Nhiều người lao động mất niềm tin
Kể lại hành trình yêu cầu công ty trả nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) trong một cuộc hội thảo diễn ra vào tháng 7/2023, chị Nguyễn Thị Huyền, Quản đốc phân xưởng may, Nhà máy Dệt kim H. (Khu công nghiệp Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội) thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn H. cho hay: Công ty Cổ phần Tập đoàn H. nợ lương từ tháng 1/2017 và nợ BHXH từ tháng 7/2011 của toàn bộ gần 500 anh chị em công nhân. Tính đến trước tháng 3/2023, số tiền Công ty này nợ BHXH của người lao động (NLĐ) là hơn 15 tỷ đồng.
Thời gian qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã điều chỉnh, thực hiện các giải pháp để bảo đảm quyền lợi cho các đối tượng. Cho đến nay, các đối tượng tham gia bảo hiểm bị ảnh hưởng về chế độ, chính sách đã được giải quyết một cách căn bản.
Trong 6 năm ròng rã, NLĐ đi tìm gặp các lãnh đạo công ty qua các thời kỳ trước và sau khi cổ phần hóa nhưng câu trả lời mà họ nhận được là: “Doanh nghiệp (DN) khó khăn, chưa có tiền chi trả cho NLĐ”. Do bị nợ BHXH, BHYT nên quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của hàng trăm NLĐ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. NLĐ đã làm đơn “kêu cứu” đến nhiều nơi, nhưng vô vọng. Sau hàng chục lần đi đòi quyền lợi không được, họ đã phản ánh sự việc với các cơ quan báo chí. Hiện tại, Công ty Cổ phần Tập đoàn H. đã trả hết số tiền nợ đọng BHXH của NLĐ - hơn 15 tỷ đồng; phía Cơ quan BHXH TP Hà Nội cũng đã tiến hành chốt sổ BHXH cho gần 100 NLĐ còn lại của Công ty này để bảo đảm quyền lợi cho họ…
Tuy nhiên, không phải NLĐ nào cũng may mắn “đòi” được tiền nợ đọng BHXH như trường hợp trên. Là cán bộ công đoàn, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty May Minh Anh (tỉnh Nghệ An) Lê Thị Hà rất bức xúc trước tình trạng nợ BHXH của nhiều DN khiến cho hàng trăm nghìn NLĐ lao đao, có gia đình lâm vào cảnh khốn cùng. Chị cho biết, đồng nghiệp ở nhiều DN cả nước đã tâm sự phải chứng kiến cảnh rất nhiều nữ công nhân sinh nở không được hưởng tiền thai sản; nhiều NLĐ thất nghiệp lâm vào cảnh ốm đau, chết mà không có được trợ cấp thất nghiệp; có người nghỉ hưu 7- 8 năm vẫn chưa được cầm sổ hưu… Theo chị Hà, đó cũng là lý do khiến nhiều người mất niềm tin, muốn rút BHXH một lần để lo cho cuộc sống trước mắt.
“Chả lẽ tất cả chúng ta lại bó tay bất lực trước tình trạng này. Nếu cứ để như thế, chúng ta đang nợ và có lỗi với NLĐ, vì họ chỉ biết đóng đủ, chứ họ không biết gì đến lỗi của người khác, còn hậu quả thì chính họ phải gánh chịu”, chị Hà đặt vấn đề. Chia sẻ này của chị Hà cũng là tâm trạng lo lắng, bức xúc chung của nhiều công nhân lao động trước tình trạng DN trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH của NLĐ.
Nhiều khó khăn chưa được tháo gỡ
Bà Lê Thị Hà. Ảnh: Phạm Thắng - Nghĩa Đức |
Trả lời về vấn đề trốn đóng, chậm đóng BHXH tại phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV hồi tháng 6/2023, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thông tin, đến hết năm 2022, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, cả lãi và gốc là 8.560 tỷ đồng, tăng khoảng 2,69% so với mức của năm 2021; có 26.670 DN, đơn vị chậm đóng, trốn đóng BHXH.
Báo cáo số 406 của Chính phủ về tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH đã nêu rõ về tình trạng này. Theo thống kê, số tiền các DN, đơn vị trốn đóng, chậm đóng BHXH giai đoạn 2016 - 2022 là khoảng gần 10.000 tỷ đồng mỗi năm. Trong năm 2022 chỉ riêng số DN, đơn vị chậm đóng BHXH kéo dài 3 năm lên tới 56%, trên phạm vi cả nước có tới 198.000 DN đơn vị chậm đóng BHXH.
