Rước họa từ kính áp tròng làm đẹp

Rước họa từ kính áp tròng làm đẹp
(PLO) - Các bác sĩ khuyến cáo, đeo kính áp tròng không đảm bảo chất lượng, không đúng cách có thể dẫn đến viêm nhiễm, giảm hoặc mất thị lực, thậm chí bị mù lòa.

Chỉ cần gõ từ khóa “kính áp tròng”, trên google lập tức hiển thị hàng trăm cửa hàng bán hàng online với lời quảng cáo kính áp tròng Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ… an toàn, bền, đẹp và rẻ. Theo một bác sĩ làm việc tại phòng khám chuyên về mắt trên phố Lý Thường Kiệt (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội), các cửa hàng bán kính áp tròng trên mạng nhập hàng từ nhiều nguồn nhưng không rõ nguồn gốc xuất xứ và bán với giá rẻ, các loại kính này không đảm bảo.

Chị Lương Minh Huệ, Công ty thương mại quốc tế Hoàng Đức (Hà Nội), chuyên nhập khẩu kính áp tròng từ Mỹ, Nhật Bản, Malaysia và Hàn Quốc về phân phối cho các bệnh viện và hệ thống kinh doanh kính có uy tín cho hay, khi truy cập vào các địa chỉ bán kính áp tròng trên mạng, chị giật mình vì giá quá rẻ. Theo chị Huệ, các cửa hàng rao bán các loại kính áp tròng sử dụng trong 6 tháng và 1 năm, giá chỉ vài chục nghìn đồng đến hơn 100.000 đồng, đều là sản phẩm xách tay, trôi nổi.

Chị N.P.A (ngụ tại Khu đô thị Linh Đàm, Q.Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, chị mua kính áp tròng loại cho người bị cận, màu xanh của một cửa hàng tên M.N. trên mạng, loại dùng 6 tháng, giá cả cặp kính và lọ dung dịch là 300.000 đồng. “Tôi thấy giá khá mềm. Tuy nhiên, chỉ đeo kính được 6 tiếng là tôi phải tháo ra vì mắt bị đỏ”, chị N.P.A nói.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt T.Ư cho biết, gần đây, bệnh viện tiếp nhận một số trường hợp viêm, loét giác mạc do sử dụng kính áp tròng không đảm bảo vệ sinh, gây bội nhiễm. Theo bác sĩ Cương, hiện có 2 loại kính áp tròng là kính thuốc dành cho bệnh nhân có tật khúc xạ (cận, viễn, loạn) và kính áp tròng thời trang. Trong đó, kính áp tròng thời trang thường do các nơi cung cấp tự tìm nguồn hàng, không bắt buộc phải phân phối bởi các đơn vị y tế nên khó kiểm soát chất lượng.

Có thể bị mù lòa

“Việc sử dụng kính áp tròng không đúng, không đảm bảo vệ sinh có thể gây viêm nhiễm, thậm chí giảm, mất thị lực, mù lòa”, bác sĩ Cương khuyến cáo.

Theo bác sĩ Cương, mới đây, bệnh nhân nữ Đ.T.T.T (20 tuổi) phải vào Bệnh viện Mắt T.Ư điều trị trong tình trạng viêm loét giác mạc sau một thời gian sử dụng kính áp tròng. Bệnh nhân T. cho biết, chị không bị tật khúc xạ nhưng do muốn mắt có màu đẹp, long lanh hơn nên tự mua kính áp tròng tại các cửa hàng về dùng, mỗi lần đeo trong khoảng 6 - 8 giờ.

“Có khi đeo kính em có bị bụi vào mắt nhưng không vệ sinh mắt và kính ngay bởi đang đi đường. Sau một vài lần như vậy, em có có biểu hiện khó chịu, nhìn mờ. Trước khi đến bệnh viện, em tự ra nhà thuốc mua thuốc về nhỏ mắt. Sau 3 - 4 ngày dùng thuốc, tình trạng không khá hơn nên em đến Bệnh viện Mắt T.Ư và được kết luận bị loét giác mạc", bệnh nhân T. nói.

