Tác động của đại dịch trong thời gian dài đã tiêu hao gần hết tiết kiệm của người dân, tích luỹ của doanh nghiệp cũng như các quỹ của Nhà nước, là một trong những vấn đề được nêu ra.
Không nghi ngờ gì nữa, hơn 2 năm đại dịch và tác động của địa chính trị quốc tế đã và đang làm cho các yếu tố đầu vào tăng kéo theo nhiều khó khăn chung của nền kinh tế. Cũng chính trong ngày Kỳ họp thứ 13 khai mạc, mỗi lít xăng tăng khoảng 670-680 đồng, lập đỉnh mới vượt 30.500 đồng một lít. Xăng tăng, kéo theo nhiều thứ khác tăng, trước hết là giá vận tải, đến lượt nó, ập lên giá hàng hóa...
Trong khi đó, thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn quan trọng lại “bốc hơi” hàng tỷ USD trong thời gian gần đây. Bây giờ là lúc, cần biện pháp, phương thức hỗ trợ thị trường chứng khoán tốt hơn nữa để ổn định kênh này, giúp dòng vốn đến với doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm và thúc đẩy tăng trưởng.
Sau đại dịch, về gói kích thích kinh tế, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương xử lý một số vấn đề và thấy được khó khăn của doanh nghiệp, người lao động. Tuy nhiên, nhiều việc triển khai còn chậm; doanh nghiệp, người lao động được hưởng lợi còn ít.
Tại diễn đàn Quốc hội đang họp, chính Chủ tịch Vương Đình Huệ cho biết, cả năm 2020 tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 78%, riêng giải ngân vốn nước ngoài chỉ đạt 32,85%. 4 tháng đầu năm 2022 chỉ giải ngân được hơn 18%, còn gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế thì “chưa giải ngân được đồng nào”. Vì sao có tiền không tiêu được, là câu hỏi được ông nêu lên.
Ai cũng có thể hình dung ra biết bao câu trả lời cho “tại sao”? Trước hết là thể chế về đầu tư dù đã được cải cách mạnh mẽ nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; giải phóng mặt bằng vẫn bị “vướng” quá nhiều thứ; năng lực “hấp thụ vốn” của các Ban QLDA, nhà thầu vẫn là khâu yếu... Biết bao vấn đề về nghiệm thu khối lượng, thanh toán... đang đặt ra cần được lưu tâm.
Mục tiêu Đại hội Đảng lần thứ XIII đến năm 2025 Việt Nam thoát ra khỏi các nước có thu nhập trung bình thấp, 2030 là nước có thu nhập trung bình cao và đến 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để đạt được mục tiêu, phải có sự tăng trưởng cao liên tục, trách nhiệm nặng nề (vì với tốc độ tăng trưởng (6-7%) thì đến năm 2045 Việt Nam mới bằng quy mô của nền kinh tế Hàn Quốc hiện nay).
2 năm (2020-2021) do dịch bệnh nên Việt Nam không đạt mục tiêu tăng trưởng. Do đó, để đạt được mục tiêu hùng cường, phát triển, thu nhập cao thì cần có những giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ với cơ chế chính sách đồng bộ, quyết liệt hơn để đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng.
Thể chế, cơ chế chính sách và nguồn nhân lực là vấn đề quan trọng. Chính sách, cơ chế đang đòi hỏi phải sát, trúng, đúng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời càng tốt.