Đó là cô Hà Thị Dung và Hà Thị Kim, giáo viên Trường Tiểu học Tri Lễ 1 (huyện Quế Phong, Nghệ An) xung phong vào khu cách ly cùng học trò, khi dịch COVID-19 xuất hiện tại đây vào đầu tháng 9.
Đó là thầy giáo Hò Văn Lợi, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Ngam La, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang. Sau thời gian công tác ở vùng khó, thầy Hò Văn Lợi đã được điều chuyển về điểm trường chính để dạy học. Thế nhưng, thầy đã có quyết định “ngược đời”, đó là tiếp tục tình nguyện “cắm bản” và mở lớp xoá mù chữ để đem kiến thức, con chữ đến với bà con dân bản, phục vụ cho cuộc sống thường nhật như: đi chợ, làm các thủ tục hành chính…
Giao lưu với thầy giáo Hò Văn Lợi - Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Ngam La, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang. |
Đó là thầy giáo làng Ngô Mạnh Cường, Trường THCS Sơn Công, huyện Ứng Hòa, Hà Nội đã luôn ở bên những học sinh nghèo vượt khó. Nhiều năm đã trôi qua, những học sinh được thầy hỗ trợ nhiều tới mức thầy không nhớ hết…
Thầy giáo làng và những “món quà” vô giá
Chia sẻ cảm xúc sau khi nghe các thế hệ học trò tâm sự về mình tại buổi lễ “Thay lời tri ân 2021 - Gieo mầm”, thầy Cường bày tỏ: “Hôm nay, tôi rất vinh dự được đứng trên sân khấu để chia sẻ về công việc mình đã trải qua. Đối với tôi, tôi coi những em học sinh mồ côi là những thiệt thòi lớn nhất trong cuộc đời các em. Vì khi mất cha, mất mẹ các em thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần, có nhiều em muốn bỏ học. Tôi đã đến tận nhà và kịp thời vận động kinh phí các nhà hảo tâm để giúp đỡ các em.
Điều làm được lớn nhất của tôi là động viên các em về mặt tinh thần, giúp các em vượt qua những mặc cảm của mình để các em tự vươn lên trong cuộc sống. Đặc biệt, như em Nguyễn Tường Huy cũng là một hoàn cảnh khó khăn. Tôi đã gần gũi, động viên và giúp đỡ để Huy trở thành một nhà tiến sĩ khoa học như ngày hôm nay.
Hay như em Nguyễn Minh Hòa mồ côi cả cha mẹ, tôi cũng gần gũi, động viên, giúp đỡ để tạo điều kiện cho em học hết lớp 12 và hiện nay em đã đi làm. Thế hệ thứ 3 đó là em Trần Thị Hiền, có hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Với sự giúp đỡ của tôi và các nhà hảo tâm nên Hiền đã cố gắng học hết cấp THCS và đã thi vào THPT. Đối với tôi đó là niềm vui lớn nhất của nhà giáo khi có những học sinh vững bước đi lên, để có tương lai tươi sáng hơn”.
TS Nguyễn Tường Huy - người học trò được thầy nhắc tới hiện là Trưởng bộ môn Địa lý kinh tế - xã hội, Khoa Địa lý, ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết: “Tôi sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn về mặt kinh tế và tình cảm. Từ nhỏ, tôi đã là người nhút nhát, tự ti, sống khép kín trước bạn bè và mọi người xung quanh. Khi đó, tôi chỉ biết lấy việc học làm niềm vui.