Bác sĩ Cương lưu ý, dùng kính áp tròng cần vệ sinh tay, mắt kính (sát trùng, tẩy mỡ), tháo lắp đúng cách, không để gây xây xước giác mạc. Nếu thực hiện không tốt sẽ là cơ hội cho ký sinh trùng xâm nhập. Khi ký sinh trùng xâm nhập vào mắt, chúng tự “vỗ béo” bằng cách ăn những vi khuẩn tồn tại trong những mắt kính áp tròng, gây viêm loét giác mạc, khiến mắt ngứa, rát, nhìn mờ, chói, đau, sưng phù. Ai cũng có nguy cơ nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng gây viêm loét giác mạc nhưng nguy cơ này rất cao ở người dùng kính áp tròng bởi nếu không duy trì vệ sinh nghiêm ngặt thì vi khuẩn trên bề mặt kính sẽ tấn công mắt.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, dung dịch rửa kính phải đảm chất lượng, nếu không sẽ là nơi chứa vi khuẩn. Ngâm mắt kính trong dung dịch này, khi đeo kính, vi khuẩn vào mắt gây viêm. Ngoài ra, đeo kính áp tròng cũng khiến mắt bị thiếu ô xy, gây khô mắt, đau mắt, loét giác mạc, thậm chí giảm thị lực, mù lòa. Kính áp tròng cũng có thể làm cản trở tầm nhìn của mắt, giảm cảm giác ở giác mạc, dễ gây loét giác mạc nếu đeo thường xuyên. Nó cũng có thể là nguyên nhân gây dị ứng, viêm kết mạc, sưng nề mắt.

Theo bác sĩ Cương, trước khi sử dụng kính áp tròng nên được khám và tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa để xác định có thể dùng hoặc không nên dùng kính áp tròng. Luôn rửa sạch tay trước khi đeo kính và nên đeo kính trước khi trang điểm, lấy kính ra trước khi tẩy trang. Không nên đeo kính áp tròng khi trời mưa, khi bơi. Không dùng kính nhiều giờ và cần tháo kính trước khi đi ngủ. Chỉ sử dụng kính có nguồn rốc rõ ràng, được cấp chứng nhận của Bộ Y tế.

Đọc thêm

Thoát 'bụng bia' nhờ giảm cân chuẩn y khoa

Thoát 'bụng bia' nhờ giảm cân chuẩn y khoa
(PLVN) - Trong 3 tháng đầu tiên, Trung tâm Giảm cân BVĐK Tâm Anh đã đón tiếp hơn 1.000 khách hàng, trong đó nhiều nam giới đã không còn “bụng bia” nhờ giảm cân chuẩn y khoa quốc tế.

Những hiểm họa của đèn laser sân khấu với đôi mắt

Ảnh minh họa

(PLVN) - Hiện nay, đèn laser sân khấu ngày càng trở nên phổ biến trong các sự kiện giải trí do tạo hiệu ứng ánh sáng độc đáo. Song nếu tiếp xúc trực tiếp, quá lâu với loại ánh sáng này có thể gây ra những tổn thương, đặc biệt là thị lực.

PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo về virus HMPV

Ảnh minh hoạ: Ngọc Nga
(PLVN) -  “Đây là những loại virus bình thường, không phải loại nguy hiểm vì vậy người dân không nên quá hoang mang. Tuy nhiên, cũng cần chú ý phòng bệnh giống như các bệnh được hô hấp khác”, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho hay.

Ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan, bùng phát dịp Tết

Số ca mắc sởi gia tăng tại nhiều địa phương. (Bệnh nhi điều trị sởi tại Khoa Nhi, BV Thanh Nhàn - Ảnh: Hoài Giang)
(PLVN) - Tết cận kề, nhu cầu đi lại và giao lưu của người dân tăng cao, làm gia tăng nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh. Để đón một cái Tết an lành, việc chủ động phòng ngừa bệnh từ sớm, từ xa không chỉ là trách nhiệm của ngành Y tế mà còn là nghĩa vụ của mỗi người dân.

Tử vong do ngộ độc cá nóc

Tử vong do ngộ độc cá nóc
(PLVN) - Chiều 6/1, UBND xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận xác nhận một vụ ngộ độc nặng do ăn cá nóc xảy ra trên địa bàn, khiến một người tử vong và bốn người khác phải nhập viện điều trị .

Nỗi lo ngại toàn cầu từ Virus HMPV ở Trung Quốc sau 5 năm dịch COVID-19?

Nỗi lo ngại toàn cầu từ Virus HMPV ở Trung Quốc sau 5 năm dịch COVID-19?

(PLVN) - Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc gần đây đã báo cáo sự gia tăng các ca bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, bao gồm cả HMPV, vào mùa đông. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa coi đây là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, nhưng sự gia tăng ca bệnh đã thúc đẩy các cơ quan chức năng tăng cường hệ thống giám sát.