Quyền tham gia của trẻ em: Quan trọng và cần thiết phải thực thi

Các đại biểu thiếu nhi tham gia Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ I năm 2023. (Nguồn: doanthanhnien.vn)
Các đại biểu thiếu nhi tham gia Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ I năm 2023. (Nguồn: doanthanhnien.vn)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Để trẻ em trở thành những công dân có trách nhiệm với đất nước và cộng đồng, đồng thời với việc phát hiện, đào tạo các tiềm năng của mỗi đứa trẻ, cần khuyến khích trẻ lên tiếng về mọi vấn đề mà trẻ nhận thức được. Chính vì thế, quyền tham gia của trẻ em là một trong 4 nhóm quyền cơ bản theo Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên và được quy định tại hệ thống pháp luật về trẻ em ở Việt Nam.

Nhóm quyền giúp tạo ra “khiên chắn” bảo vệ trẻ em

Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em (CRC) thừa nhận các quyền của trẻ em được bày tỏ quan điểm về những vấn đề có liên quan tới các em và quyền được mọi người lắng nghe những quan điểm này. Theo Điều 12 khoản 1 của Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em: “Các quốc gia thành viên phải bảo đảm cho trẻ em có đủ khả năng hình thành quan điểm riêng của mình, được quyền tự do bày tỏ những quan điểm đó về tất cả mọi vấn đề có ảnh hưởng đến trẻ em, những quan điểm của trẻ em phải được coi trọng một cách thích ứng với độ tuổi và độ trưởng thành của trẻ em”.

Như vậy, quan điểm và quy định này đòi hỏi trước hết Chính phủ của quốc gia thành viên có trách nhiệm và chủ động để người lớn nói chung, những người phục vụ trong bộ máy nhà nước nói riêng, luôn tìm hiểu và cân nhắc ý kiến của trẻ em trong mọi vấn đề có ảnh hưởng đến cuộc sống của các em.

Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn có quan điểm và chính sách nhất quán về quyền trẻ em. Sau khi tham gia ký kết các điều ước quốc tế về quyền con người nói chung và quyền trẻ em nói riêng, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1989 và hai Nghị định thư bổ sung năm 2000, Nhà nước Việt Nam đã tích cực nội luật hóa các quy định của hệ thống pháp luật quốc tế về quyền trẻ em vào trong hệ thống pháp luật quốc gia, đồng thời đẩy mạnh triển khai, thực thi chính sách bảo đảm quyền trẻ em.

Quyền tham gia là một trong 4 nhóm quyền cơ bản của trẻ em được quy định tại Luật Trẻ em 2016. Thực hiện quyền tham gia của trẻ em là thực hiện quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013 nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quyền tham gia của trẻ em bao gồm quyền được tiếp cận thông tin phù hợp lứa tuổi, được kiến nghị, bày tỏ ý kiến, quan điểm riêng của mình về các vấn đề về trẻ em; quyền được người lớn lắng nghe và phản hồi các kiến nghị, ý kiến của mình; quyền được tham gia vào quá trình ra quyết định; quyền được kết giao, được thành lập hoặc tham gia các nhóm, hiệp hội và tham gia các hoạt động xã hội lành mạnh, phù hợp.

Sự tham gia của trẻ em là việc trẻ em được tiếp cận thông tin, được bày tỏ ý kiến, được lắng nghe, được tôn trọng, được kết giao, được thành lập hoặc tham gia các nhóm và hiệp hội, được bàn bạc và quyết định… trong mọi vấn đề có liên quan đến bản thân trẻ. Quyền tham gia giúp trẻ em chủ động và tích cực trong cuộc sống, có cơ hội thể hiện và hiểu được cảm nghĩ, nhu cầu của chính mình. Từ đó nhận thức được quyền, được trao quyền, được bảo vệ và học cách tự bảo vệ mình.

Nói cách khác, việc trẻ em có các kỹ năng thực hiện quyền tham gia có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng, chống xâm hại trẻ em. Bởi, khi một đứa trẻ có những kỹ năng để trình bày ý kiến, suy nghĩ của mình, tham gia đóng góp vào các hoạt động liên quan đến trẻ em, được tiếp cận thông tin phù hợp lứa tuổi thì sẽ dễ dàng tiếp cận những kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại cho bản thân. Có kỹ năng thực hiện quyền tham gia, trẻ sẽ năng động, có vốn kiến thức sâu rộng hơn về cuộc sống, có thể dễ dàng trình bày ý kiến của mình một cách thuyết phục. Vì thế, dù không phải là những kỹ năng hay kiến thức trực tiếp nhưng kỹ năng về thực hiện quyền tham gia tạo cơ sở, tiền đề vững chắc cho trẻ phòng, chống xâm hại.

