhắc đến, đó chính là lối sống, là cá tính độc đáo, hào sảng của cư dân vùng đất này. Cái hào sảng được kế thừa từ thời ông cha mở đất cho tới hôm nay. Người Sài Gòn hồn nhiên tiếp nhận, không phán xét, không dò hỏi, đủ bao dung cho tất cả những phận đời.
Sự hào sảng đã làm nên một Sài Gòn là nơi khởi phát của những “Tiệm cơm 0 đồng”, “Bánh mì 0 đồng”, “Siêu thị 0 đồng”... trong những ngày tháng COVID-19 bùng phát. Là những câu chuyện nhỏ cảm động trong đời thường, như một bình trà đá miễn phí giữa trưa nắng nóng, những chàng trai trẻ dựng “tiệm” sửa xe lưu động ngay bên kia khúc đường ngập nước, lấy thù lao bằng những nụ cười. Hay cô Ba, chú Tám xua tay khi khách ăn uống lỡ đường mà quên mang ví: “Cứ đi đi, có tiền quay lại trả sau, con”...
Ở góc độ nghiên cứu văn hóa, TS Lý Tùng Hiếu, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh - tổng kết thông qua các khảo cứu, thì những tính cách tốt phổ biến của người Sài Gòn - Gia Định xưa là chuộng khí tiết, trọng danh tiết; trọng nghĩa khinh tài; đối với người xa xứ, người gặp nạn thì có lòng nhân ái, bao dung, nghĩa hiệp; không kỳ thị địa phương...
Bến cảng Nhà Rồng (Ảnh: Hanoimoi.vn). |
“Danh mục các tính cách nêu trên có vài điểm tương đồng và có vài khác biệt so với những tính cách của cư dân Bến Nghé - Sài Gòn xưa. Đương nhiên phải thế. Bởi vì đã có nhiều biến thiên từ thời ấy đến nay. Tuy nhiên, tôi nhận thấy người Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh vẫn đang kế thừa và phát huy những tính cách tốt đẹp của cư dân Bến Nghé - Sài Gòn xưa. Bên cạnh đó, môi trường đô thị đa văn hóa, cạnh tranh cao và đổi mới nhanh còn làm hình thành và phát triển những tính cách vừa truyền thống vừa hiện đại của cư dân Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh. Đó là sự cởi mở để thích nghi với một môi trường đô thị đa văn hóa; khả năng đổi mới để thích ứng với sự phát triển đô thị...”, TS Lý Tùng Hiếu phân tích.
Dù qua bao cuộc bể dâu, dấu ấn còn lại của thương cảng huy hoàng năm xưa là bến Bạch Đằng với những chiếc du thuyền lộng lẫy, xe bus đường sông chở du khách đi muôn nơi, hay bến Bình Đông bên dòng kênh Tàu Hủ, nơi những con thuyền buôn vẫn thi thoảng ghé đến - rời đi…