Theo BHXH Việt Nam, tính đến ngày 31/5/2023, tổng số tiền chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) phải tính lãi là 15.848 tỷ đồng, chiếm 3,3% số tiền phải thu. Trong số tiền chậm đóng này, khó khăn nhất là số tiền chậm đóng BHXH tại các đơn vị đã phá sản, giải thể, ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, đơn vị không có người đại diện theo pháp luật làm ảnh hưởng quyền lợi hưởng BHXH của NLĐ tại các DN này. Một số BHXH tỉnh, TP có số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN cao nhất như TP Hồ Chí Minh là 4.328 tỷ đồng, Hà Nội là 4.081 tỷ đồng, Hải Phòng là 650 tỷ đồng, Thanh Hóa là 459 tỷ đồng, Bình Dương là 412 tỷ đồng.
Bản chất của BHXH là sự bảo đảm bù đắp một phần hoặc thay thế thu nhập của NLĐ khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết trên cơ sở đóng góp vào quỹ BHXH do Nhà nước tổ chức thực hiện.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhận thức của một số DN chưa đầy đủ. Tình trạng DN gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, một số DN phải hoạt động cầm chừng, làm ăn thua lỗ dẫn đến nợ đọng kéo dài, trong đó chủ yếu là DN tư nhân. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phân tích thêm nguyên nhân của tình trạng này là cơ quan quản lý bảo hiểm chưa quản lý hết đối tượng; quản lý, sử dụng thiếu hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối cơ sở dữ liệu chưa tốt.
Trong khi đó, theo Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang Đỗ Thị Việt Hà, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có việc chưa quản lý chặt chẽ đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Các giải pháp, biện pháp xử lý tình trạng chậm, trốn đóng BHXH vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Từ thực tiễn của tỉnh Bắc Giang, bà Hà cho biết, mặc dù Liên đoàn Lao động tỉnh đã rất tích cực song việc thực hiện cơ chế tổ chức Công đoàn khởi kiện DN ra tòa án đối với hành vi nợ BHXH nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động còn chưa thực sự hiệu quả do gặp 4 khó khăn lớn.
Khó khăn thứ nhất, do quy định về thẩm quyền khởi kiện ra Tòa án là của công đoàn cơ sở tại DN. Trong khi đó, cán bộ công đoàn cơ sở là người được người sử dụng lao động tuyển dụng, trả lương nên rất khó thuyết phục họ đứng tên đại diện cho công đoàn cơ sở khởi kiện người sử dụng lao động. Thứ hai, do quy định một trong những thủ tục để công đoàn cơ sở khởi kiện DN là phải được sự ủy quyền của từng NLĐ. Trong khi DN dừng sản xuất, NLĐ đã đi làm ở nhiều DN khác. Vì vậy, công đoàn cơ sở gặp rất nhiều khó khăn để lấy được hàng trăm giấy ủy quyền của NLĐ.
Khó khăn thứ ba là do quy định người đại diện theo pháp luật của DN đã xuất cảnh nên không có người đại diện để hòa giải với công đoàn cơ sở nên không có căn cứ để Tòa án ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án và tiến hành thi hành án. Bốn là, khó khăn do điều kiện về tài sản của DN, bởi tài khoản gần như không có tiền. Nhà xưởng của các DN chủ yếu là thuê máy móc, tài sản đã thế chấp tại ngân hàng.
Thực trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH đã tác động xấu đến quyền lợi chính đáng của NLĐ. Theo đó, khi người sử dụng lao động trốn đóng, chậm đóng BHXH sẽ kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với NLĐ là NLĐ không nhận được trợ cấp thất nghiệp; không được cơ quan BHXH chi trả các chế độ như ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất; không thể chốt được sổ BHXH kể cả khi đã chuyển đến làm việc ở nơi khác… Như vậy, tất cả các chế độ trước đó mà NLĐ đáng được hưởng có thể coi như đều bằng 0. Bởi lẽ, BHXH thực hiện theo nguyên tắc đóng - hưởng nên khi người sử dụng lao động trốn đóng, chậm đóng BHXH, tất cả những quyền lợi của NLĐ đều bị ảnh hưởng và NLĐ sẽ không được chi trả các chế độ ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động, hưu trí, tử tuất.
Tình trạng DN chậm đóng, trốn đóng BHXH không những ảnh hưởng trực tiếp đến NLĐ mà còn gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan BHXH, các cơ quan quản lý lao động. Vì vậy, các ngành chức năng đang thực hiện những giải pháp mạnh tay và quyết liệt hơn đối với các đơn vị, DN chậm đóng, trốn đóng BHXH nhằm bảo đảm tính thượng tôn pháp luật, đem lại quyền lợi chính đáng cho NLĐ.