Tái cấu trúc toàn diện Faros
Theo thông báo của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), ngày 15/11/2016 là ngày đăng ký cuối cùng tham dự Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) bất thường của Công ty cổ phần Xây dựng Faros. Thời gian tổ chức Đại hội dự kiến vào cuối tháng 11/2016, tại tầng 4, tòa nhà FLC Landmark Tower, Hà Nội.
Theo nội dung cập nhật thông tin của ArtexSC, cuộc họp này sẽ thông qua nội dung thay đổi nhân sự chủ chốt HĐQT và Ban Kiểm soát. Bên cạnh đó, ĐHCĐ cũng sẽ thông qua kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công ty. HĐQT cho biết, dự kiến Faros sẽ phát hành 107.5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 4:1, với giá 12.500 đồng/cp. Tổng số vốn huy động 1.343 tỷ đồng.
Việc phát hành này, cùng với việc thu hồi các khoản ủy thác đầu tư, theo Ban lãnh đạo Faros là để phục vụ cho chiến lược phát triển của Công ty giai đoạn tới.
“Ngoài vai trò là tổng thầu và nhà thầu chính thi công các công trình lớn của Tập đoàn FLC, Faros cũng bắt đầu đẩy mạnh việc mua lại nhiều dự án bất động sản lớn để trực tiếp thi công, vận hành và kinh doanh nhằm tăng hiệu quả sử dụng nguồn tiền sẵn có. Hiện Faros đang đẩy mạnh thu hồi các khoản ủy thác đầu tư trước đó và sẽ phát hành tăng vốn điều lệ để phục vụ nhu cầu đầu tư giai đoạn tới”, báo cáo viết.
Theo dự kiến, Faros sẽ dành phần lớn trong số vốn huy động qua đợt phát hành cho cổ đông hiện hữu lần này để đầu tư Dự án tổ hợp 5 sao tiêu chuẩn quốc tế trung tâm thương mại, dịch vụ văn phòng và nhà ở FLC Compex tại Quy Nhơn. Dự án này có tổng vốn đầu tư 2.031 tỷ đồng, hiện đã hoàn thành phần móng và theo cam kết sẽ phải hoàn thành toàn bộ vào quý III/2018.
Mới đây, FAROS đã được UBND tỉnh Quảng Bình giao làm chủ đầu tư dự án Khu biệt thự sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Hải Ninh, tỉnh Quảng Bình với tổng vốn đầu tư 3.600 tỷ đồng, quy mô sử dụng đất 596,3 ha. Đây là dự án lớn nhất tới nay của tỉnh Quảng Bình và là dự án trọng điểm đến năm 2020. Dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và sẽ đưa vào sử dụng từng phần bắt đầu từ quý I/2017.
Tại Hà Nội, Faros đã mua lại và đang lên phương án đầu tư xây dựng dự án Trung tâm Thể thao Xuân Phương, tại phường Xuân Phương, Nam Từ Liêm với tổng diện tích 2,27 ha.
Công ty cũng vừa mua lại 40% Công ty cổ phần FLC Travel - đơn vị đang sở hữu và vận hành quần thể khu nghỉ dưỡng, vui chơi cao cấp tại Vĩnh Phúc. Faros dự kiến sẽ mua lại 100% vốn của công ty này để trở thành chủ đầu tư và trực tiếp thi công dự án, giai đoạn vận hành và khai thác sẽ chuyển giao cho công ty con. Dự án đang triển khai giai đoạn 2 với giá trị đầu tư 5.000 tỷ đồng, trên diện tích 200 ha.
Bên cạnh việc tái cấu trúc tài sản và mở rộng đầu tư, báo cáo cập nhật về Faros của Artex cũng cho thấy, Faros sẽ trình ĐHCĐ về phương án tái cấu trúc Công ty; tuy nhiên, nội dung này chưa được Ban lãnh đạo Công ty công bố.
Theo phân tích của ArtexSC, việc thu hồi một loạt các khoản ủy thác đầu tư và tập trung sâu vào phát triển bất động sản sẽ giúp Faros sớm thay đổi được nền tảng tài chính. Với hoạt động tổng thầu, áp lực vốn thấp hơn, lợi nhuận hạch toán có thể nhanh hơn, nhưng không thể có biên lợi nhuận quá lớn. Việc làm chủ đầu tư các dự án bất động sản có yêu cầu cao về vốn, thời gian thu hồi chậm hơn, nhưng sẽ tạo ra biên lợi nhuận cao hơn, đồng thời phát huy tốt được thế mạnh nhà thầu thi công mà Faros đã có.
Thanh khoản có sự cải thiện lớn, ROS tiến tới mục tiêu 160.000 đồng
Niêm yết từ 1/9/2016, cổ phiếu ROS của Faros đã thu hút được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư. Tính đến đầu tháng 11, ROS là 1 trong 5 mã cổ phiếu có giá trị khớp lệnh lớn nhất. Với thanh khoản trung bình 1,8 triểu cổ phiếu, mỗi phiên có từ 150-180 tỷ đồng đổ vào mã cổ phiếu này.
Theo ArtexSC, tính đến ngày 4/11, giá trị vốn hóa của Faros đạt 38,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 1,8 tỷ USD và đứng thứ 9 về vốn hóa trên HOSE. Faros là một trong 13 doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa trên 1 tỷ USD trên sàn chứng khoán (bao gồm cả Habeco mới đăng ký giao dịch trên UPCoM).
Chuyên gia phân tích của ArtexSC nhận định: “Trong trường hợp giá cổ phiếu tiếp tục tăng, ROS có thể được đưa vào rổ VN30 vào tháng 1/2017, theo tiêu chuẩn các cổ phiếu niêm yết có có giá trị vốn hóa hàng ngày bình quân trong kỳ xem xét lớn thuộc top 5 trong danh mục chỉ số, thay vì phải chờ 6 tháng (kỳ tháng 7/2017).
Để đạt được điều này, ROS phải có mức vốn hóa trong top 5, tương đương với vượt 62 nghìn tỷ đồng, gấp 1,7 lần mức vốn hóa hiện nay. Với việc cổ phiếu ROS tăng giá như thời gian vừa qua, có thể đây là điều sẽ xảy ra”.
Nếu đáp ứng đầy đủ các tiêu chí lựa chọn cổ phiếu trong các rổ chỉ số FTSE Vietnam Index và MVIS Vietnam Index tham chiếu cho 2 quỹ FTSE ETF và VNM ETF, ước tính sơ bộ các quỹ này mua vào từ 5-7% giá trị tài sản ròng. Nếu NAV của 2 quỹ này vẫn giữ ở mức tổng cộng 872 triệu USD (theo báo cáo kỳ gần nhất), thì ROS sẽ được mua vào từ 44-61 triệu USD, tương đương khoảng 1.000-1.400 tỷ đồng giá trị.
Với kỳ vọng mua lớn từ các quỹ ETF, cơ cấu sở hữu khá cô đặc, ArtexSC cho rằng, đây sẽ là yếu tố tạo nên đà tăng giá tiếp theo của cổ phiếu này, với giá mục tiêu đạt mốc 160.000 đồng/cp.
Được biết, trước đó ngày 19/10/2016, ArtexSC đã đưa ra báo cáo phân tích lần đầu về ROS với giá mục tiêu là 85.000 đồng/cp, sau đó điều chỉnh tăng tiếp lên 115.000 đồng/cp trong báo cáo ngày 28/10/2016.