Cô Hà Thị Kim (ngoài cùng bên trái) và cô Hà Thị Dung giao lưu cùng khán giả. |
Năm lớp 7, thầy giáo Ngô Mạnh Cường được phân công làm giáo viên chủ nhiệm và giảng dạy môn Toán của lớp tôi. Thầy đã chủ động gần gũi, thăm hỏi gia đình tôi để thấu hiểu hoàn cảnh gia đình và bắt đầu hành trình truyền cảm hứng, giúp đỡ tôi suốt 40 năm vừa qua”…
“Mỗi khi Tết đến, nhìn lên bàn thờ gia tiên thấy hộp mứt Tết, tôi không khỏi nhớ về người thầy giáo cũ của mình. Đó là cảm giác bồi hồi, xúc động, đó là động lực giúp tôi tiếp tục phấn đấu trong hành trình phía trước. Với cậu học trò nhút nhát năm nào thì hành trình mà tôi đã trải qua đẹp như một giấc mơ. Nhưng tôi hiểu rằng, bên cạnh sự nỗ lực không ngừng của bản thân, những gì tôi có hôm nay còn được vun đắp bằng sự tin tưởng và khích lệ từ thầy cô, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và những người tôi may mắn được gặp trong suốt những năm tháng đã qua. Tôi thấy cuộc đời này tươi đẹp vô cùng.
Thầy luôn có những định hướng đúng đắn để học trò phấn đấu vượt qua thử thách, tôi rèn ý chí, nghị lực để trở thành những công dân có ích cho gia đình, xã hội. Chính nhờ thầy mà đến nay, tôi đã trở thành một đồng nghiệp với thầy và tiếp nối con đường vinh quang thầy đang đi”, TS Huy xúc động bày tỏ.
Tình nguyện xung phong vào khu cách ly cùng trò
Bữa đó, ngày 6/9, buổi học đầu tiên của năm học mới của Trường Tiểu học Tri Lễ 1, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An diễn ra bình thường. Các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 vẫn được triển khai, duy trì đầy đủ.
Thế rồi ngay ngày hôm sau, ngày 7/9, bất ngờ có 2 học sinh của lớp 2A1 và 5A2 được chính quyền địa phương xác nhận dương tính với COVID-19. Một cuộc họp khẩn ngay trong ngày qua điện thoại đã được tổ chức giữa Ban Giám hiệu và các giáo viên địa phương đã xác định, ngoài 2 học sinh F0 phải đi điều trị ở Vinh, 52 học sinh của 2 lớp có tiếp xúc gần là đối tượng F1, buộc phải cách ly tập trung.
Ngay lập tức, hai cô giáo đã tình nguyện xung phong vào khu cách ly cùng các em. Hai cô giáo người dân tộc Thái là cô Hà Thị Kim và cô Hà Thị Dung, một cô đã có gia đình với hơn 20 năm kinh nghiệm, một cô giáo trẻ vẫn còn độc thân. Dù cho ít nhiều lo sợ song các cô đã không ngần ngại xung phong cách ly cùng học sinh mà chẳng biết, liệu điều gì có thể chờ mình trong những ngày sắp tới.
Cô Hà Thị Kim mới tốt nghiệp đại học về công tác tại Trường Tiểu học Tri Lễ 1 (huyện Quế Phong, Nghệ An) được 3 năm. Cô Kim nhớ mãi hình ảnh khi lên điểm danh phòng học cho học sinh lớp 2 ở tầng 2. Các em nhìn thấy cô mừng lắm, chạy ùa ra đón. Cô trò muốn ôm lấy nhau nhưng không được, phải giữ khoảng cách. Cô cũng chỉ biết đứng cách xa 1m, dặn dò học sinh. “Điểm danh xong tôi không cầm được nước mắt và thấy mình đã quyết định đúng khi vào cùng các em”, cô Kim nói.
Ở trong khu cách ly, có em khóc vì nhớ bố mẹ, có em đau bụng, cô phải thức xoa dầu, cho uống thuốc, động viên cả đêm. Cô còn dạy các em biết tự lập như bung màn, gấp chăn màn, quần áo, giữ vệ sinh. Đồng thời tranh thủ thời gian dạy phụ đạo cho các em vì trẻ dân tộc thiểu số sau thời gian nghỉ dài dễ quên mất tiếng Việt.
Còn cô Hà Thị Dung chia sẻ: “Trước đó, tôi vẫn nghĩ COVID nó vẫn đang còn xa lắm, ở đâu đó trong miền Nam. Nhưng không ngờ, nó đã đến tận xã biên giới toàn núi rừng, trong đó có cả học sinh của trường chúng tôi.