Tạo môi trường khuyến khích sự tham gia của trẻ em

Các nhóm quyền của trẻ em. (Nguồn: CRD Vietnam)

Các nhóm quyền của trẻ em. (Nguồn: CRD Vietnam)

Nhìn ở góc độ quy mô và cơ cấu dân số thì hầu hết các quyết định của Chính phủ, dù ở cấp Trung ương hay địa phương đều có các mức độ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến trẻ em. Theo bài viết “Quyền tham gia của trẻ em vào quá trình ra quyết định” đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ LĐ-TB&XH thì để trẻ em có thể tham gia vào các quá trình ra quyết định một cách dân chủ thì quyền tham gia của trẻ em phải được thể chế hóa thông qua quy định pháp luật, cơ chế hoạt động của các tổ chức của trẻ em, quy chuẩn các hoạt động có sự tham gia của trẻ em. Các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, nhà trường, gia đình và truyền thông đại chúng đều là các môi trường khuyến khích sự tham gia của trẻ em nói chung và vào các quá trình ra quyết định nói riêng.

Cụ thể, Quốc hội khi thực hiện các chức năng cơ bản là lập pháp, giám sát và quyết định các chính sách lớn của quốc gia, cần thực hiện nguyên tắc lợi ích tốt nhất của trẻ em, không chỉ trong các chương trình nghị sự, các nghị quyết tác động trực tiếp đến trẻ em (y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội, bảo vệ trẻ em…) mà có thể còn trong hầu hết các quyết định khác (thuế, quy hoạch, phân bổ ngân sách…) để đảm bảo trẻ em không bị đặt sau mọi việc khi các em là nguồn nhân lực tương lai mang lại sự phát triển bền vững của quốc gia.

Các quyết định và chính sách do Chính phủ và các Bộ ban hành, tổ chức và thanh tra, kiểm tra việc thực hiện có tác động trực tiếp đến sự sống còn, phát triển hài hòa, được bảo vệ an toàn của mọi trẻ em; trẻ em còn chịu tác động của sự thay đổi trong cộng đồng, gia đình do các chính sách cụ thể và quyết định hành chính tạo ra.

Vì thế, trong việc soạn thảo luật pháp, chính sách; khởi xướng các mô hình, đưa ra quy chuẩn… cần phải tạo được cơ chế tham vấn, cân nhắc ý kiến của người dân, đặc biệt các nhóm đối tượng chịu tác động trực tiếp, trong đó có trẻ em, để đảm bảo nguyên tắc vận hành của một Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Quan điểm, ý kiến, nguyện vọng của trẻ em cũng cần được phản ánh trong công tác thu thập số liệu và các nghiên cứu tiền khả thi. Cần tiến hành việc phân tích tác động của các chính sách lớn và phân bổ ngân sách, nhân lực đến cuộc sống của người dân mà trong đó trẻ em là một hợp phần tất yếu. Trong các đánh giá này, ý kiến của trẻ em cần được thu thập và cân nhắc.

Ở góc độ Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân các cấp, xu hướng phân cấp, phân quyền trong hệ thống quản lý nhà nước làm cho các quyết định và chính sách ở cấp địa phương có tác động mạnh mẽ hơn đến đời sống trẻ em. Thêm nữa, cơ quan quản lý nhà nước địa phương lại là nơi hoạch định, ban hành và đôn đốc thực hiện các kế hoạch kinh tế - xã hội ngắn hạn và hàng năm.

Do đó, mức độ lồng ghép và thực hiện các mục tiêu vì trẻ em trong kế hoạch kinh tế - xã hội địa phương cũng như trong kế hoạch ngành tùy thuộc nhiều vào nhận thức về vị trí, vai trò của trẻ em và thực hiện quyền trẻ em của đội ngũ lãnh đạo, quản lý và tham mưu của các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương.

Hệ thống tổ chức Đội TNTP Hồ Chí Minh hiện nay là môi trường lý tưởng để trẻ em là đội viên thực hiện quyền tham gia của mình. Để Đội TNTP Hồ Chí Minh thực sự là tổ chức thực hiện quyền tham gia của trẻ em, các nội dung công tác, phong trào thiếu niên, nhi đồng do Đội làm nòng cốt cần phải được tham vấn trẻ em một cách rộng rãi. Trong Hội đồng Đội ở Trung ương và các cấp cần có đại diện đội viên được trẻ em bầu chọn để đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em trong việc điều hành công tác Đội và phong trào thiếu niên, nhi đồng.

