Rắc rối pháp lý bủa vây Tổng thống Mỹ

Tổng thống Mỹ Donald Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump
(PLO) - Nhóm cố vấn pháp lý của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang chuẩn bị cho cuộc đối đầu pháp lý với công tố viên đặc biệt Robert Mueller sau khi ông Mueller để ngỏ khả năng ra trát đòi ông Trump phải ra hầu tòa.

Tại cuộc họp giữa nhóm điều tra và các cố vấn pháp lý của ông Trump diễn ra hồi tháng 3/2018 vừa qua, Công tố viên đặc biệt Mueller đã đề cập đến khả năng ông ra trát đòi tổng thống ra hầu tòa. Theo tờ Washington Post, khả năng áp dụng biện pháp mạnh như vậy được ông Mueller đưa ra sau khi các luật sư của ông Trump tuyên bố tổng thống không có nghĩa vụ phải nói chuyện với các điều tra viên liên bang đang tiến hành điều tra về cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi tháng 11/2016.

Cùng với cáo buộc này, ông Mueller cũng đang điều tra về khả năng có sự phối hợp giữa các cộng sự của ông Trump với Moscow cũng như khả năng ông Trump đã cản trở công lý sau khi nhậm chức. 

Lo ngại công tố viên “gài bẫy” Tổng thống? 

Các cố vấn pháp lý của ông Trump trong nhiều tháng qua vẫn chia rẽ về việc ông Trump có nên nói chuyện với ông Mueller và nhóm của công tố viên đặc biệt hay không. Trong số những lý do khiến một số người cho rằng tổng thống không nên tham gia cuộc phỏng vấn như vậy, có lo ngại rằng các công tố viên có thể gài bẫy khiến ông Trump khai gian trước tòa. 

Trước đây, ông Trump tuyên bố sẵn sàng làm việc với nhóm của ông Mueller. Tuy nhiên, quan điểm của ông đã thay đổi, nhất là sau khi FBI hồi tháng trước tiến hành khám nhà và văn phòng của luật sư riêng của ông là ông Michael Cohen. Khả năng ông tự nguyện tham gia các cuộc thẩm vấn với các điều tra viên của ông Mueller vốn đã mong manh nay càng khó xảy ra, theo các nguồn tin thân cận với Nhà Trắng. 

Trong trường hợp bị ra trát triệu tập yêu cầu phải ra điều trần trước bồi thẩm đoàn tại tòa án, ông Trump vẫn có thể viện dẫn Tu chính án thứ Năm của Mỹ để kiện trát của công tố viên. Một hành động như vậy, nếu xảy ra, có thể dẫn tới cuộc đấu tranh pháp lý kéo dài và có thể lên đến tận Tòa án Tối cao Mỹ. Cho đến nay, việc một tổng thống đương nhiệm của Mỹ phải ra hầu tòa theo trát đòi của công tố viên là điều chưa từng xảy ra.

Giữa lúc nhóm pháp lý đang chật vật tìm cách bảo vệ ông khỏi những nguy cơ pháp lý và chính trị liên quan đến cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Mueller, ông Trump trong tuần qua đã thuê luật sư kỳ cựu Emmet Flood – người từng bảo vệ cựu Tổng thống Bill Clinton trong suốt quá trình luận tội ông Clinton 20 năm trước. 

Theo thông báo của Nhà Trắng, ông Flood sẽ thay thế ông Ty Cobb – người trong nhiều tháng qua đã trực tiếp làm việc với công tố viên đặc biệt Muller. Động thái này, theo đánh giá, báo hiệu cách tiếp cận quyết đoán hơn của Nhà Trắng đối với cuộc điều tra Nga khi cuộc điều tra này đã bước vào giai đoạn quan trọng.

Bởi, dù ông Cobb không đại diện cho tổng thống với tư cách cá nhân nhưng ông là người trực tiếp xử lý các yêu cầu phỏng vấn và cung cấp tài liệu do ông Mueller đưa ra, chịu trách nhiệm làm việc với các công tố viên cũng như phối hợp với các luật sư riêng của ông Trump. Trong suốt quá trình làm việc, ông Cobb nhiều lần thúc giục hợp tác với nhóm điều tra nhằm sớm kết thúc vụ việc. 

