Theo đó, Kỳ họp phải quyết định những vấn đề đặc biệt quan trọng. Thứ nhất, xem xét thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ hai, xem xét, thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Thứ ba, xem xét, thông qua Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật quan trọng, nhất là các luật trong lĩnh vực đầu tư phát triển.
Thứ tư, xem xét, thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ nhằm kịp thời thể chế hóa các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ.
Ngoài ra, Quốc hội còn xem xét Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Phải ghi nhận rằng, ngay sau khi kết thúc Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, với quyết tâm không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm việc khẩn trương, phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các cơ quan hữu quan, thường xuyên lắng nghe ý kiến của cử tri, nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước để chuẩn bị tốt nhất các nội dung cho Kỳ họp bất thường lần này.
Tại phiên họp trù bị, các đại biểu đã thống nhất rất cao thông qua nội dung, thời gian, chương trình và phương thức tiến hành kỳ họp theo tinh thần tiếp tục đổi mới, sáng tạo, khoa học, hợp lý, vừa tiết kiệm thời gian, vừa bảo đảm để các nội dung được xem xét, thảo luận và quyết định kỹ lưỡng, thấu đáo, chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Năm 2022, năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Sau đại dịch Covid-19, nhiệm vụ quan trọng đặt ra là phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, nhất là ngành, lĩnh vực quan trọng, tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trên cơ sở thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Đồng thời, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Để làm được điều đó, ngoài quyết sách kịp thời của Quốc hội, Chính phủ nghiêm túc, khẩn trương tổ chức triển khai, tăng cường theo dõi, giám sát, kiểm tra, đôn đốc, bảo đảm tính hiệu quả và khả thi gắn với cá thể hóa trách nhiệm, người đứng đầu khi thực hiện.