Quyết định xung phong vào khu cách ly vì không thể để học trò một mình, 3 đêm đầu tiên, cô Dung thức trắng. Vì lo lắng, hồi hộp chờ kết quả xét nghiệm, vì thương học trò, vì tiếng khóc của các em khi rời xa gia đình vào khu cách ly mà chưa nhận thức đầy đủ nguy cơ dịch bệnh. Cuối cùng cũng trôi qua 14 ngày. Kết quả xét nghiệm của cả cô và trò đều âm tính.
Nhớ lại những ngày đã trải qua trong khu cách ly, cô Dung chia sẻ đó là trải nghiệm đặc biệt nhất trong suốt gần 20 năm dạy học ở xã biên giới này. “Là giáo viên bản địa, tôi không chỉ dạy học sinh ở trường mà còn gần gũi, biết rõ hoàn cảnh từng em. Tình thương đối với học trò còn lớn hơn cả nỗi sợ hãi, lo lắng về nguy cơ nhiễm dịch bệnh, nên dù thế nào đi nữa, tôi vẫn ở bên các em”.
“Trong khu cách ly, cô trò dù chưa quen biết cũng dần trở thành người thân, động viên nhau vượt qua khó khăn. Chúng tôi dạy các em một số kỹ năng, chia sẻ gần gũi để các em vơi bớt nỗi nhớ nhà. Sau thời gian cách ly, dường như các em trưởng thành hơn, thêm kỹ năng và biết ý thức bảo vệ bản thân trước đại dịch. Tôi đã có cả một đàn con sau quyết định của một người mẹ. Tôi luôn tin rằng, tình yêu thương vô điều kiện của các thầy cô sẽ ươm mầm cho những thánh thiện và những tươi xanh trong tương lai, như cách chúng tôi đã cùng nhau vượt qua những nỗi lo sợ và chiến thắng dịch bệnh”.
Những ngày đầu vào khu cách ly, cô giáo Hà Thị Dung đã thức trắng 3 đêm. Đó là 3 ngày cả cô, trò và phụ huynh cùng mang tâm trạng hồi hộp lo lắng chờ đợi kết quả xét nghiệm COVID-19 lần đầu. Khi nhận được thông báo kết quả âm tính, niềm vui như vỡ òa.
Những ngày sau đó, mỗi lần lấy mẫu xét nghiệm, các cô lại phải làm công tác tư tưởng bởi nhiều học sinh rất sợ và không chịu hợp tác. Rồi nỗi lo mỗi lần có học sinh sổ mũi, nhức đầu… Nhiều học sinh vào khu cách ly khi tuổi còn quá nhỏ, có em mồ côi... nên có em khóc thút thít cả đêm. Thương trò, cô trò cứ ôm nhau mà khóc và chỉ biết động viên, an ủi học sinh cố để vượt qua thời điểm khó khăn…
Nếu được chọn lại, dù rất nhiều khó khăn, tôi vẫn chọn nghề giáo!
Thầy Hò Văn Lợi hiện là giáo viên cắm bản thuộc Trường PTDT bán trú Tiểu học Ngam La (xã Ngam La, huyện Yên Minh, Hà Giang). Thôn Pờ Chừ Lủng - nơi thầy Hò Văn Lợi công tác hiện là thôn sâu, xa nhất của xã Ngam La với 100% là đồng bào dân tộc Mông. Thôn nằm chơ vơ giữa đại ngàn với những ngọn núi vắng dấu chân người qua lại.
Gần 10 năm gắn bó với nghề, với học sinh, thầy Lợi vẫn giữ cho mình một đam mê với nghề giáo. Thầy Lợi cho biết: “Tôi luôn tự nhủ bản thân phải bằng tình yêu thương và trách nhiệm trong công tác. Mong muốn đóng góp một phần sức nhỏ bé của mình mang cái chữ đến với các em học sinh, giúp các em có thêm hy vọng về một tương lai tươi sáng ở phía trước. Còn tôi, nếu được chọn lại dù biết trước được rất nhiều khó khăn nhưng tôi vẫn sẽ chọn làm thầy giáo”.