Ngược lại, ông Flood nổi tiếng với cách tiếp cận mạnh mẽ khi đại diện cho các thân chủ, báo hiệu khả năng ông sẽ vận động nhóm pháp lý của Nhà Trắng áp dụng cách tiếp cận mang tính đối đầu hơn với cuộc điều tra liên quan đến Nga. Theo các nguồn tin, ông Flood luôn là lựa chọn hàng đầu của cố vấn Nhà Trắng Don McGahn nhằm thay thế ông Cobb. Ông McGahn gọi ông Flood là một “chiến binh”. 

Là người đứng đầu Williams & Connolly – một trong những công ty luật nổi tiếng nhất tại Washington, ông Flood từng có quá trình làm việc lâu dài với chính phủ Mỹ. Ông này từng bảo vệ cựu Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney trong vụ kiện do cựu quan chức CIA Valerie Plame đệ trình và là người đại diện cho cựu Tổng thống George W. Bush trong một vụ tranh cãi giữa nhánh hành pháp của Mỹ với quốc hội nước này. Điều này cho thấy ông Flood là người nắm rất rõ các quyền hạn của tổng thống và có thể sử dụng các hiểu biết của mình trong quá trình đối phố với cuộc điều tra của ông Mueller tới đây. 

Thêm các rắc rối bủa vây

Những rắc rối pháp lý dường như chưa có dấu hiệu “buông tha” tổng thống Mỹ. Bên cạnh cuộc điều tra của ông Mueller, ông Trump vẫn chưa thoát khỏi những lùm xùm liên quan đến ngôi sao khiêu dâm Daniels. 

Ngày 4/5 vừa qua, ông Trump thừa nhận đã trả lại cho luật sự riêng Michael Cohen số tiền 130 ngàn USD mà ông Cohen đã thanh toán cho bà Daniels. Theo truyền thông Mỹ, trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, ông Cohen đã trả cho bà Daniels 130 ngàn USD để đổi lấy việc bà này giữ kín về việc quan hệ tình dục với ông Trump vào năm 2006. Việc thanh toán như vậy, theo các chuyên gia, có thể vi phạm luật tài chính trong vận động tranh cử Mỹ.

Công tố viên đặc biệt Mueller
Công tố viên đặc biệt Mueller

Thừa nhận của ông Trump được đưa ra bởi cựu thị trưởng New York Rudy Giuliani – người vừa gia nhập nhóm pháp lý của tổng thống – tiết lộ rằng ông Trump đã trả tiền cho ông Cohen trong vài tháng sau cuộc bầu cử. Ông Giuliani cũng nói rằng ông Trump có thể không biết về việc luật sư của ông đã trả tiền cho bà Daniels vì ông Cohen được trao quyền tự ý giải quyết hàng loạt các vấn đề liên quan đến ông Trump.

Song, luật sư riêng của bà Daniels đã ngay lập tức bác bỏ thông tin này, cáo buộc ông Trump nói dối. Trước đó, ông Trump luôn chối bỏ việc có biết việc luật sư của ông trả tiền cho bà Daniels cũng như nguồn gốc khoản tiền này. 

Cũng trong tuần qua, ông Trump đã một lần nữa yêu cầu tòa án liên bang Mỹ bác bỏ vụ kiện cáo buộc ông vi phạm các quy định chống tham nhũng trong hiến pháp với lý do ông là người được hưởng quyền miễn trừ. Đơn kiện do bang Maryland và Địa khu Columbia ở thủ đô Washington đệ trình cáo buộc tổng thống vi phạm điều khoản thù lao của Hiến pháp Mỹ vốn cấm các quan chức liên bang nhận quà tặng hoặc các khoản tiền chi trả khác từ chính phủ nước ngoài mà không có sự chấp thuận của Quốc hội. 

Ông Trump có hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cũng như các sân golf và một xưởng làm rượu vang ở Virginia. Sau khi trở thành tổng thống Mỹ, ông đã bàn giao việc quản lý hàng ngày đối với các doanh nghiệp này cho hai người con trai. 