Tại trường học, thực hiện phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” trước hết cần bắt đầu từ tạo cơ hội và điều kiện cho học sinh tham gia vào việc ra quyết định trong trường học, lớp học; sử dụng nhiều hơn các tiết học dưới hình thức hội thảo; thúc đẩy sự chọn cử dân chủ và luân phiên lớp trưởng, lớp phó, tổ trưởng và các chức danh chỉ huy Đội TNTP. Nếu quyền tham gia của trẻ em được tiên phong thực hiện trong môi trường học đường thì mỗi trường học sẽ là một đơn vị cung cấp ý kiến, nguyện vọng của trẻ em vào quá trình phát triển chính sách và ra quyết định của chính quyền địa phương và của các Bộ, của Chính phủ.

Gia đình được ghi nhận là môi trường trước hết, không thể thay thế về trách nhiệm, chức năng và khả năng chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Một quyết định được đưa ra và được thực hiện trong gia đình không chỉ ảnh hưởng tức thì đến trẻ mà còn hình thành ở trẻ cách hiểu và lắng nghe người khác cũng như cách giải quyết các xung đột về lợi ích. Vì thế, mấu chốt của việc gia đình tạo điều kiện để trẻ tham dự vào việc ra quyết định hoặc giải quyết các vấn đề của gia đình trước hết ở thời gian cha mẹ dành cho trẻ và cách mà cha mẹ chuyện trò, cư xử với trẻ…

Tựu trung lại, thực tế đã và đang chứng minh, việc cho phép trẻ em tham gia vào công việc của cộng đồng, xã hội và Nhà nước không bao giờ là quá sớm. Trẻ em yêu thích và quan tâm những vấn đề chính trị, xã hội càng rộng lớn thì trách nhiệm công dân của các em càng được định hình vững chắc. Trải nghiệm tham gia vào các quá trình ra quyết định và chấp hành các quyết định sẽ gieo vào mỗi đứa trẻ, cũng là mỗi công dân trẻ tuổi, ý thức chia sẻ, trách nhiệm gánh vác và tinh thần tự chịu trách nhiệm trước cộng đồng, xã hội.

Tin cùng chuyên mục

Thuốc lá điện tử với bề ngoài bắt mắt.

Mối nguy từ thuốc lá điện tử không thể suy đoán trước

(PLVN) - Theo chuyên gia y tế, hút thuốc lá điện tử làm phát sinh các bệnh hay ngộ độc mới nổi, thậm chí y học chưa biết, không thể đoán trước. Mối nguy từ thuốc lá điện tử thay đổi liên tục, không thể giải quyết hậu quả và tăng gánh nặng xã hội.

Đọc thêm

Vực dậy sau khủng hoảng sự nghiệp

Thất bại trong quá khứ có thể trở thành một “cú hích” cho sự đột phá trong sự nghiệp, nếu biết chấp nhận và đổi thay. (Ảnh: AT)
(PLVN) - Khủng hoảng trong công việc, sự nghiệp là điều mà rất nhiều người có thể gặp phải trong giai đoạn kinh tế khó khăn vừa qua. Đây không chỉ là cú sốc về mặt tài chính mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý, giá trị bản thân và cảm hứng sống. Nhưng chính những giai đoạn gian nan ấy là cơ hội để mỗi người tìm lại chính mình và tái sinh mạnh mẽ hơn.

Áp thấp nhiệt đới trên biển Đông

Dự báo vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới. Ảnh: nchmf.gov.vn
(PLVN) - Theo Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, trên biển Đông xuất hiện áp thấp nhiệt đới, trong khi đó khu vực Trung và Nam Trung Bộ sắp đón đợt mưa vừa, mưa to.

Bàn giao nhà tình nghĩa cho cựu quân nhân ở Bình Định

Đại tá Nguyễn Văn Thành trao bảng biểu trưng hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho vợ chồng ông Bản.
(PLVN) - Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định vừa phối hợp với Sư đoàn 3 Sao Vàng tổ chức bàn giao nhà tình nghĩa cho cựu quân nhân có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở.

Quảng Ninh hội thảo thúc đẩy động lực tăng trưởng phát triển kinh tế di sản

Quang cảnh buổi hội thảo
(PLVN) - Ngày 21/12, tại huyện Vân Đồn, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Hội đồng Lý luận Trung ương và Tỉnh ủy Quảng Ninh đồng tổ chức Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thúc đẩy động lực tăng trưởng mới - góc nhìn từ thực tiễn phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh”.

Ra mắt máy MRI 3.0 Tesla tầm soát bệnh chính xác tại Bạc Liêu

Ra mắt máy MRI 3.0 Tesla tầm soát bệnh chính xác tại Bạc Liêu
(PLVN) - Ngày 21/12, Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu, tổ chức lễ ra mắt hệ thống máy MRI 3.0 Tesla - công nghệ AI tầm soát đột quỵ. Đồng thời, hệ thống máy MRI 3.0 Tesla hỗ trợ tầm soát, chẩn đoán chính xác các bệnh lý phức tạp về thần kinh, mạch máu, ung thư…