Tuy nhiên, các nguyên đơn cáo buộc tổng thống đã không dứt khoát tách khỏi hoạt động kinh doanh đó và dễ bị dẫn dụ bởi những người bao gồm cả các quan chức nước ngoài tìm kiếm sự ưu đãi. Nhóm luật sư của ông Trump trước đây đã tìm cách để thẩm phán bãi bỏ vụ kiện nhưng thẩm phán Peter Messitte ở Greenbelt, bang Maryland, hồi tháng trước đã cho phép xúc tiến đơn kiện.

Theo AP, cho đến nay, Tòa án tối cao Mỹ chưa từng phải ra phán quyết về việc liệu một tổng thống Mỹ có thể bị buộc phải ra làm chứng trước tòa hay không. Song, những vụ việc đã xảy ra trong thời gian qua cho thấy nhiều khả năng tổng thống Mỹ sẽ buộc phải tuân theo trát hầu tòa nếu có.

Ví dụ, trong vụ bê bối Watergate năm 1974, các thẩm phán tại tòa án tối cao Mỹ đã ra phán quyết nhất trí cho rằng tổng thống phải thực hiện yêu cầu nộp các tài liệu và băng ghi âm theo trát của công tố viên đặc biệt. Sau phán quyết, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Richard Nixon đã phải nộp các tài liệu cho các công tố viên và sau đó từ chức. 

23 năm sau, để đơn kiện về cáo buộc quấy rối tình dục của Paula Jones chống lại Tổng thống Bill Clinton có thể tiếp tục được xem xét, Thẩm phán John Paul Stevens cũng đã nêu rõ rằng trong các vụ kiện hình sự các bằng chứng liên quan cần phải được bàn giao theo các điều kiện thích hợp để đảm bảo tính toàn vẹn của hệ thống tư pháp không bị xói mòn.

Sau tuyên bố này, năm 1998, công tố viên độc lập Ken Starr đã ra trát yêu cầu ông Clinton phải ra làm chứng về mối quan hệ của ông này với nữ thực tập sinh tại Nhà trắng Monica Lewinsky. Clinton sau đó đã đạt được thỏa thuận với ông Starr, đồng ý tự nguyện làm chứng để tránh phải ra tòa. Những lời chứng của ông Clinton khi đó đã khiến ông bị luận tội về cáo buộc nói dối khi tuyên thệ và cản trở công lý. 

Đọc thêm

Triệt phá đường dây chế độ vũ khí quân dụng

Các đối tượng bị bắt giam về tội "Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng" cùng tang vật (Ảnh: CACC).
(PLVN) -  Cơ quan CSĐT quận 4 (TP HCM) vừa triệt phá đường dây “độ, chế”, tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ liên tỉnh/thành; khởi tố, bắt tạm giam 5 đối tượng về tội “Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng”.

Kỷ luật 2 lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp

Kỷ luật 2 lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã ký các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành kỷ luật đối với Phó Chủ tịch và nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp.

Bắt đối tượng vận chuyển gần 12.000 viên ma túy tổng hợp

Tang vật vụ án.

(PLVN) - Ngày 13/1, thông tin từ Công an huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) thuộc đơn vị đang tiếp tục mở rộng điều tra về hành vi “Mua bán trái phép chất ma túy” đối với Lê Văn Q (SN 1980, trú tại xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ).

Vụ án tại Trung tâm R&D thuộc BQL Khu CNC TP HCM: Cựu lãnh đạo Sở KH&ĐT nhận tiền tỷ khi duyệt dự án

Bị cáo Minh tại một phiên tòa hồi tháng 7/2024. (Ảnh: Hải Duyên)
(PLVN) - Dự kiến từ ngày 15/1, TAND TP HCM sẽ đưa bị cáo Trần Thị Bình Minh (cựu PGĐ Sở KH&ĐT), Phan Tất Thắng (cựu Phó phòng Kinh tế) ra xét xử về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ trong vụ án xảy ra tại Trung tâm nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao (Trung tâm R&D) thuộc Ban Quản lý Khu công nghệ cao (BQLKCNC) TP HCM và các đơn vị liên quan.